Phó thống đốc Nguyễn Thị Hồng cho biết, 4 ngân hàng thương mại Nhà nước, đặc biệt là Agribank, VietinBank đang rất khó tăng vốn. Chính phủ kiến nghị Quốc hội sửa các nghị quyết đã ban hành trước đó hoặc ban hành một nghị quyết mới theo hướng cho phép sử dụng ngân sách để tăng vốn điều lệ cho các nhà băng này.
Chia sẻ tại cuộc họp báo Chính phủ chiều 2/12, Phó thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng cho biết, tỷ lệ an toàn vốn (CAR) là một trong những tỷ lệ quan trọng trong hoạt động tài chính ngân hàng. Tuy nhiên, CAR của 4 ngân hàng thương mại Nhà nước, gồm Vietcombank, BIDV, Agribank và VietinBank đã “tiến sát ngưỡng cho phép”, theo Thông tư 41/2016 và theo quy định Basel II.
Trường hợp các ngân hàng này không được tăng vốn, hệ quả theo Phó thống đốc Hồng, là “có thể phải hạn chế cấp tín dụng, thậm chí ngừng cấp tín dụng”. “Điều này là bất lợi khi vốn đầu tư ở Việt Nam phụ thuộc lớn vào tín dụng ngân hàng”, Phó thống đốc Ngân hàng Nhà nước nhấn mạnh.
Theo báo cáo hoạt động đầu tư, quản lý, sử dụng vốn Nhà nước tại doanh nghiệp Chính phủ gửi tới Quốc hội tại kỳ họp 8 vừa diễn ra, đến cuối tháng 8, vốn điều lệ của 4 ngân hàng (Agribank, Vietcombank, VietinBank, BIDV) đạt khoảng 139.000 tỷ đồng, tăng 0,8% so với cuối năm 2018. Tín dụng cho vay trên thị trường 1 (thị trường dân cư) của nhóm này chiếm gần 48% toàn hệ thống.
Bà Nguyễn Thị Hồng – Phó thống đốc Ngân hàng Nhà nước. Ảnh: Phúc Quang.
Chính phủ cho rằng, việc mở rộng tín dụng của các ngân hàng thương mại Nhà nước bị hạn chế do phải đáp ứng tỷ lệ an toàn vốn trong điều kiện vốn điều lệ của các ngân hàng này chậm tăng trưởng, nhất là với Agribank và VietinBank.
Bà Hồng nói thêm, tại kỳ họp thứ 8 vừa qua, Ban cán sự Đảng Ngân hàng Nhà nước đã thay mặt Ban cán sự Đảng Chính phủ báo cáo Bộ Chính trị kiến nghị, đề xuất giải pháp tháo gỡ khó khăn pháp lý về tăng vốn cho 4 ngân hàng thương mại Nhà nước lớn.
Chính phủ kiến nghị Quốc hội sửa các nghị quyết đã ban hành trước đó hoặc ban hành một nghị quyết mới theo hướng cho phép sử dụng ngân sách để tăng vốn điều lệ cho các nhà băng này. Tuy nhiên, do không nằm trong chương trình kỳ họp nên nghị quyết kỳ họp 8 của Quốc hội không có nội dung trên.
Thẩm tra báo cáo này sau đó, Uỷ ban Kinh tế đề nghị Chính phủ phân tích và chỉ rõ nguyên nhân phương án tăng vốn của các ngân hàng chưa được phê duyệt ảnh hưởng ra sao tới dư địa tăng trưởng, từ đó có hướng khắc phục.
Theo VNE
Link nội dung: https://doanhnghiepcuocsong.vn/bon-nha-bang-lon-co-the-ngung-cho-vay-vi-khong-tang-duoc-von-a4039.html