Giá trị thanh toán qua mobile banking năm ngoái tăng 210%, còn ineternet banking và ví điện tử cũng tăng 37 - 86% so với cùng kỳ.
Theo ông Phạm Tiến Dũng - Vụ trưởng Vụ Thanh toán (Ngân hàng Nhà nước), xu hướng thanh toán trong nền kinh tế đang có sự chuyển dịch theo hướng sử dụng các phương tiện thanh toán không dùng tiền mặt nhiều hơn.
Thống kê của Ngân hàng Nhà nước cho thấy, tăng trưởng số lượng và giá trị giao dịch thanh toán điện tử năm ngoái qua kênh mobile banking lần lượt là 198% và 210%. Con số không ấn tượng bằng nhưng các kênh ineternet banking và ví điện tử cũng đều tăng trưởng khoảng 37-86% so với cùng kỳ. Tỷ trọng giao dịch tại ATM giảm từ 62% của năm 2018 xuống còn 42% vào cuối năm ngoái, cho thấy sự thay đổi thói quen từ việc rút tiền mặt phục vụ chi tiêu hằng ngày sang các kênh ngân hàng điện tử.
Thanh toán điện tử trong khu vực dịch vụ công cũng cải thiện đáng kể. Khoảng 50 ngân hàng đã kết nối thanh toán điện tử với hải quan, thuế tính đến cuối năm ngoái. Hơn 95% số thu của hải quan và 90% tiền điện được đóng qua ngân hàng. Thậm chí, một số bệnh viện cũng có lượng giao dịch viện phí không tiền mặt đến 35%.
Khảo sát của VISA ghi nhận 74% người tiêu dùng đồng ý thanh toán bằng công cụ không tiền mặt vì họ cho rằng phương tiện chấp nhận thanh toán đang nhiều lên, đồng nghĩa việc mang tiền mặt sẽ được hạn chế. Khoảng 37% người tiêu dùng đang sử dụng thanh toán thẻ không tiếp xúc tại Việt Nam và 42% trong số đó thanh toán không tiếp xúc bằng điện thoại di động. Đối với nhóm sử dụng thanh toán thẻ không tiếp xúc, có 85% người thanh toán một lần một tuần hoặc nhiều hơn.
Theo Báo Dân Sinh
Link nội dung: https://doanhnghiepcuocsong.vn/thanh-toan-khong-dung-tien-mat-tang-manh-a4776.html