Lòng vòng… chuyển hóa đất công
Như Tài chính Doanh nghiệp đã phản ánh ở bài viết trước, dự án Khu đô thị – công viên giải trí Hiệp Bình Phước (Khu độ thị Vạn Phúc City - phường Hiệp Bình Phước, TP.Thủ Đức) đang tồn tại nhiều nghịch lý trong quá trình triển khai và thực hiện. Đó không chỉ là câu chuyện người dân “sống mòn” trong khu đô thị tỉ USD, mà phía sau nó là câu chuyện sâu xa hơn là vấn đề pháp lý của dự án.
Theo tìm hiểu của TCDN, Vạn Phúc City khởi nguồn là Khu văn hóa giải trí, thể dục thể thao, sân golf cây xanh thuộc xã Hiệp Bình Phước, huyện Thủ Đức (nay là phường Hiệp Bình Phước, TP.Thủ Đức) với tổng diện tích 200 ha được Kiến trúc sư trưởng TP.HCM phê duyệt quy hoạch chi tiết theo Quyết định số 4919/KTS-QH vào năm 1994.
Sau một thời gian dài quên lãng, đến năm 2001, UBND TP.HCM ban hành QĐ số 8237/QĐ-UB giao 5.084 m2 đất tại dự án này cho Công ty Xây dựng và Kinh doanh nhà Sài Gòn thực hiện dự án đầu tư xây dựng khu nhà ở cho cán bộ - công chức thuộc Văn phòng Chính phủ.
Đến ngày 20/1/2004, UBND TP.HCM lại ban hành Quyết định 256/QĐ-UB thu hồi hơn 177 ha đất (gồm cả 5.084 m2 dự án nhà ở cho cán bộ - công chức thuộc Văn phòng Chính phủ) và giao hơn 198 ha đất cho Công ty Xây dựng và Phát triển kinh tế quận 6 để đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật chính Khu đô thị Hiệp Bình Phước.
Theo QĐ 256/QĐ-UB, “… sau khi xây dựng hạ tầng kỹ thuật chính Khu đô thị Hiệp Bình Phước, Công ty Xây dựng và Phát triển kinh tế quận 6 phải bàn giao toàn bộ diện tích trên cho UBND TP.HCM để quyết định việc giao đất, cho thuê đất đối với các dự án thành phần quy hoạch được duyệt và theo quy định của pháp luật đất đai. Công ty Xây dựng và Phát triển Kinh tế quận 6 chịu trách nhiệm về nguồn vốn đầu tư và tự chịu trách nhiệm về hiệu quả của dự án”.
Ngày 27/12/2004, UBND TP.HCM ban hành QĐ số 6492/QĐ-UB giao một dự án thành phần cho Công ty cổ phần Sản xuất kinh doanh dịch vụ xuất nhập khẩu quận 1 và giao 2 dự án cho Công ty Công ty Xây dựng và Phát triển kinh tế quận 6 theo QĐ số 6496/QĐ - UB. Ngày 24/10/2005, UBND TP.HCM ban hành QĐ số 5458/QĐ - UBND để điều chỉnh QĐ số 6492/QĐ - UB, theo đó, điều chỉnh, bổ sung “Chủ đầu tư: Công ty TNHH Đầu tư địa ốc Vạn Phúc”.
Đến ngày 15/11/2006, UBND TP.HCM tiếp tục ban hành QĐ số 5222/QĐ - UBND về việc điều chỉnh, bổ sung 3 quyết định trước đó là QĐ số 256/QĐ - UB, QĐ số 6495/QĐ - UB và QĐ số 6496/QĐ-UB với nội dung: “Giao Công ty TNHH Vạn Phúc tổ chức xây dựng hạ tầng chung dự án và thực hiện dự án thành phần tại khu đất trước kia đã giao cho Công ty Xây dựng và Phát triển kinh tế quận 6”...
Gần 200ha đất vàng không qua đấu giá
Với hàng loạt quyết định được điều chỉnh, thay đổi như đã trình bày ở trên, Vạn Phúc City với quy hoạch ban đầu là dự án phục vụ mục đích công cộng, xây dựng khu văn hóa giải trí… đã nghiễm nhiên trở thành một dự án thương mại. Điều này cũng đồng nghĩa với việc Công ty TNHH Vạn Phúc thuộc Tập đoàn Đại Phúc được giao không hàng trăm hecta đất mà không qua một quy trình đấu giá hay chuyển giao nào.
Trong khi đó, theo quy định tại Điều 61 Nghị định 181/2004/NĐ-CP hướng dẫn thi hành luật đất đai 2003 nêu rõ: “Đấu giá quyền sử dụng đất được áp dụng khi Nhà nước giao đất có thu tiền sử dụng đất, cho thuê đất hoặc khi thi hành án, thu hồi nợ có liên quan đến quyền sử dụng đất, trừ các trường hợp: Nhà nước giao đất nông nghiệp không thu tiền sử dụng đất cho hộ gia đình, cá nhân; Trường hợp tổ chức kinh tế chuyển từ thuê đất sang giao đất có thu tiền sử dụng đất; Trường hợp người sử dụng đất được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cho phép chuyển mục đích sử dụng đất; Trường hợp đất đưa ra đấu giá mà không có người tham gia hoặc đấu giá không thành”…
Bên cạnh đó, việc UBND TP.HCM giao 198ha đất để thực hiện dự án tại thời điểm 2004 là không phù hợp về thẩm quyền được quy định tại Luật Đất đai 1993, sửa đổi năm 1998, năm 2001. Theo quy định thẩm quyền thu hồi và giao đất của UBND tỉnh, thành là 2ha tại đô thị, nếu diện tích lớn hơn thuộc thẩm quyền của Chính phủ.
Như vậy, tại thời điểm năm 2006, Công ty TNHH Vạn Phúc được UBND TP.HCM ưu ái giao gần 200 hecta đất không qua đấu giá.
Việc công ty TNHH Vạn Phúc, doanh nghiệp thuộc Tập đoàn Đại Phúc đã sử dụng phương án bồi thường cũ được lập tại thời điểm 2004 để tiến hành bồi thường cho người dân với mức giá không phù hợp đã gây khiếu kiện kéo dài mà thực trạng người dân “sống mòn" trong khu đô thị này.
Một hệ quả nữa là Nhà nước thất thu ngân sách… chỉ có doanh nghiệp là được “lợi kép” từ việc kinh doanh bất động sản trên diện tích gần 198ha ven sông Sài Gòn với một dự án sang trọng với các tiện ích 5 sao Vạn Phúc City.
Tài chính Doanh nghiệp sẽ tiếp tục thông tin.
Theo: Đào Thiện/https://taichinhdoanhnghiep.net.vn/
Link nội dung: https://doanhnghiepcuocsong.vn/bai-2-khu-do-thi-van-phuc-city-duoc-hinh-thanh-nhu-the-nao-a27007.html