Như Thương hiệu và Công luận đã thông tin, trong khi tình hình dịch Covid-19 đang có diễn biến phức tạp, đòi hỏi sự quyết liệt chung tay của Chính phủ, các địa phương, cùng toàn thể xã hội, thì lợi dụng thực trạng ấy, nhiều đối tượng vẫn ngang nhiên công khai rao bán các loại quần áo bảo hộ y tế, khẩu trang, găng tay… kém chất lượng, không rõ nguồn gốc xuất xứ ra thị trường.
Cụ thể, chỉ cần gõ cụm từ “đồ bảo hộ chống dịch”, hoặc “quần áo bảo hộ y tế” trên thanh công cụ google, là lập tức có tới hàng triệu kết quả hiện ra. Từ quần áo bảo hộ y tế, các set đồ chống dịch, khẩu trang, găng tay, kính chống giọt bắn…
Những sản phẩm này được rao bán với những thông tin quảng cáo tung hô như, chống được virus, bảo vệ cơ thể, chất liệu thoáng mát… Chính vì vậy, sản phẩm thu hút sự quan tâm của nhiều người với số lượng người mua rất lớn. Điều đáng nói, ngoài việc không rõ chất lượng, nguồn gốc, xuất xứ, thì giá của các mặt hàng này thi nhau “nhảy múa” nhộn nhịp trên chợ mạng và sàn thương mại điện tử, từ vài chục nghìn lên tới vài trăm nghìn cho 1 sản phẩm.
Tương tự, trên các sàn thương mại điện tử như Lazada, Shopee…, những hội nhóm, fanpage trên mạng xã hội facekbook cũng ồ ạt rao bán loại đồ bảo hộ chống dịch, loại phủ từ đầu tới chân với nhiều mức giá khác nhau.
Việc lợi dụng diễn biến phức tạp của dịch Covid-19 để kinh doanh, buôn bán các loại quần áo bảo hộ y tế giá rẻ, kém chất lượng, không rõ nguồn gốc xuất xứ, không những không bảo đảm an toàn cho người sử dụng trong môi trường tiềm ẩn nhiều vi rút, vi khuẩn gây bệnh. Đặc biệt là các lực lượng phòng chống dịch, những y bác sĩ, tình nguyện viên tuyến đầu chống dịch.
Đại diện một doanh nghiệp trong lĩnh vực trang thiết bị y tế cho biết, giả sử nếu các loại quần áo bảo hộ y tế chính hãng, đạt tiêu chuẩn theo quy định được bán ra với mức giá 150 – 200.000đ/bộ (phòng dịch Lever 4), thì thay vào đó, các đơn vị, đối tượng kinh doanh hàng kém chất lượng chỉ cần nhập khẩu từ Trung Quốc, hoặc đặt các xưởng gia công với giá từ 30-50.000đ/bộ (quần áo phòng dịch Lever 3). Sau đó, đóng nhãn mác thương hiệu và bày bán công khai ngoài thị trường.
Nếu người mua không biết, thì đã vô tình rơi vào cái bẫy của họ, tạo điều kiện cho các đối tượng xấu làm giàu bất chính. Và nguy hiểm hơn là loại quần áo bảo hộ y tế này không bảo đảm an toàn cho người sử dụng trong môi trường tiềm ẩn nhiều vi rút, vi khuẩn gây bệnh. Ảnh hưởng tới quyền lợi, sức khỏe, tính mạng người tiêu dùng và công tác phòng, chống dịch Covid-19 của toàn xã hội.
Theo các chuyên gia trong ngành y tế cảnh báo, quần áo bảo hộ y tế phải bảo đảm theo đúng những tiêu chuẩn riêng biệt, chứ không phải loại bán tràn lan trên thị trường hiện nay.
Ngoài việc phục vụ cho mục đích điều trị đặc thù của ngành khi trực tiếp điều trị cho bệnh nhân, thì tại thời điểm dịch Covid-19 đang có diễn biến phức tạp tại nhiều tỉnh thành, quần áo bảo hộ y tế, khẩu trang, kính chống giọt bắn… là những vật dụng không thể thiếu dành cho các lực lượng phòng chống dịch, những y bác sĩ tuyến đầu và bất cứ ai khi phải làm việc, di chuyển trong môi trường tiềm ẩn nhiều vi rút, vi khuẩn gây bệnh.
Nếu mua, sử dụng phải các sản phẩm quần áo bảo hộ y tế giá rẻ, kém chất lượng, hoặc không rõ nguồn gốc xuất xứ, không những không bảo đảm an toàn cho người sử dụng trong môi trường tiềm ẩn nhiều vi rút, vi khuẩn gây bệnh, đặc biệt là các lực lượng phòng chống dịch, những y bác sĩ tuyến đầu, mà còn có nguy cơ mắc phải những căn bệnh khác…
“Do vậy, các lực lượng phòng chống dịch Covid-19, những y bác sĩ tuyến đầu, tình nguyện viên và tất cả mọi người cần thiết phải sử dụng loại quần áo bảo hộ y tế đã được kiểm tra theo đúng tiêu chuẩn, được cấp phép bán ra thị trường. Không nên ham rẻ mà mua phải hàng kém chất lượng, dẫn đến việc tiền mất tật mang.
Bên cạnh đó, người dân cần hạn chế ra khỏi nhà, tránh tụ tập nơi đông người và thực hiện nghiêm quy định 5K của Bộ Y tế, để cùng chung tay phòng, chống dịch Covid-19...”, một chuyên gia khuyến cáo.
Ngoài việc công khai buôn bán các loại quần áo bảo hộ y tế kém chất lượng, không rõ nguồn gốc, xuất xứ…, thì một số chuyên gia cũng nhận định: Không ngoại trừ khả năng lợi dụng việc các tổ chức, cá nhân chung tay ủng hộ công tác phòng chống dịch của lực lượng chức năng, bệnh viện và các y bác sỹ tuyến đầu, tình nguyện viên…, một số doanh nghiệp, đối tượng làm ăn phi pháp sẽ ngang nhiên nhập lậu các vật tư, thiết bị phòng chống dịch, như: Quần áo bảo hộ, găng tay, khẩu trang, kém chất lượng, đóng nhãn mác sản xuất tại Việt Nam và công khai chào bán một cách hợp pháp.
Nếu xảy ra tình trạng này, thì sẽ gây ra hậu quả vô cùng nghiêm trọng đối với người trực tiếp sử dụng là các y bác sỹ, các tình nguyện viên tuyến đầu chống dịch; ảnh hưởng nghiêm trọng tới chủ trương của Chính phủ, công tác phòng chống dịch Covid-19 của các sở ngành địa phương, và toàn xã hội.
Có thể thấy, cảnh báo trên là hoàn toàn có cơ sở. Bởi, theo thống kê từ đầu đại dịch đến ngày 9/8, đã có tới 2.380 cán bộ y tế bị lây nhiễm SARS-CoV-2 và 3 người (2 điều dưỡng và 1 nữ hộ sinh) tử vong vì Covid-19 khi làm nhiệm vụ.
Trao đổi trước báo giới mới đây, PGS.TS Phạm Thanh Bình, Chủ tịch Công đoàn y tế Việt Nam đã phải rơi nước mắt khi nói về những mất mát của lực lượng y bác sĩ tuyến đầu trong cuộc chiến với Covid-19. Theo PGS.TS Phạm Thanh Bình cho biết, con số 2.380 nhân viên y tế mắc Covid-19 có thể là thống kê chưa đầy đủ và “sẽ còn tăng lên nhiều nữa”.
“Nhiều cán bộ đã khóc, stress nặng khi không cứu được bệnh nhân. Rồi họ cũng phải nhìn chính những đồng nghiệp của mình hy sinh. Đó là nỗi đau, trăn trở rất lớn với y bác sĩ”, PGS Phạm Thanh Bình chia sẻ.
Có thể nói, đây là hồi chuông cảnh báo, để các tổ chức, cá nhân… cần phải tỉnh táo, cân nhắc, kiểm tra kỹ thông tin, nguồn gốc của các sản phẩm, trước khi mua các mặt hàng phòng, chống dịch để ủng hộ công tác phòng chống dịch của lực lượng chức năng, bệnh viện và các y bác sỹ tuyến đầu,…
Ngoài ra, để tránh những trường hợp đáng tiếc xảy ra cho các lực lượng phòng chống dịch, các y bác sỹ, tình nguyện viên nơi tuyến đầu phòng chống dịch, ảnh hưởng tới chủ trương của Chính phủ, công tác phòng chống dịch Covid-19 của các sở ngành địa phương, và toàn xã hội. Thiết nghĩ, các cơ quan chức năng có thẩm quyền liên quan cần tăng cường công tác kiểm tra giám sát, đồng thời xử lý nghiêm đối với các tổ chức, cá nhân coi thường pháp luật, cố tình vi phạm.
Theo: Nguyễn Tùng/https://thuonghieucongluan.com.vn/
Link nội dung: https://doanhnghiepcuocsong.vn/dung-de-quan-ao-bao-ho-y-te-kem-chat-luong-len-loi-noi-tuyen-dau-chong-dich-a47019.html