DNCS - Trước khi Thanh tra Chính phủ phanh phui sai phạm tại dự án New City Thủ Thiêm, ông Trần Vĩnh Tuyến, Phó Chủ tịch UBND TP.HCM từng ký văn bản cho rằng, TP đã làm đúng quy định, đúng chỉ đạo và xin Thủ tướng chấp thuận.
Sai phạm vượt quyền Thủ tướng, bất chấp mọi khuyến cáo
Theo kết luận thanh tra về công tác quản lý nhà nước và thực hiện pháp luật tại Khu đô thị mới Thủ Thiêm, dự án New City đã được nhà đầu tư (Công ty TNHH Xây dựng - Thương mại Thuận Việt) thay đổi thiết kế từ nhà tái định cư sang nhà ở thương mại. Thuận Việt cũng đã chuyển nhượng cho người mua 1.122 căn hộ. Đồng thời, UBND TP.HCM đã thanh lý hợp đồng đầu tư xây dựng khu tái định cư, khi chưa có ý kiến chấp thuận của Thủ tướng Chính phủ về giao đất là không đúng quy định tại Điểm I, Khoản 2, Điều 118 Luật Đất đai năm 2013.
Vấn đề dư luận đặt ra là có hay không nhóm lợi ích thao túng và cố tình làm trái Luật Đất đai để trục lợi trên đất công? Nghi vấn này càng có cơ sở vì Bộ Tài chính và Sở Tư pháp TP.HCM đều đưa ra khuyến cáo làm đúng quy định, nhưng lại bị gạt sang một bên.
Cụ thể, ngày 11/1/2018, trong báo cáo về kết quả đàm phán, thương thảo giữa Ban Quản lý đầu tư xây dựng Khu đô thị mới Thủ Thiêm và chủ đầu tư liên quan Hợp đồng mua 1.330 căn hộ tái định cư, cũng nêu ý kiến của Sở Tư pháp kiến nghị về việc phải báo cáo Thủ tướng.
Theo đó, Sở Tư pháp đề nghị Ban Quản lý khu Thủ Thiêm làm rõ thêm một số nội dung trong Biên bản đàm phán và nghiên cứu, bám sát chủ trương của UBND TP, ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Tài chính, Bộ Xây dựng. “Trong trường hợp cần thiết, Ban Quản lý khu Thủ Thiêm kiến nghị UBND TP báo cáo Thủ tướng Chính phủ về việc giao chủ đầu tư đang thực hiện dự án, được tiếp tục thực hiện dự án, theo quy hoạch được duyệt, trên khu đất được giao mặt bằng, với mục tiêu xây dựng nhà ở thương mại, theo thẩm quyền quy định tại Điểm I, Khoản 2, Điều 118 Luật Đất đai năm 2013”, Sở Tư pháp khuyến cáo trong văn bản.
Trước đó, cũng liên quan đến dự án New City, cuối năm 2016, Bộ Tài chính có văn bản đề nghị Văn phòng Chính phủ báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét, xử lý theo nguyên tắc: “Thu hồi đất đối với dự án do Liên danh Sacomreal (đang đầu tư xây dựng) và Công ty Cổ phần Phát triển Quốc tế Thế kỷ 21 (đã đầu tư xây dựng một phần) làm chủ đầu tư, để tổ chức đấu giá công khai, để giao đất có thu tiền sử dụng đất khi chuyển từ nhà ở tái định cư sang nhà ở thương mại. Việc thanh toán chi phí đã đầu tư xây dựng cho Liên danh Sacomreal và Công ty Cổ phần Phát triển Quốc tế Thế kỷ 21 theo nguyên tắc bảo toàn vốn và đảm bảo lợi nhuận định mức cho nhà đầu tư theo đúng quy định pháp luật, về xác định và quản lý chi phí đầu tư xây dựng”.
Ông Trần Vĩnh Tuyến báo cáo Thủ tướng biến sai thành đúng
Sau khi phớt lờ những ý kiến của Bộ Tài chính và Sở Tư pháp TP.HCM, ngày 30/3/2018, Trưởng Ban Quản lý Thủ Thiêm, ông Nguyễn Thế Minh đã ký biên bản thanh lý Hợp đồng mua 1.330 căn hộ, với Liên danh Công ty Cổ phần Địa ốc Sài Gòn Thương Tín - Công ty TNHH Xây dựng Thương mại Thuận Việt - Công ty Cổ phần Đầu tư Thành Thành Công.
Tiếp đó, ngày 30/10/2018, ông Trần Vĩnh Tuyến, Phó Chủ tịch UBND TP.HCM đã ký văn bản trình Thủ tướng Chính phủ, về việc giải quyết dự án đầu tư xây dựng 1.330 căn hộ tái định cư ở Thủ Thiêm. Văn bản cho biết, trên cơ sở ý kiến thống nhất của sở, ban ngành liên quan, UBND TP.HCM đã chấp thuận phương án giải quyết quỹ căn hộ thuộc dự án 1.330 căn hộ như sau: “Đàm phán, thương thảo với chủ đầu tư để không tiếp tục việc thanh toán và mua lại quỹ nhà. Chủ đầu tư tiếp tục phát triển dự án theo quy hoạch, trên khu đất được giao mặt bằng với mục tiêu xây nhà ở thương mại. Thành phố sẽ xác định giá trị quyền sử dụng đất theo giá thị trường, phù hợp mục đích sử dụng đất, để thu tiền sử dụng đất, đối với khu đất đã giao cho nhà đầu tư để thực hiện dự án”.
Văn bản do ông Trần Vĩnh Tuyến ký cũng cho rằng “Thành phố đang triển khai phương án giải quyết quỹ nhà 1.330 căn hộ theo đúng chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, tại Công văn số 24/TTg-CN, ngày 7/3/2017 và hướng dẫn của Bộ Xây dựng”. Những ý kiến đề nghị của Bộ Tài Chính hay tham mưu của Sở Tư pháp TP.HCM hoàn toàn không được nhắc đến trong văn bản.
Đến giữa năm 2019, khi Thanh tra Chính phủ công bố kết luận thanh tra về công tác quản lý nhà nước và thực hiện pháp luật tại Khu đô thị mới Thủ Thiêm, thì những gì trong văn bản ông Trần Vĩnh Tuyến ký cho rằng “đúng chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ” lại trái Luật Đất đai. Điều đáng nói, đây là sai phạm đã được Sở Tư pháp TP.HCM cảnh báo từ trước.
Mặt khác, dù tự nhận việc xử lý dự án đầu tư xây dựng 1.330 căn hộ là “đúng chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ”, nhưng cuối văn bản do ông Trần Vĩnh Tuyến ký tên vẫn ghi rõ: “Kính trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, có ý kiến chấp thuận”. Nghi vấn đặt ra là nếu đã làm “đúng chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ” thì tại sao phải trình Thủ tướng chấp thuận? Phải chăng TP.HCM quá cầu toàn hay có nhóm lợi ích tính đường báo cáo lấp liếm, qua mặt Thủ tướng hòng hợp thức hóa sai phạm, trước khi Thanh tra Chính phủ vào cuộc?
Chiêu trò của môi giới tại dự án New City Thủ Thiêm
Sau khi bị Thanh tra Chính phủ phanh phui vụ bán lụi 1.122 căn hộ, dự án New City Thủ Thiêm lại tiếp tục được rao bán với những chiêu trò mới. Trong vai khách hàng tìm mua căn hộ, phóng viên đã liên hệ một vài môi giới đang chào bán dự án này.
“Hiện tại bên chủ đầu tư đang triển khai mở bán 100 căn đẹp nhất và đang nhận booking (giữ chỗ - PV), đầu tháng 4 sẽ mở bán. Giá đã VAT 65 triệu đồng/m² và được chủ đầu tư chiết khấu 7%. Đây là dự án có vị trí đẹp và chắc chắn được ra sổ. Dự án hiện đã được duyệt lên nhà ở thương mại”, một môi giới giới thiệu.
Tuy vậy, trong quá trình tư vấn cho khách hàng, môi giới này lại không cung cấp đầy đủ hồ sơ chứng minh dự án đủ điều kiện để ký “Hợp đồng mua bán”. Môi giới gửi mẫu hợp đồng mua bán cho khách hàng xem và khẳng định New City Thủ Thiêm được phép giao dịch bình thường như những dự án nhà ở thương mại khác.
Để tăng lòng tin cho khách, môi giới còn tung ra văn bản từ Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng về việc “Chấp nhận đăng ký hợp đồng theo mẫu, điều kiện giao dịch chung”. Theo đó, Công ty THHH Xây dựng Thương mại Thuận Việt được phép dùng “mẫu hợp đồng đã đăng ký” để giao dịch với người tiêu dùng.
Tuy nhiên, theo phân tích của Luật sư Trần Đức Phượng - Đoàn Luật sư TP.HCM, việc các sale dùng văn bản trên đi chào bán dự án là một hình thức “đánh tráo khái niệm”. Theo Luật sư Phượng, thực chất văn bản này chỉ là một dạng văn bản duyệt mẫu các loại hợp đồng giao dịch từ Công ty Thuận Việt, không nêu cụ thể dự án nào, không có phương án thẩm tra, phê duyệt nên doanh nghiệp đã dựa vào đây để sử dụng sai mục đích.
“Thủ tục đăng ký hợp đồng mẫu vốn đã tồn tại nhiều vấn đề. Văn bản chỉ nói hợp đồng mẫu được duyệt thôi chứ không nói dự án nào cụ thể, không có thẩm tra, không có phê duyệt. Chỉ là một dạng mẫu để sau này doanh nghiệp dựa vào đó phác thảo các loại hợp đồng cho các dự án. Nghĩa là cứ có dự án thì được dùng mẫu hợp đồng đó chứ không phải là cơ sở pháp lý để chào bán dự án. Thực chất người bán đang cố “làm giả thành thật”, tung nhiều văn bản có dấu đỏ để khiến cho khách hàng lầm tưởng dự án đã đủ pháp lý và xem đó là giao dịch hợp pháp”, Luật sư Phượng phân tích.
Mặt khác, theo các chuyên gia, trường hợp dự án New City Thủ Thiêm mới chỉ tạm nộp tiền sử dụng đất, thì Thuận Việt vẫn chưa hoàn tất được nghĩa vụ thanh toán tiền sử dụng đất, theo quy định của pháp luật. Bên cạnh đó, căn cứ theo Điều 9 Luật Kinh doanh Bất động sản, công trình xây dựng có sẵn chỉ được đưa vào kinh doanh nếu có giấy chứng nhận về quyền sử dụng đất. Nếu dự án vẫn chưa có giấy chứng nhận về quyền sử dụng đất, thì cho dù có “Chấp nhận đăng ký hợp đồng theo mẫu, điều kiện giao dịch chung” từ Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng, vẫn chưa thể đủ điều kiện đưa vào kinh doanh.
Theo: Minh Anh/reatimes.vn
Link gốc: http://reatimes.vn/sai-pham-o-new-city-thu-thiem-lieu-ong-tran-vinh-tuyen-bao-cao-sai-thanh-dung-20200318100603525.html
Link nội dung: https://doanhnghiepcuocsong.vn/sai-pham-o-new-city-thu-thiem-lieu-ong-tran-vinh-tuyen-bao-cao-sai-thanh-dung-a4591.html