Một trong những yêu cầu của các tổ chức tín dụng khi quyết định cho vay vốn đối với các doanh nghiệp (DN) là phải minh bạch tài chính. Điều này không phải DN nào cũng đáp ứng được.
Báo cáo khảo sát đánh giá thực trạng và đề xuất giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp khu vực đồng bằng sông Hồng tăng cường tiếp cận tín dụng thông qua năng lực quản trị và minh bạch hoạt động tài chính do Trung tâm Thông tin kinh tế, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, phối hợp với công ty TNHH dịch vụ Mê Kông thực hiện. Hoạt động khảo sát này được tiến hành ở 504 DN thuộc khu vực đồng bằng sông Hồng.
Trong số doanh nghiệp tham gia khảo sát, loại hình DN TNHH chiếm tỉ lệ lớn nhất (gần 60,7%), DN cổ phần chiếm trên 16,1%; DN tư nhân chiếm 9,7%; DN liên doanh chỉ chiếm tỉ lệ rất thấp với 2,8%; DN nhà nước chiếm 10,7%.
Theo báo cáo khảo sát, khi được hỏi DN cần minh bạch những hoạt động nào để có thế tiếp cận tín dụng, các DN phản hồi khác nhau. Có 71,6% DN (361 DN) cho rằng rất cần minh bạch báo cáo tài chính, điều này cho thấy nhận thức của đa số DN về tầm quan trọng của báo cáo tài chính.
Có 50,6% DN (255 DN) cho rằng cần minh bạch về doanh thu và lợi nhuận, 20,4% DN (103 DN) thấy cần phải minh bạch về chi phí giá thành.
Các DN không đánh giá cao về việc phải minh bạch dự án và phương án kinh doanh với 17,5% (88 DN) phản hồi, cũng như phải minh bạch hoạt động quản trị với 14,1% (71 DN) phản hồi, hoặc minh bạch các thông tin phi tài chính với 1,1% (22 DN).
Về các thế mạnh quan hệ kinh doanh, 16,1% (81 DN) cho rằng cần phải minh bạch điều này, 83,9% DN còn lại thấy không cần thiết.
“Điều này cho thấy tính không sẵn sàng công khai của các DN trong nền kinh tế dựa nhiều vào quan hệ để kinh doanh như Việt Nam nói chung. Cũng chỉ có 15,7% DN khẳng định cần minh bạch tất cả các thông tin trên, đây cũng là thực trạng và nhận thức chung của các DN về vấn đề minh bạch thông tin” - Báo cáo nhận định.
Báo cáo cũng cho hay, với 504 DN được khảo sát, đa số DN sử dụng nhiều nguồn vốn tín dụng khác nhau (khoảng 80,8% DN vay vốn ngân hàng, trong đó 54,8% DN dựa vào nguồn ngân hàng là chủ yếu). Việc sử dụng các hình thức huy động vốn ngoài ngân hàng ít được DN quan tâm (như phát hành trái phiếu, thuê tài chính, vay vốn quốc tế…).
Đáng chú ý, có rất ít DN có kiến thức về thị trường chứng khoán (48% DN được hỏi không hiểu biết về thị trường này). Họ cũng ngại ngần về việc bị thôn tính hoặc không muốn người ngoài can thiệp hoặc chưa thấy cần thiết huy động từ thị trường này. “Điều đó, phản ánh về thực trạng sức khỏe DN nói chung khi chưa đáp đứng tốt các quy định về công ty đại chúng” - Báo cáo cho hay./.
Theo M.L/Petrotimes
Link nội dung: https://doanhnghiepcuocsong.vn/nhieu-doanh-nghiep-van-chua-san-sang-minh-bach-tai-chinh-a2602.html