Ngày 23/11, Quốc hội nghe Tờ trình, báo cáo thẩm tra và thảo luận tại tổ về dự án Luật Công nghiệp công nghệ số.
Trình bày Tờ trình dự án Luật trước Quốc hội, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Thành Long khẳng định, dự án Luật được xây dựng nhằm phát triển công nghiệp công nghệ số trở thành ngành kinh tế đóng góp lớn vào kinh tế đất nước; tạo môi trường thuận lợi nhất để nuôi dưỡng và phát triển doanh nghiệp công nghệ số.
Phát triển ngành công nghiệp công nghệ số với trọng tâm là các doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam, từng bước chuyển dịch từ lắp ráp, gia công sang sáng tạo, thiết kế, tích hợp, sản xuất, làm chủ công nghệ lõi tại Việt Nam; góp phần xây dựng Chính phủ số, động lực phát triển kinh tế số, xã hội số. Khẳng định giá trị pháp lý của công nghiệp công nghệ số; hình thành các quy định, chính sách để thúc đẩy phát triển công nghiệp công nghệ số.
Luật Công nghiệp công nghệ số thay thế các nội dung về công nghiệp công nghệ thông tin và dịch vụ công nghệ thông tin trong Luật Công nghệ thông tin và bổ sung các quy định mới phù hợp với thực tiễn phát triển.
Về nghiên cứu và phát triển công nghệ số, dự thảo Luật đã quy định một số nội dung về ưu tiên phát triển lực lượng nghiên cứu, đội ngũ chuyên gia, nghiên cứu viên chất lượng cao; hình thành các cơ sở, trung tâm nghiên cứu, phòng thí nghiệm hiện đại; xây dựng và triển khai các chương trình nghiên cứu, phát triển công nghệ số trọng điểm, tập trung vào các công nghệ số cốt lõi; có chính sách khuyến khích các tập đoàn công nghệ đầu tư, thiết lập các trung tâm nghiên cứu, phát triển công nghệ số tại Việt Nam.
Về phát triển hạ tầng cho công nghiệp công nghệ số, dự thảo Luật khuyến khích huy động nguồn lực đầu tư của xã hội kết hợp với nguồn lực đầu tư nhà nước để xây dựng, phát triển các hạ tầng công nghiệp công nghệ số như: hệ thống thông tin về công nghiệp công nghệ số Quốc gia; trung tâm xử lý và lưu trữ dữ liệu; trung tâm/viện nghiên cứu phát triển; khu công nghệ số đảm bảo hiện đại, đồng bộ phù hợp với quy hoạch quốc gia, quy hoạch ngành, vùng, địa phương.
Về tài sản số, tài sản mã hóa, do tài sản số là tài sản vô hình, trong quản lý phải có sự kết hợp chặt chẽ giữa các quy trình quản lý, công nghệ và con người; bảo đảm tính toàn vẹn và xác thực; bảo đảm an toàn, an ninh thông tin, quản lý rủi ro; bảo đảm tính minh bạch và trách nhiệm giải trình; có thể chuyển giao, tương thích với các hệ thống khác; quản lý theo vòng đời; bảo đảm quyền sở hữu trí tuệ, tuân thủ pháp luật và hỗ trợ phát triển bền vững.
Quản lý tài sản số là một vấn đề mới, phức tạp
Thay mặt cơ quan thẩm tra, Chủ nhiệm Ủy ban KHCN&MT của Quốc hội Lê Quang Huy cho biết, Ủy ban cơ bản tán thành với sự cần thiết ban hành Luật Công nghiệp công nghệ số.
Dự thảo Luật Công nghiệp công nghệ số cơ bản đã thể chế hóa và phù hợp với đường lối, chủ trương, của Đảng và chính sách của Nhà nước; bảo đảm tính hợp hiến, hợp pháp trong hệ thống pháp luật, tương thích với với điều ước quốc tế có liên quan.
Về phạm vi điều chỉnh, Chủ nhiệm Ủy ban KHCN&MT cho biết, nhiều ý kiến tán thành với phạm vi điều chỉnh của dự thảo Luật. Tuy nhiên, một số ý kiến còn băn khoăn về phạm vi điều chỉnh của dự án Luật có thể trùng lắp, giao thoa với một số Luật liên quan như Luật Công nghệ thông tin, Luật Công nghệ cao, Luật Khoa học và Công nghệ, Luật Giao dịch điện tử…
Để dự thảo Luật có tính khả thi cao, bảo đảm tương thích với hệ thống pháp luật hiện hành, Ủy ban KHCN&MT đề nghị cần xác định rõ mối quan hệ giữa dự thảo Luật Công nghiệp công nghệ số và Luật Công nghệ thông tin.
Đồng thời nghiên cứu và chỉnh lý theo hướng thay thế toàn bộ Luật Công nghệ thông tin bằng việc mở rộng phạm vi điều chỉnh của dự án Luật này và tiếp tục bổ sung các quy định còn hiệu lực của Luật Công nghệ thông tin vào dự thảo Luật Công nghiệp công nghệ số; hoặc sau khi Luật này có hiệu lực, tiếp tục rà soát các quy định có hiệu lực còn lại của Luật Công nghệ thông tin để sớm xây dựng văn bản mới thay thế toàn bộ Luật Công nghệ thông tin.
Về chính sách phát triển công nghiệp công nghệ số, để thúc đẩy phát triển mạnh mẽ công nghiệp công nghệ số thì cần có chính sách rõ ràng, khả thi, đủ mạnh, tập trung vào những yếu tố cốt lõi để phát triển một ngành công nghiệp như nghiên cứu triển khai (R&D), hạ tầng, tài chính, nhân lực, thị trường, tiêu chuẩn, quy chuẩn.
Vì vậy, Ủy ban đề nghị nghiên cứu, bổ sung, điều chỉnh, cụ thể hóa trong Luật một số chính sách như hỗ trợ đào tạo, phát triển nguồn nhân lực; ưu đãi về đất đai, thuế, tài chính, đầu tư; sử dụng sản phẩm, dịch vụ Công nghiệp công nghệ số nội địa; hỗ trợ doanh nghiệp chủ động triển khai kinh doanh ngành nghề mới, mua bán, sáp nhập doanh nghiệp khởi nghiệp, liên kết phát triển hệ sinh thái.
Về tài sản số, Ủy ban KHCN&MT nhận thấy, việc quy định về tài sản số trong Luật Công nghiệp công nghệ số là cần thiết.
Tuy nhiên, quản lý tài sản số là một vấn đề mới, phức tạp nên cần cân nhắc kỹ lưỡng, trong đó cần nghiên cứu, làm rõ một số nội dung về phân loại tài sản số và xây dựng các quy định quản lý tương ứng; về quyền sở hữu, thừa kế và sử dụng; biện pháp bảo mật, giao dịch tài sản số, xử lý khiếu nại của người dùng, bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ; phù hợp với thông lệ quốc tế, thuận lợi cho các giao dịch; bảo đảm quản lý chặt chẽ, chống rửa tiền và minh bạch hóa thị trường.
Làm rõ chính sách ưu đãi vượt trội, có trọng tâm, trọng điểm
Thảo luận tại tổ 8, đại biểu Tạ Thị Yên (đoàn Điện Biên) nêu một số ý kiến để bảo đảm tính khả thi của dự thảo luật, trong đó có quy định về chính sách phát triển công nghiệp công nghệ số.
Theo đại biểu, một số nội dung về nghiên cứu triển khai (R&D), hạ tầng, tài chính, nhân lực, thị trường, chuẩn hóa, dữ liệu số là cốt lõi quy định còn khá chung chung, chưa có sự đột phá mạnh mẽ, chưa rõ đối tượng áp dụng nên khó triển khai trong thực tiễn, cần phải được làm rõ, sâu sắc hơn, cụ thể hơn, nhất là những cơ chế, chính sách khuyến khích, ưu đãi có tính vượt trội, có trọng tâm, trọng điểm và phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội của Việt Nam để bảo đảm tính khả thi.
Những ưu đãi về đất đai, thuế, tài chính, đầu tư và các cơ chế ưu đãi khác để phát triển ngành công nghiệp công nghệ số có thể sẽ mâu thuẫn với các Luật có liên quan như Luật Đầu tư, Luật Thuế thu nhập cá nhân, Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp… hiện hành nên cần nghiên cứu và có hướng giải quyết.
Đại biểu Tạ Thị Yên cũng bày tỏ đồng tình việc cần thiết và cơ bản nhất trí nội dung quy định cơ chế thử nghiệm có kiểm soát trong dự thảo Luật, nhất là trong lĩnh vực công nghệ tài chính theo hướng khuyến khích, tạo động lực, thúc đẩy đổi mới sáng tạo.
"Trong xu thế phát triển vượt trội, như vũ bão của KHCN, có rất nhiều phát minh tưởng chừng như "viễn tưởng" lại có thể trở thành hiện thực. Do đó, rất cần những quy định về cơ chế thử nghiệm có kiểm soát để sớm đưa thành quả nghiên cứu vào thực tiễn và để thực tiễn kiểm nghiệm, chứng minh cho sự cần thiết, hiệu quả của những phát minh, sáng chế đó", đại biểu Tạ Thị Yên bày tỏ.
Trong khi đó, đại biểu Nguyễn Thanh Phương (Đoàn Cần Thơ) cho rằng, phải định nghĩa đúng về “công nghệ số” thì nội hàm luật điều chỉnh mới tốt.
Bên cạnh đó, dù tán thành với việc có chính sách ưu tiên để thúc đẩy phát triển công nghiệp công nghệ số song đại biểu Nguyễn Thanh Phương cho rằng, trong dự thảo luật, các quy định ưu tiên, ưu đãi cần phải tập trung, đúng chỗ, không dàn trải.
“Tôi thống kê trong dự thảo Luật, từ “ưu tiên” lặp lại 23 lần; từ “hỗ trợ” lặp lại 53 lần; từ “ưu đãi” là 32 lần, “khuyến khích” là 6 lần. Theo tôi, ưu tiên, ưu đãi phải đúng chỗ mới thúc đẩy được, chỗ nào cũng ưu tiên thì không còn là ưu tiên nữa, vì vậy hết sức cân nhắc”.
Đại biểu Nguyễn Thanh Phương cho rằng, cần ưu tiên phát triển hạ tầng, gồm: điện - yếu tố cực kỳ quan trọng với công nghiệp bán dẫn, công nghiệp công nghệ số; nước sạch; nguồn nhân lực...
“Khi Malaysia xác định đảo Penang là đảo của bán dẫn, họ kéo hai đường điện ra đảo và làm hai cây cầu dài 14km và 23km để thúc đẩy ngành công nghiệp bán dẫn. Hoặc Hàn Quốc có những trung tâm nghiên cứu bán dẫn từ năm 1979, lương nhân sự ở đó rất cao”, đại biểu Nguyễn Thanh Phương lấy ví dụ.
Tiếp tục thảo luận tại tổ về dự án luật này, các đại biểu Quốc hội cho rằng đây là một dự án luật quan trọng nhằm thể chế hóa các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, tạo điều kiện để ứng dụng công nghệ số vào các hoạt động kinh tế - xã hội, khuyến khích đổi mới sáng tạo, góp phần đẩy mạnh chuyển đổi số quốc gia, phát triển kinh tế số, xã hội số và kiểm soát rủi ro phát sinh trong thực tiễn khi triển khai hoạt động này.
Hải Giang