Trước khi định nghĩa về quốc gia tồn tại thì Luzia đã đi khắp vùng đồng cỏ xavan giờ là Trung Nam Brazil và được chôn cất ở hang động Vermelha cách đây 11.500 năm cho đến khi các nhà khoa học tìm thấy vào thế kỷ 20. Giới nghiên cứu nhận định sự tồn tại của Luzia góp phần quan trọng vào những hiểu biết hiện tại về quá trình di cư của loài người xưa kia.
Tuy nhiên, theo New York Times, bộ xương của Luzia cùng gần 20 triệu vật phẩm giá trị có lẽ đã bị thiêu rụi khi Bảo tàng Quốc gia Brazil tại Rio de Janeiro bốc cháy dữ dội hôm 2/9.
Tổng thống Brazil Michel Temer gọi đây là nỗi mất mát “không thể đo đếm được”. “Hôm nay là ngày buồn cho mọi người dân Brazil. Công trình nghiên cứu và kiến thức của 200 năm đều biến mất”, ông đăng trên Twitter.
Thiệt hại không thể đo lường
"Chúng tôi chia buồn với đồng nghiệp ở Brazil. Trái tim và suy nghĩ của chúng tôi đều ở bên bạn”, Bảo tàng Lịch sử Tự nhiên Quốc gia Smithsonian, Mỹ, viết trên Twitter.
Nhiều bảo tàng khắp thế giới gửi lời chia buồn tới Bảo tàng Quốc gia Brazil về vụ cháy, giống như thể hiện niềm thương tiếc với mất mát của một thành viên trong gia đình.
Bảo tàng Louvre, Paris bày tỏ “nỗi buồn sâu sắc”. Tại Mexico, Bảo tàng Nhân học Quốc gia gọi đây là bi kịch đối với "di sản của toàn nhân loại".
[caption id="attachment_545" align="aligncenter" width="620"]
Bảo tàng Quốc gia Brazil cháy dữ dội hôm 2/9. Ảnh:
Reuters.[/caption]
Đám cháy bi kịch tại bảo tàng 200 năm tuổi, cổ nhất và quan trọng nhất Brazil, bắt đầu lúc 7h30 tối 2/9 (giờ địa phương) và bùng lên dữ dội sau đó. Tuy không có thương vong, các nhân viên bảo tàng cho rằng thiệt hại đối với khoa học, lịch sử và văn hóa Brazil là không thể đo được bởi đây là nơi trưng bày nhiều xác ướp
Ai Cập, các cổ vật Hy Lạp - La Mã, hóa thạch, khủng long và bộ xương “Luzia” có niên đại 12.000 năm tuổi cổ nhất châu Mỹ.
“Người Brazil chúng tôi chỉ có 500 năm lịch sử. Bảo tàng này 200 năm tuổi. Ký ức của chúng tôi tuy nhỏ bé nhưng đó là những gì chúng tôi có và nó đã vĩnh viễn biến mất”, Mercio Gomes, nhà nhân học và cựu chủ tịch Funai, cơ quan chính phủ quản lý người bản địa, viết trên Facebook.
Thiệt hại lớn nhất trong vụ cháy có lẽ là bộ tài liệu chữ viết và âm thanh của người bản địa Brazil trước thời thuộc địa. Nhà nghiên cứu Jose Urutau Guajajara chia sẻ: “Đây là mất mát lớn về những văn bản của người bản địa ở Mỹ Latin. Ký ức của chúng ta đã bị xóa bỏ”.
Tối 2/9, khi ngọn lửa lan ra, khói đen ngập trời, nhân viên cứu hỏa đã cố gắng cứu được một số thùng tài liệu và bình đựng mẫu vật khoa học. Sáng 3/9, ngọn lửa được dập tắt. Ban quản lý bảo tàng nuôi hy vọng tìm kiếm những gì còn sót lại trong khu tàn tích nhưng vật duy nhất tìm thấy được là một mảnh trong bộ sưu tập thiên thạch lớn nhất của Brazil.
Nhiều người hy vọng các bộ sưu tập trong bảo tàng đã được số hóa nhưng điều này cũng không khiến những người gắn bó với các đồ vật lịch sử hữu hình cảm thấy được an ủi.
“Đây là thảm họa không thể chấp nhận được. Nó là 200 năm di sản quốc gia, 200 năm ký ức, khoa học, văn hóa và giáo dục”, Luiz Duarte, phó giám đốc bảo tàng, nói với
Globo.
"Tội ác quốc gia"
Trong khi nguyên nhân vụ cháy vẫn đang được điều tra, nhiều người cho rằng bi kịch một phần xuất phát từ hệ thống phòng cháy chữa cháy không đạt chuẩn. Theo Roberto Robaday, trưởng ban phòng cháy chữa cháy Rio de Janeiro, hai vòi nước gần nhất với bảo tàng đều cạn khô, gây chậm trễ công tác dập lửa.
Tuy nhiên, nguyên nhân sâu xa hơn nữa có lẽ nằm ở chính sách cắt giảm chi tiêu và sự phớt lờ của chính phủ.
[caption id="attachment_546" align="aligncenter" width="860"]
Khu vực bảo tàng nhìn từ trên xuống vào sáng 3/9. Ảnh:
Getty.[/caption]
Bảo tàng Quốc gia Brazil vừa kỷ niệm 200 năm xây dựng hồi tháng 6. Theo Duarte, không một quan chức chính phủ nào có mặt. Ông cho rằng chính quyền phải chịu trách nhiệm đã không duy trì tu bổ, khiến công trình xuống cấp trầm trọng.
“Nhiều năm qua, chúng tôi đấu tranh với chính phủ để có được nguồn lực cần thiết gìn giữ bảo tàng nhưng giờ tất cả chỉ còn là đống đổ nát. Tôi cảm thấy bất bình và phẫn nộ”, Duarte nói.
Marina Silva, cựu bộ trưởng môi trường và ứng cử viên cho cuộc bầu cử tháng 10 sắp tới, cho rằng đây là "bi kịch nhìn thấy trước", là kết quả từ tình trạng thiếu hụt tài chính. Bảo tàng cũng từng bị đóng cửa vì thiếu nguồn lực bảo dưỡng. Theo ban quản lý, họ đã phải rất cố gắng duy trì hoạt động. Các giáo sư thậm chí còn góp tiền để trả cho dịch vụ dọn vệ sinh.
Gần đây, ban giám đốc bảo tàng đạt được thỏa thuận với ngân hàng phát triển nhà nước về các khoản hỗ trợ, trong đó có dự án phòng cháy chữa cháy. Tuy nhiên, quỹ sẽ chỉ bắt đầu được giải ngân một phần sau cuộc bầu cử tổng thống dự kiến diễn ra vào tháng 10, còn đám cháy thì không chờ đợi ai.
“Đây là điều mỉa mai tồi tệ nhất", Duarte cảm thán.
[caption id="attachment_547" align="aligncenter" width="1024"]
Học sinh và nhân viên bảo tàng tổ chức biểu tình gần bảo tàng. Ảnh:
AP.[/caption]
Nhiều người chỉ trích chính phủ dành tiền tỷ đầu tư cho Thế vận hội và các dự án xây dựng lớn nhưng lại thắt chặt chi tiêu cho văn hóa và giáo dục.
Đám đông giận dữ tập trung tại hiện trường nói rằng bảo tàng với những cổ vật quý giá cháy rụi chỉ vì không có tiền bảo trì vòi nước trong khi thành phố có ngân sách khổng lồ để xây Bảo tàng của Tương lai theo hình dáng tàu vũ trụ tráng lệ. Thậm chí, nhiều người yêu cầu Tổng thống Temer từ chức.
Theo Guardian, người dân bất bình mô tả vụ cháy là hình ảnh ẩn dụ cho cơn thịnh nộ của họ về nền kinh tế kém phát triển, nạn tham nhũng và bất ổn chính trị của đất nước. Brazil vừa thoát ra khỏi cuộc khủng hoảng 2014 đang chật vật đối mặt với tình trạng 12 triệu người thất nghiệp và tỷ lệ tội phạm cao.
Bernado Mello Franco, một trong những nhà báo Brazil nổi tiếng, viết trên Globo : “Bi kịch chủ nhật giống như một tội ác tầm quốc gia đối với mọi thế hệ quá khứ và tương lai”.
Ngọc Hà
Theo Guardian, NYT