Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng thị sát Khu kinh tế mở Chu Lai.
Bài 1: Không để doanh nghiệp lao đao, địa phương gặp khó
Nếu coi sức khỏe của doanh nghiệp chính là sức khỏe của nền kinh tế, thì việc có tới 56.227 doanh nghiệp phải rút lui khỏi thị trường trong 6 tháng qua chính là một chỉ báo cho thấy, kinh tế Việt Nam đang thực sự “có vấn đề”. Vì có vấn đề, nên nửa đầu năm, có tới 12 tỉnh, thành phố có tăng trưởng âm. Muốn vực dậy nền kinh tế, phải bắt đầu bằng việc gỡ khó cho doanh nghiệp, gỡ khó cho từng địa phương.
Khi “ông lớn” cũng lao đao
Thaco là một tập đoàn tư nhân lớn của Việt Nam, với doanh số chỉ riêng phần ô tô năm 2019 là 87.626 tỷ đồng. Trên đà tăng trưởng, Thaco đã sẵn sàng cho các kế hoạch đầu tư, kinh doanh mới, bao gồm cả việc đưa vào hoạt động nhà máy sản xuất lốp xe xuất khẩu, cũng như lắp ráp các mẫu xe KIA mới vào cuối năm 2020, nhưng rồi đại dịch Covid-19 tràn qua và đã cuốn đi tất cả. Mẫu xe mới chưa thể sản xuất, còn nhà máy lốp xe nhiều khả năng phải giữa năm sau mới có thể đi vào hoạt động.
Điều khiến ông Trần Bá Dương, Chủ tịch HĐQT Thaco Group được “an ủi” là cho đến giờ này, Thaco chưa phải cho công nhân nghỉ việc, thu nhập vẫn được duy trì. Việc Thaco chủ động giá bán hàng tồn, kịp thời điều chỉnh sản lượng đã góp phần rất lớn giúp Thaco cầm cự được trong giai đoạn khó khăn do ảnh hưởng bởi Covid-19.
Nhưng một cách thẳng thắn, khi chia sẻ về kết quả kinh doanh 6 tháng đầu năm với Đoàn công tác của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, do Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng làm Trưởng đoàn đến làm việc tại các tỉnh miền Trung vào tuần trước, ông Trần Bá Dương thừa nhận: kết quả kinh doanh năm nay không thể đạt dự kiến, sắp tới, Thaco sẽ phải tính toán nhiều phương án tiết giảm chi phí.
Theo số liệu của Thaco, 6 tháng đầu năm, doanh số ô tô chỉ đạt 29.853 tỷ đồng, giảm 29% so với cùng kỳ.
Nhưng Thaco không phải là doanh nghiệp duy nhất gặp khó. Công ty cổ phần Lọc hóa dầu Bình Sơn (BSR) thậm chí còn thua lỗ tới 2.332 tỷ đồng chỉ trong quý I/2020. Quý II, con số đang trong quá trình kiểm toán, nhưng dự kiến cũng không được cải thiện.
Lý do thua lỗ, khi báo cáo với Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng, lãnh đạo BSR cho biết, là do theo thông lệ của các nhà máy lọc dầu, BSR phải mua trước dầu thô theo các hợp đồng được ký từ cuối năm 2019. Khi đó, giá dầu thô tham chiếu là 65 – 70 USD/thùng, nhưng khi nhập kho, chế biến và xuất bán sản phẩm thì đúng lúc giá dầu lao dốc, xuống còn chỉ còn trên 13 USD/thùng, nên có thời điểm, giá sản phẩm thấp hơn cả giá dầu thô. Lại thêm việc tiêu thụ khó khăn do ảnh hưởng của Covid-19, nên lợi nhuận chế biến của BSR bị âm trong 6 tháng đầu năm.
Câu chuyện nằm ở chỗ, BSR không chỉ gặp khó vì Covid-19, mà còn gặp khó vì cơ chế, chính sách của Việt Nam thay đổi. Trước đây, BSR được miễn tiền sử dụng mặt biển và điều này đã được ghi rõ trong giấy chứng nhận đầu tư, nhưng giờ thì lại không được hưởng điều đó nữa.
...thì địa phương gặp khó
Ngồi cùng bàn làm việc với Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng và lãnh đạo Thaco còn có ông Hồ Quang Bửu, Phó chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam. Ông Bửu dường như “đứng ngồi không yên” khi nghe Thaco báo cáo chuyện “hụt thu”. “Năm nay, Quảng Nam dự kiến hụt thu ngân sách khoảng 7.000 tỷ đồng, trong đó riêng của Thaco là 3.500 tỷ đồng”, ông Bửu nói.
Dễ hiểu vì sao, ông Bửu lo lắng. Bởi Thaco hiện đóng góp tới 55% ngân sách tỉnh. Những năm trước, con số còn lên tới 75%. Điều đó đồng nghĩa với việc, Thaco gặp khó, thì kinh tế – xã hội Quảng Nam cũng gặp nhiều khó khăn.
Trong 6 tháng đầu năm, Quảng Nam là một trong số 12 tỉnh, thành phố trong cả nước có mức tăng trưởng âm, với mức âm 11,51%. Trong số 12 địa phương này, ở miền Trung, còn có Đà Nẵng (tăng trưởng âm 3,61%). Đó là lý do vì sao, chuyến công tác đầu tiên của Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng tới các địa phương nhằm nắm bắt tình hình, tháo gỡ khó khăn cho sản xuất – kinh doanh, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế là các tỉnh miền Trung.
Báo cáo Bộ trưởng, ông Lê Trí Thanh, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam cho biết, kinh tế – xã hội của Quảng Nam đã chịu tác động nặng nề của Covid-19. Chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp giảm tới 24,7% so với cùng kỳ. Đặc biệt, riêng dịch vụ lưu trú và ăn uống giảm tới 52%. Doanh thu từ dịch vụ tham quan, lưu trú du lịch giảm 67% so với cùng kỳ năm ngoái.
“Khá” hơn Quảng Nam một chút, Quảng Ngãi đạt tốc độ tăng trưởng GRDP 6 tháng đầu năm là 0,72%. Nguyên nhân được chỉ ra liên quan đến sự sụt giảm sản xuất của BSR. Thêm vào đó, việc một số lượng lớn lao động nước ngoài của Công ty cổ phần Thép Hòa Phát – Dung Quất chưa thể quay lại Việt Nam để thực hiện công việc lắp đặt máy móc, thiết bị và vận hành, chạy thử dây chuyền sản xuất 2 triệu tấn mới, cũng đã làm chậm tiến độ của dự án, làm giảm sản lượng thép sản xuất theo kế hoạch năm 2020 và tất nhiên đã ảnh hưởng tới các chỉ số kinh tế của Quảng Ngãi.
Trong số các địa phương ở miền Trung, Phú Yên, Bình Định có vẻ “đỡ” hơn cả. 6 tháng, tăng trưởng GRDP của Phú Yên là 1,93%, còn của Bình Định là 2,01%, cao hơn mức tăng trưởng GDP của cả nước (1,81%). Tuy nhiên, điều khiến ông Nguyễn Chí Hiến, Phó chủ tịch UBND tỉnh Phú Yên băn khoăn là kế hoạch thu ngân sách năm nay khó có thể đạt mục tiêu đề ra. Năm nay, Phú Yên đặt mục tiêu thu được 9.000 tỷ đồng, nhưng 6 tháng, con số mới là 3.400 tỷ đồng, đạt 37,8% kế hoạch năm.
Trong khi đó, ông Hồ Quốc Dũng, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định, cho biết, tỉnh phấn đấu cả năm đạt tăng trưởng GRDP 4,5%. Quyết tâm đạt được con số này là bởi Bình Định khá “may mắn” khi đón được làn sóng du lịch đang hồi phục hậu Covid-19. Hiện nay, mỗi ngày có 60 chuyến bay đến và đi từ sân bay Phù Cát, tăng cao hơn so với năm ngoái.
Gỡ khó từng doanh nghiệp, từng địa phương
Nền kinh tế đang đối mặt với rất nhiều khó khăn, thách thức, thậm chí cả nguy cơ suy giảm kinh tế vì Covid-19. Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng đã thậm chí phải dùng hai từ “nghiêm trọng” và “khẩn cấp” khi nói về tình hình kinh tế – xã hội Việt Nam nửa đầu năm 2020, đồng thời đề xuất việc cả hệ thống chính trị phải xác định nhiệm vụ phục hồi và phát triển kinh tế với phương châm “chống suy thoái kinh tế như chống giặc”.
Vì lý do đó, thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Hội nghị trực tuyến Chính phủ với các địa phương hôm 2/7, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã ngay lập tức thành lập Đoàn công tác để tới từng dự án, vào từng doanh nghiệp, xuống từng địa phương để nắm bắt tình hình, tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.
Một tinh thần quyết liệt nhìn thấy rất rõ, khi Hội nghị diễn ra ngày 2/7, thì Đoàn công tác của Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã lên đường ngay vào ngày 4/7. Và tại bất cứ cuộc làm việc nào, tại địa phương, tại doanh nghiệp hay trên các công trường xây dựng, mọi đề xuất, kiến nghị đều được Bộ trưởng kịp thời xem xét, giải quyết một cách thấu đáo.
Khi Thaco “kêu” hiện phải bốc hàng sang cảng Quy Nhơn, vì đường vào cảng khu vực Chu Lai chưa xong, Bộ trưởng chỉ đạo, phải rốt ráo đẩy nhanh, vì đây là tuyến đường quan trọng. Nghe Hòa Phát muốn đẩy nhanh tiến độ và thực hiện giai đoạn mở rộng nhà máy thêm 5 triệu tấn/năm, Bộ trưởng nói sẽ “sớm xem xét”.
“Với Bình Sơn, tinh thần chung là chúng tôi ủng hộ các kiến nghị của doanh nghiệp. Các chính sách ưu đãi cho doanh nghiệp đã được quy định trong giấy chứng nhận đầu tư, thì phải được hưởng. Chúng tôi sẽ phối hợp với các bộ, ngành khác để tháo gỡ khó khăn, xử lý vướng mắc cho doanh nghiệp”, Bộ trưởng nói.
Trong khi đó, khi Doosan Vina, khi Hòa Phát mong muốn tạo điều kiện cho các chuyên gia nước ngoài được nhập cảnh làm việc, Bộ trưởng cam kết “sẽ tạo điều kiện”, bởi nhiều chuyến bay đưa các chuyên gia nước ngoài tới Việt Nam làm việc đã được thực hiện.
“Chuyến công tác lần này là nhằm thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Hội nghị trực tuyến Chính phủ với các địa phương. Đó là trong tình hình kinh tế khó khăn, cần nắm sát tình hình thực tế của từng ngành, từng lĩnh vực, từng dự án, từng doanh nghiệp, từng địa phương, biết khó khăn ở đâu, ách tắc chỗ nào, điểm nghẽn ra sao, từ đó có giải pháp phù hợp, nhằm thực hiện ở mức cao nhất có thể kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội năm 2020 của địa phương và của cả nước”, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng đã chia sẻ.
Theo khẳng định của Bộ trưởng, nếu không nỗ lực, để nền kinh tế sụt giảm sâu hơn, chúng ta sẽ mất nhiều năm, nhiều chi phí để phục hồi, gây dựng lại nền kinh tế, và do đó, có thể bỏ lỡ nhiều cơ hội phát triển cho đất nước. Vì lẽ đó, chống suy giảm kinh tế là nhiệm vụ sống còn hiện nay.
Việc Đoàn công tác của Bộ Kế hoạch và Đầu tư tới từng doanh nghiệp, từng dự án, từng địa phương để gỡ khó, chính là một biện pháp quan trọng và hữu hiệu để chống suy giảm kinh tế.
Hà Nguyễn-ĐT
Link nội dung: https://doanhnghiepcuocsong.vn/doc-suc-chong-suy-giam-kinh-te-a5278.html