Xúc tiến thương mại Việt Nam – Ba Lan trong lĩnh vực thực phẩm, đồ uống

08/12/2022 09:12

Ngày 07/12, Cục Đầu tư & Thương mại Ba Lan (PAIH), Trung tâm Xúc tiến thuộc Phòng Thương mại và Công nghiệp Ba Lan (KIGCP), phối hợp với Hiệp hội các nhà giết mổ thịt và các nhà sản xuất thịt nguội Ba Lan, Liên đoàn quốc gia các nhà sản xuất rau quả Ba Lan và Chi nhánh Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam tại TP.HCM (VCCI HCM) đã tổ chức buổi Hội thảo giới thiệu chương trình “Giao lưu thương mại Việt Nam - Ba Lan trong lĩnh vực thực phẩm - đồ uống”.

vnbl-1671242917.jpg
Xúc tiến thương mại Việt Nam – Ba Lan trong lĩnh vực thực phẩm, đồ uống

Tham dự Hội thảo có sự hiện diện của ông Nguyễn Hữu Nam,P.GĐ VCCI HCM; Bà Bożena Wróblewska - Chủ tịch Trung tâm Xúc tiến, Phòng TM&CN Ba Lan; Ông PIOTR ZIEMANN - Chủ tịch Hiệp hội sản xuất thịt chế biến của Cộng hòa Ba Lan; Ông PIOTR HARASIMOWCZ - Trưởng đại diện Văn phòng Cục Đầu tư - Thương mại Ba Lan tại Việt Nam; 8 nhà cung cấp đến từ Ba Lan và trên 30 doanh nghiệp Việt Nam là các nhà nhập khẩu, nhà phân phối trong lĩnh vực này.

Về quan hệ thương mại, Ba Lan hiện là bạn hàng số 1 của Việt Nam tại khu vực Đông Âu và Việt Nam là đối tác thương mại lớn thứ 7 của Ba Lan ngoài Liên minh châu Âu (EU). Năm 2021, kim ngạch thương mại hai chiều Việt Nam - Ba Lan đạt gần 2,6 tỷ USD, tăng 22% so với cùng kỳ năm 2020. Trong đó, giá trị xuất khẩu từ Việt Nam sang Ba Lan đạt hơn 2,1 tỷ USD, tăng 17% so với cùng kỳ năm 2020 và giá trị nhập khẩu của việt Nam từ thị trường này đạt trên 500 triệu USD, tăng 49% so với cùng kỳ.

Các mặt hàng chiếm tỷ trọng lớn trong cơ cấu hàng hóa Việt Nam xuất khẩu sang thị trường Ba Lan gồm: hàng may mặc, thủy sản, hàng nông sản như ngũ cốc, cà phê hay giày dép các loại. Ngược lại Ba Lan có thế mạnh về dược phẩm, nhóm sản phẩm từ sữa, thức ăn gia súc hay mỹ phẩm. Đây đang là những mặt hàng Việt Nam có nhu cầu nhập khẩu khá lớn.

Không chỉ thế, tính đến tháng 5/2022, Ba Lan xếp thứ 36 trên 134 quốc gia và vùng lãnh thổ đầu tư vào Việt Nam với 27 dự án, tổn vốn đăng ký trên 400 triệu USD, với các lĩnh vực chủ yếu là các dự án 100% vốn nước ngoài, tập trung trong lĩnh vực kinh doanh bất động sản, công nghiệp chế biến chế tạo và thông tin truyền thông.

Ở chiều ngược lại, tính đến tháng 2/2022 Ba Lan xếp thứ 44 trên 78 quốc gia và vùng lãnh thổ Việt Nam đầu tư ra nước ngoài với 4 dự án, tổng vốn đăng ký gần 4 triệu USD, thuộc lĩnh vực dịch vụ và công nghiệp thực phẩm.

Trong đó, đáng chú ý là dự án đầu tư của Vinamilk với trị giá 3 triệu USD thông qua việc mở công ty Vinamilk Europe tại Ba Lan có chức năng kinh doanh vật tư nông nghiệp, bán buôn, lẻ sữa và các chế phẩm từ sữa.

Tuy nhiên, theo đánh giá quan hệ thương mại và đầu tư giữa Việt Nam - Ba Lan vẫn chưa xứng tầm với quan hệ hữu nghị truyền thống và tiềm năng phát triển của hai bên. Một trong những rào cản cơ bản chính là việc hai bên thiếu thông tin về thị trường của nhau. Đây là cơ hội tốt để hai bên cùng trao đổi trực tiếp các vấn đề hai bên cùng quan tâm nhằm tìm kiếm cơ hội kinh doanh mới. 

Công Danh

Bạn đang đọc bài viết "Xúc tiến thương mại Việt Nam – Ba Lan trong lĩnh vực thực phẩm, đồ uống" tại chuyên mục Thời trang - Cuộc sống. Mọi bài vở cộng tác xin gọi hotline ( 08 6883 9892) hoặc gửi về địa chỉ email (doanhnghiepvacuocsong@gmail.com).