Theo số liệu của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu nông, lâm, thủy sản đạt tháng 10 ước đạt 3,6 tỷ USD, đưa tổng giá trị xuất khẩu 10 tháng đầu năm 2019 đạt 33,2 tỷ USD, tăng 1,6% cùng kỳ năm 2018.
Trong đó, giá trị xuất khẩu các mặt hàng nông sản chính ước đạt 15,25 tỷ USD, giảm 7,4%; Giá trị xuất khẩu thuỷ sản ước đạt 7,1 tỷ USD, giảm 2,4%; Giá trị xuất khẩu chăn nuôi ước đạt 0,57 tỷ USD, tăng 3,9%; Giá trị xuất khẩu các mặt hàng lâm sản chính ước đạt 9,04 tỷ USD, tăng 18,8%. Chín tháng đầu năm 2019, năm thị trường xuất khẩu các mặt hàng nông lâm thủy sản chính của Việt Nam là Trung Quốc và Hồng Kông, Mỹ, EU, Nhật Bản và ASEAN chiếm thị phần lần lượt là 27,9% (giá trị giảm 3,8% so với cùng kỳ năm 2018), 21,7% (+13,1%), 11,9% (-6,7%), 8,8% (+8,4%) và 10,3% (-1%).
Kim ngạch xuất nhập khẩu nông, lâm, thủy sản đạt tháng 10 ước đạt 3,6 tỷ USD
Cụ thể, khối lượng gạo xuất khẩu tháng 10/2019 ước đạt 499 nghìn tấn với giá trị đạt 228/triệu USD, đưa khối lượng xuất khẩu gạo 10 tháng đầu năm 2019 ước đạt 5,56 triệu tấn và 2,43 tỷ USD, tăng 6,1% về khối lượng nhưng giảm 9,1% về giá trị so với cùng kỳ năm 2018. Trong khi đó, giá trị xuất khẩu rau quả tháng 10/2019 ước đạt 257 triệu USD, đưa giá trị xuất khẩu rau quả 10 tháng đầu năm 2019 ước đạt 3,1 tỷ USD, giảm 5,6% so với cùng kỳ năm 2018.
Trong tháng 10/2019, xuất khẩu cà phê ước đạt 87 nghìn tấn với giá trị đạt 158 triệu USD, đưa khối lượng xuất khẩu cà phê 10 tháng đầu năm 2019 ước đạt 1,35 triệu tấn và 2,33 tỷ USD, giảm 14,6% về khối lượng và giảm 22,3% về giá trị so với cùng kỳ năm 2018. Đức và Hoa Kỳ tiếp tục là hai thị trường tiêu thụ cà phê lớn nhất của Việt Nam trong 9 tháng đầu năm 2019 với thị phần lần lượt là 13,3% và 8,6%.
Về cao su, tháng 10/2019, khối lượng xuất khẩu cao su đạt 173 nghìn tấn với giá trị đạt 236 triệu USD, đưa khối lượng và giá trị xuất khẩu cao su 10 tháng đầu năm 2019 ước đạt 1,29 triệu tấn và 1,75 triệu USD, tăng 6,1% về khối lượng và tăng 5,6% về giá trị so với cùng kỳ năm 2018. Đối với mặt hàng này, Trung Quốc, Ấn Độ, và Hàn Quốc là 3 thị trường tiêu thụ cao su lớn nhất của Việt Nam trong 9 tháng đầu năm 2018, chiếm thị phần lần lượt là 64,3%, 8,9% và 3,2%.
Gỗ tiếp tục là mặt hàng có giá trị xuất khẩu cao. Theo đó, ước giá trị xuất khẩu gỗ và các sản phẩm gỗ tháng 10/2019 đạt 995 triệu USD, đưa giá trị xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ 10 tháng đầu năm 2019 ước đạt 8,52 tỷ USD, tăng 17,8% so với cùng kỳ năm 2018. Hoa Kỳ, Nhật Bản, Trung Quốc và Hàn Quốc – 4 thị trường nhập khẩu gỗ và sản phẩm gỗ lớn nhất của Việt Nam trong 9 tháng đầu năm 2019 – chiếm 80,6% tổng giá trị xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ.
Cùng với đó, giá trị xuất khẩu thủy sản trong tháng này ước đạt 834 triệu USD, đưa giá trị xuất khẩu thủy sản 10 tháng đầu năm 2019 ước đạt 7,1 tỷ USD, giảm 2,4% so với cùng kỳ năm 2018. Nhật Bản, Hoa Kỳ, Trung Quốc và Hàn Quốc là 4 thị trường nhập khẩu hàng đầu của thủy sản Việt Nam trong 9 tháng đầu năm 2019, chiếm 57% tổng giá trị xuất khẩu thủy sản. Trong 9 tháng đầu năm 2019, các thị trường có giá trị xuất khẩu thủy sản tăng mạnh là Trung Quốc (+14,2%) và Đài Loan (+12,6%).
Về nhập khẩu, ước giá trị nhập khẩu nông, lâm, thủy sản tháng 10/2019 đạt 2,61 tỷ USD, đưa tổng giá trị nhập khẩu 10 tháng đầu năm đạt 25,91 tỷ USD, giảm 0,5% so với cùng kỳ năm 2018. Trong đó, giá trị nhập khẩu các mặt hàng nông lâm thủy sản chính ước đạt 21,59 tỷ USD, giảm 1,4% so với cùng kỳ năm 2018; Giá trị nhập khẩu chăn nuôi tháng 10 năm 2019 đạt 321 triệu USD, đưa giá trị nhập khẩu chăn nuôi 10 tháng đầu năm đạt gần 3,08 tỷ USD, tăng 19,1% so với cùng kỳ năm 2018.
Trong 9 tháng đầu năm 2019, ba thị trường nhập khẩu chính là: Hoa Kỳ, Argentina và Trung Quốc và Hồng Kông chiếm 37% tổng thị phần nhập khẩu. Trong đó, thị trường có giá trị nhập khẩu cao nhất là Trung Quốc với giá trị nhập khẩu đạt 3,54 tỷ USD, tăng 14,1% so với cùng kỳ năm 2018. Tiếp đến là Hoa Kỳ, trong 9 tháng đầu năm 2019, giá trị nhập khẩu của thị trường này đạt 2,76 tỷ USD, tăng 0,8% so với cùng kỳ năm 2018. Argentina là thị trường nhập khẩu lớn thứ 3, giá trị nhập khẩu từ thị trường này đạt 2,29 tỷ USD, tăng 41,1% so với cùng kỳ 2018.
Như vậy, 9 tháng đầu năm 2019, cán cân thương mại ngành nông, lâm, thủy sản của Việt Nam đạt thặng dư 6,29 tỷ USD, tăng 6,6% so với thặng dư thương mại cùng kỳ năm 2018.
Trong nhóm các sản phẩm có cán cân thương mại ở trạng thái thặng dư, gỗ và sản phẩm gỗ tiếp tục có thặng dư thương mại trong 9 tháng đầu năm 2019 cao nhất, đạt gần 5,65 tỷ USD, tăng 19,6% so với thặng dư thương mại cùng kỳ năm 2018. Mặt hàng thủy sản tuy có thặng dư thương mại 9 tháng đầu năm 2019 cao thứ hai ngành nông, lâm, thủy sản, đạt khoảng 4,9 tỷ USD, nhưng vẫn giảm 3,8% so với thặng dư thương mại cùng kỳ năm 2018.
Trong nhóm các sản phẩm có cán cân thương mại ở trạng thái thâm hụt, nhóm hàng thức ăn gia súc và nguyên liệu có mức chênh lệch giữa giá trị nhập khẩu và giá trị xuất khẩu 9 tháng đầu năm 2019 đạt gần 2,31 tỷ USD, giảm 1,6% so với thâm hụt thương mại cùng kỳ năm 2018. Đáng chú ý là, nhóm hàng chăn nuôi có giá trị nhập khẩu 9 tháng đầu năm 2019 vượt gần 2,25 tỷ USD so với giá trị xuất khẩu, tăng 22,6% so với thâm hụt thương mại cùng kỳ năm 2018.
Ước 10 tháng đầu năm 2019, thặng dự thương mại nông, lâm, thủy sản đạt 7,27 tỷ USD, tăng 10% so với cùng kỳ năm 2018.
Theo Kinh tế dự báo
Link nội dung: https://doanhnghiepcuocsong.vn/10-thang-nam-2019-viet-nam-xuat-sieu-nong-lam-thuy-san-dat-332-ty-usd-a3869.html