Lợi nhuận quý 3 đi lùi, dòng tiền 9 tháng âm nặng
Theo BCTC hợp nhất quý 3/2024, CTCP Tập đoàn Đầu tư Bảo Ngọc (mã ck: BNA) ghi nhận doanh thu thuần đạt 434 tỷ đồng, tăng 10,4% so với cùng kỳ năm ngoái. Tuy nhiên, giá vốn tăng đến 13,3% khiến biên lãi gộp bị co lại từ 13,5% còn 11,4%. Lợi nhuận gộp đạt 49,6 tỷ đồng, giảm nhẹ 3,4% so với cùng kỳ 2023.
Trong quý 3, chi phí tài chính tăng 34% so với cùng kỳ 2023 lên mức 10,6 tỷ đồng, chủ yếu là chi phí lãi vay tăng mạnh do lãi suất ngân hàng không giảm theo giải trình từ phía công ty. Chi phí quản lý doanh nghiệp cũng tăng 19% so với cùng kỳ lên 6,8 tỷ đồng trong khi chi phí bán hàng giảm 17% xuống còn 10,9 tỷ đồng.
Kết quả, Bảo Ngọc lãi ròng hơn 16 tỷ đồng quý 3/2024, giảm 27% so với cùng kỳ năm ngoái. Tuy nhiên, lợi nhuận sau thuế luỹ kế 9 tháng đầu năm vẫn tăng gần 45% so với cùng kỳ 2023, đạt 40,8 tỷ đồng.
Năm 2024, Bảo Ngọc đặt chỉ tiêu doanh thu hợp nhất và lợi nhuận sau thuế hợp nhất lần lượt là 1.680 tỷ đồng và 68 tỷ đồng. Với kết quả đạt được, công ty đã thực hiện 65% kế hoạch doanh thu và 60% mục tiêu lợi nhuận cả năm đề ra.
Mặc dù có lãi nhưng Bảo Ngọc lại gặp vấn đề lớn với dòng tiền. Lưu chuyển tiền thuần từ hoạt động kinh doanh trong 9 tháng đầu năm âm hơn 40 tỷ đồng. Con số này cùng kỳ năm ngoái cũng âm hơn 43 tỷ đồng. Dòng tiền kinh doanh âm khiến giới phân tích đặt dấu hỏi về chất lượng lợi nhuận của doanh nghiệp này.
Nợ phải trả gấp đôi vốn chủ sở hữu, phần lớn là nợ vay
Thương hiệu Bảo Ngọc ra đời vào năm 1986 với tiệm bánh Bảo Ngọc tại số 250, Hàng Bông, HN. Năm 1989, chủ cơ sở chuyển đổi từ tiệm bánh thành cơ sở sản xuất bánh ngọt Bảo Ngọc. Năm 2012, 55% cổ phần của Bảo Ngọc được chuyển giao cho CTCP Á Long. Chủ tịch HĐQT Công ty Á Long khi đó là ông Lê Đức Thuấn. Hiện ông Thuấn cũng là chủ tịch HĐQT của Bảo Ngọc.
Năm 2024, Bảo Ngọc có nhiều động thái tháy đổi nhằm cải thiện tình hình kinh doanh. Tại ĐHĐCĐ thường niên năm 2024, cổ đông doanh nghiệp thống nhất đổi tên từ CTCP Đầu tư Sản xuất Bảo Ngọc thành CTCP Tập đoàn Đầu tư Bảo Ngọc. Đồng thời, doanh nghiệp cũng chuyển nhượng trụ sở cũ và mua trụ sở mới.
Trước khi muốn thay tên đổi vận, nhiều dự án của Bảo Ngọc còn bị chậm tiến độ, điển hình là dự án Nhà máy sản xuất Bảo Ngọc miền Trung. Theo kế hoạch thì dự án sẽ hoàn thành và đưa vào hoạt động từ quý 4/2022. Tuy nhiên, vì triển khai chậm nên doanh nghiệp đã xin gian hạn thời gian chính thức của Nhà máy đến quý 4/2024.
Tương tự, dự án Nhà máy Bảo An Hà Nam có tổng mức đầu tư của dự án là 400 tỷ đồng, từng được kỳ vọng sẽ được đưa vào hoạt động từ tháng 8/2023. Tuy nhiên, tương tự như Nhà máy sản xuất Bảo Ngọc miền Trung, dự án này cũng chậm tiến độ. Tại thời điểm ngày 30/6/2024, dự án chưa hoàn thành.
Tính đến cuối quý 3/2024, tổng tài sản của Bảo Ngọc ở mức 1.545 tỷ đồng, tăng hơn 400 tỷ so với đầu năm. Trong đó, phần lớn là các khoản phải thu ngắn hạn (520 tỷ đồng) và tồn kho (525 tỷ đồng).
Về phía nguồn vốn, tổng nợ phải trả của Bảo Ngọc tại ngày 30/9/2024 lên đến 1.020 tỷ đồng, gần gấp đôi vốn chủ sở hữu cùng thời điểm. Trong đó, nợ vay tài chính ở mức hơn 750 tỷ đồng, chiếm một nửa tổng nguồn vốn.
CTCP Tập đoàn Đầu tư Bảo Ngọc (BNA) có tiền thân là Doanh nghiệp tư nhân bánh cao cấp Bảo Ngọc được thành lập từ năm 1986. BNA trở thành công ty đại chúng từ tháng 05/2018. Sản phẩm chính là các dòng bánh mì tươi, bánh sandwich truyền thống, bánh sandwich hokkaido không viền đầu tiên tại Việt Nam, bánh burger bò Manhattan, bánh paket, bánh tươi Kisshu bông lan sợi gà, Kisshu chà bông, nhân chocolate, đậu đỏ, bơ sữa,...