Giá vẫn cao gấp 3 - 4 lần
Từ giữa tháng 11, nhiều nhà vườn trồng sầu riêng vụ nghịch ở ĐBSCL phải lao đao vì không có đầu ra, giá sầu riêng loại 1 giảm từ 70.000 đồng xuống còn 50.000 đồng/kg. Hiện đang vào đợt thu hoạch rộ, giá tiếp tục giảm chỉ còn 30.000 - 40.000 đồng/kg; loại 2 - 3 còn rẻ hơn nhiều. Nguyên nhân được các thương lái và đại diện Bộ Nông nghiệp - Phát triển nông thôn xác nhận do Trung Quốc ngưng nhập.
Nhà vườn kêu ế, giá rớt không ai mua nhưng giá bán sầu riêng ở thị trường nội địa hiện tại vẫn cao ngất. Tại các điểm bán sầu riêng trên đường Nguyễn Tri Phương, giá sầu riêng loại 1 (khoảng 3 - 4 kg/trái) đến 120.000 đồng/kg, loại 2 nhỏ và xấu hơn một chút là 90.000 đồng/kg. Khi chúng tôi thắc mắc vì sao giá cao như vậy thì được giải thích là do nghịch vụ và bao ăn. Tại chợ An Đông (Q.5), chợ Nguyễn Tri Phương (Q.10) giá các loại sầu riêng cũng dao động trong khoảng 90.000 - 120.000 đồng/kg.
Tại siêu thị Co.op Mart trên đường Lý Thường Kiệt, giá sầu riêng là 80.000 đồng/kg khuyến mãi giảm còn 62.000 đồng/kg. Còn tại siêu thị Lotte Mart gần đó, sầu riêng to hơn một chút và khá bắt mắt hơn được bán với giá 89.000 đồng/kg. Riêng tại các cửa hàng bán trái cây, giá sầu riêng hiện tại từ 130.000 - 150.000 đồng/kg tùy loại và tùy nơi bán. “Cái đó là chuyện ở Bến Tre, Tiền Giang, còn đây là ở Sài Gòn”, một chị bán sầu riêng ở gần chợ Nguyễn Tri Phương nửa đùa nửa thật trả lời khi chúng tôi thắc mắc.
[caption id="attachment_440" align="aligncenter" width="665"]
Giá sầu riêng ở siêu thị tại TP.HCM vẫn rất cao so với bán tại vườn ẢNH: CHÍ NHÂN[/caption]
Trung Quốc đã khó tính
Không chỉ sầu riêng, rất nhiều loại trái cây, nông sản khác đều rơi vào nghịch lý "ế đồng, đắt chợ".
Mọi lý giải đều đổ cho khâu phân phối nhiều tầng nấc, mỗi khâu ăn một tí, đẩy một tí đến tay người tiêu dùng giá đã đội cao. Nghịch lý này dẫn đến người Việt hiếm khi được mua hàng với giá cả phải chăng, còn người nông dân luôn đối mặt với đầu ra bấp bênh.
Theo GS-TS Bùi Chí Bửu, nguyên Viện trưởng Viện Khoa học nông nghiệp miền Nam, để khắc phục tình trạng này, phải tổ chức lại cả khâu phân phối và sản xuất. Người nông dân nên liên kết lại với nhau và tổ chức thành các hợp tác xã kiểu mới và sản xuất theo các tiêu chuẩn an toàn. Có như vậy sẽ dễ tìm đầu ra hơn và đáp ứng được yêu cầu số lượng hàng hóa lớn để phù hợp với nhu cầu của các nhà phân phối.
Một điều quan trọng khác là nông sản xuất khẩu của VN hiện nay phụ thuộc quá lớn vào thị trường Trung Quốc với kiểu buôn bán tiểu ngạch. Ngoài việc luôn có chiêu trò “làm giá” với nông sản Việt thì điều quan trọng là chúng ta có quá ít thông tin về thị trường này. Ông Nguyễn Đình Tùng, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn VINA T&T, dẫn chứng: Bà con mình sản xuất theo thói quen mà ít quan tâm tới thị trường. Như hồi đầu tháng 10 thanh long rớt giá thê thảm nhưng thời điểm này loại ruột đỏ lên tới 50.000 - 60.000 đồng/kg nông dân lại không có hàng để bán. Tuy nhiên, với “chính sách linh hoạt” của Trung Quốc cũng rất khó để nắm bắt, cách tốt nhất là phải tổ chức sản xuất để sản phẩm làm ra đạt chất lượng tốt qua đó đa dạng hóa thị trường.
Hiện có đến 75% rau quả của VN xuất khẩu đi thị trường Trung Quốc - vì thị trường này ít quan tâm đến chất lượng. Tuy nhiên, thị trường này đang muốn thay đổi “mác” dễ tính. Đơn cử đối với hạt gạo, họ đặt ra các tiêu chuẩn và vào tận đồng ruộng, nhà máy kiểm tra quy trình sản xuất, truy xuất nguồn gốc. Theo Bộ Nông nghiệp - Phát triển nông thôn, đối với rau quả cũng vậy họ yêu cầu có nguồn gốc xuất xứ, chỉ tiêu chất lượng, nhãn mác… Đến nay tới lượt sầu riêng gặp khó vì những yêu cầu đó.
Ngay cả thị trường Trung Quốc cũng ngày càng trở nên khó tính thì VN chẳng còn đường nào khác ngoài việc tổ chức lại sản xuất theo hướng đầu tư vào chất lượng nông sản và tổ chức lại khâu phân phối nội địa theo hướng hàng Việt phải phục vụ tốt cho người Việt trước tiên, tránh được chiêu làm giá của thương lái nhằm trục lợi như câu chuyện giá sầu riêng đang diễn ra.