Thị trường chứng khoán (TTCK) bước vào tháng 5 với nhiều tín hiệu không lạc quan, khiến nhà đầu tư lo ngại sẽ tái diễn hiện tượng “Bán hết cổ phiếu trong tháng 5 và đi chơi” (Sell in May and go away).
Các tín hiệu không vui
Sau kỳ nghỉ lễ, những phiên giao dịch đầu tiên của tháng 5 trên TTCK Việt Nam đã có những phiên giảm điểm mạnh. Trong đó, phiên giao dịch ngày 6-5, VN-Index giảm gần 17 điểm. Trong phiên giảm gần 2% này, thống kê chỉ riêng sàn TPHCM (HoSE) cho thấy, vốn hóa thị trường đã mất gần khoảng 70.000 tỷ đồng, tương đương khoảng 3 tỷ USD. Trong 2 phiên giao dịch sau đó, tuy VN-Index giảm không đáng kể nhưng các chuyên gia cho rằng, quan trọng là thị trường khó tăng được vì không có nhóm cổ phiếu nào đủ lực dẫn dắt chỉ số trong giai đoạn nhạy cảm này.
Theo Công ty Chứng khoán Rồng Việt (VDSC), hiện mùa đại hội cổ đông đã đi qua với các tín hiệu không vui. Hầu hết doanh nghiệp (DN) đặt kế hoạch kinh doanh thấp hơn mức tăng trưởng năm 2017-2018. Thanh khoản thấp trong những tháng gần đây cho thấy nhà đầu tư dường như không hứng thú với thị trường tại thời điểm này.
Căng thẳng chiến tranh thương mại vẫn là rủi ro chính của thị trường. Trong ngắn hạn, thị trường sẽ phải đối mặt với nhiều thách thức hơn cơ hội. Trước hết, tin tức tiêu cực từ các cuộc đàm phán Mỹ - Trung có thể gây áp lực lên các chỉ số chứng khoán toàn cầu (đặc biệt là các chỉ số S&P 500, DJ và Nasdad của TTCK Mỹ), vốn đã tăng khá cao trong 4 tháng đầu năm 2019.Cùng với đó, các chỉ số vĩ mô trong nước đều không thực sự khả quan so với cùng kỳ. Các thông tin này sẽ tác động lên TTCK Việt Nam. Do đó, đại diện VDSC cho biết, thị trường khó có thể hình thành xu hướng tăng trong tháng 5. Tuy nhiên, sự điều chỉnh mạnh này có thể là thời điểm tốt cho việc tích lũy cổ phiếu.
Công ty Chứng khoán Yuanta thì cho rằng, yếu tố tác động tiêu cực lên thị trường Việt Nam lúc này chủ yếu là do lo ngại về xu hướng đảo chiều của TTCK thế giới, chứ yếu tố vĩ mô trong nước không có gì đáng lo.
Kỳ vọng thị trường nâng hạn
Thông tin hỗ trợ được xem là tích cực nhất liên quan đến kỳ bán niên xem xét thăng hạng thị trường, dự kiến vào cuối tháng 5 của MSCI - công ty uy tín cung cấp các công cụ phân tích thị trường tài chính và xây dựng các chỉ số tham chiếu cho nhà đầu tư trên thị trường cổ phiếu, trái phiếu. Ngày 13-5 là thời điểm MSCI sẽ công bố kết quả đánh giá phân loại thị trường hàng năm, chính thức có hiệu lực vào ngày 29-5-2019. Việt Nam kỳ vọng sẽ được nâng tỷ trọng trong rổ MSCI Frontier Market Index: từ thị trường cận biên (frontier) lên thị trường mới nổi (emerging market).
Theo số liệu cập nhật đến 3-5-2019, trong rổ MSCI Frontier Markets 100 Index, Kuwait đang chiếm tỷ trọng lớn nhất (25,62%), sau đó đến Việt Nam (gần 17%) và Argentina (14,22%). Báo cáo của Công ty Chứng khoán CIBM cho rằng, Kuwait có thể được đưa vào danh sách theo dõi nâng hạng từ tháng 6-2019 và do đó tỷ trọng của Việt Nam trong rổ MSCI Frontier Markets Index và MSCI Frontier Markets 100 Index dự kiến sẽ được tăng khoảng 3%, từ 17% lên gần 20% lần này.Theo tính toán của VDSC, nếu MSCI chính thức thăng hạng Kuwait lên nhóm MSCI mới nổi (MSCI emerging), tỷ trọng của Việt Nam trong MSCI Frontier Market Index tăng lên 25,8% (từ mức 16%) và chỉ số MSCI Frontier Market 100 Index sẽ tăng lên 30% (từ mức 17%). Theo đó, ước tính sẽ có khoảng 60 - 70 triệu USD từ các quỹ theo dõi MSCI cận biên (MSCI frontier) chảy vào Việt Nam. Theo VDSC, mặc dù dòng tiền mới này sẽ khó có thể đưa VN-Index tăng lên mức cao mới, nhưng thông tin trên vẫn ít nhiều có khả năng hỗ trợ tâm lý thị trường./.
Buổi sáng ảm đạm của TTCK châu Á Ngày 8-5, hàng loạt chỉ số chứng khoán chủ chốt trên TTCK châu Á đồng loạt giảm điểm trong phiên mở cửa sáng, do chịu tác động từ đà giảm của TTCK Mỹ. Chỉ số chứng khoán châu Á - Thái Bình Dương MSCI (không tính Nhật Bản) giảm 0,3% điểm, xuống mức thấp nhất kể từ cuối tháng 3. Theo Nikkei Asian Review, các chỉ số chứng khoán của Australia giảm 0,72% điểm, KOSPI của Hàn Quốc giảm 0,66%, trong khi chỉ số Nikkei giảm tới 1,7%. Trước đó, chốt phiên giao dịch ngày 7-5, chứng khoán Mỹ đồng loạt hứng chịu những cú sụt giảm nghiêm trọng. Tâm lý vững vàng của phiên giao dịch ngày 6-5 đã không còn được duy trì, dẫn tới cú bán tháo mạnh trên thị trường. Đóng cửa phiên giao dịch, chỉ số công nghiệp Dow Jones giảm 1,8% điểm, chỉ số công nghệ Nasdaq Composite Index mất 2% điểm, trong khi S&P 500 mất 1,65% điểm. Diễn biến trên TTCK cho thấy tâm lý lo ngại của giới đầu tư về nguy cơ các biện pháp đáp trả lẫn nhau giữa Washington và Bắc Kinh có thể tạo trở ngại lớn hơn trong tiến trình đàm phán giữa 2 nước. Những hy vọng về việc Mỹ và Trung Quốc có thể đạt được một thỏa thuận để chấm dứt tranh chấp thương mại kéo dài nhiều tháng qua giữa 2 nền kinh tế lớn nhất thế giới đã bị giáng một “cú đấm” vào cuối tuần qua, khi Tổng thống Donald Trump đe dọa sẽ nâng thuế từ 10% lên 25% với hơn 200 tỷ USD hàng hóa nhập khẩu Trung Quốc nếu 2 nước không đạt được thỏa thuận thương mại vào cuối tuần này. Khánh Hưng |
Theo Nhung Nguyễn/SGĐTTC
Link nội dung: https://doanhnghiepcuocsong.vn/nha-dau-tu-lo-ngai-ve-thi-truong-chung-khoan-a2507.html