Chiều 14/5, tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 9, Quốc hội thảo luận ở hội trường về dự án Luật Cán bộ, công chức (sửa đổi). Nội dung đánh giá công chức nhận được sự quan tâm thảo luận của các ĐBQH.
Để không còn cảm tính, cả nể khi đánh giá cán bộ
Tham gia ý kiến, ĐBQH Phạm Văn Hòa (đoàn Đồng Tháp) cho biết thời gian qua Chính phủ đã ban hành Nghị định hướng dẫn, thu hút người tài để tuyển dụng, làm việc cho Nhà nước nhưng việc tuyển dụng theo hình thức người tài đếm trên đầu ngón tay.
Theo ông Hòa, chế độ, chính sách ưu đãi vượt trội cho đối tượng này là hết sức cần thiết, ông nhấn mạnh: "Dù họ mới được tuyển vào nhưng có thể được hưởng lương gấp đôi, gấp 3 so với người đang làm việc, chưa kể các chế độ khác. Đó mới là thu hút nhân tài".
Tuy nhiên, ông cũng chỉ ra cần làm rõ thế nào là người tài. Dù hiện nay đã có định nghĩa, đánh giá nhưng vẫn cần có tiêu chí cụ thể, rành mạch để dễ áp dụng, không tuyển nhầm.
Về nội dung tuyển dụng công chức, ĐBQH đoàn Đồng Tháp nhận định tư duy "không còn biên chế suốt đời" là điểm rất mới.
Theo ông Hòa, điều này đã nói nhiều lần nhưng chưa thực hiện được. Không thể chấp nhận được việc "sáng cắp ô đi, tối cắp ô về", làm việc cầm chừng mà vẫn được đánh giá hoàn thành nhiệm vụ.
"Do đó, tới đây khi tuyển công chức, viên chức thì phải theo hợp đồng, đánh giá theo KPI để hạn chế việc không đạt chất lượng nhưng vẫn được làm việc mãi, định kỳ được nâng lương", ông Hoà nói.
ĐBQH Phạm Văn Hòa (Ảnh: Media Quốc hội).
Về vị trí việc làm, ĐBQH ủng hộ quy định theo dự thảo luật và góp ý thêm nên ưu tiên thi tuyển theo vị trí việc làm thay vì xét tuyển.
"Xét tuyển có thể dẫn tới tình trạng nể nang còn thi tuyển thì không có chuyện đó", ông Hoà nhấn mạnh.
Mặt khác, các chức danh quản lý Nhà nước, quản lý cấp chuyên môn như cấp phòng, cấp sở cũng nên thi tuyển theo vị trí việc làm với tiêu chuẩn, tiêu chí rõ ràng.
Đối với đánh giá cán bộ, công chức viên chức, ĐBQH tâm đắc với ý kiến Bộ trưởng Bộ Nội vụ đó là việc đánh giá công chức, viên chức sẽ thay đổi căn bản theo hướng định lượng dựa trên vị trí việc làm, chỉ số hiệu quả công việc KPI, thay cho đánh giá chung chung.
Công chức làm việc gì, hoàn thành như thế nào, bao nhiêu sản phẩm, tất cả đều được lượng hoá. Trường hợp công chức bị xếp loại không hoàn thành nhiệm vụ, cơ quan quản lý có thể điều chuyển sang vị trí công việc thấp hơn hoặc cho thôi việc... Nếu 2 năm liền không hoàn thành nhiệm vụ có thể bị thôi việc.
Góp ý thêm, ông Hoà cho rằng việc đánh giá viên chức cũng phải thận trọng, khách quan như doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp ngoài Nhà nước đang thực hiện.
Việc đánh giá theo KPI là cần thiết, quan trọng, không còn cảm tính, cả nể, không dám đánh giá thủ trưởng cơ quan.
Tham gia ý kiến về đánh giá công chức, ĐBQH Nguyễn Thị Ngọc Xuân (đoàn Bình Dương) kiến nghị xem xét bổ sung nguyên tắc đánh giá công chức và đánh giá theo nguyên tắc "cấp trên trực tiếp đánh giá cấp dưới, và không có sự đánh giá giữa công chức cùng cấp".
Đồng thời, nghiên cứu đánh giá công chức theo thang điểm do Chính phủ quy định (vì việc này đã được thực hiện ở nhiều nước có nền công vụ phát triển như: Pháp, Singapore). Qua đánh giá sẽ có cơ sở xác định rõ người nào xuất sắc hơn để có chế độ đãi ngộ cao hơn và ngược lại.
Xóa bỏ tư duy "biên chế suốt đời"
Quan tâm về đánh giá công chức, ĐBQH Đặng Bích Ngọc (đoàn Hòa Bình) cho rằng, thực tế trong thời gian qua, việc đánh giá cán bộ, công chức vẫn được coi là khâu khó nhất để đánh giá đúng, trúng về chất lượng đội ngũ cán bộ.
ĐBQH Đặng Bích Ngọc (Ảnh: Media Quốc hội).
Mặc dù đã có rất nhiều quy định chung về nội dung này, song thực tế triển khai vẫn không được như mong đợi. Vẫn còn tình trạng nể nang, ngại va chạm, tinh thần phê và tự phê của đội ngũ cán bộ, công chức đã phần nào ảnh hưởng đến kết quả đánh giá chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức hiện nay.
"Nhiều cán bộ làm việc cầm chừng, chất lượng, hiệu quả công việc thấp, thiếu sự rèn luyện, nâng cao chất lượng trong việc giải quyết công vụ nhưng cuối năm tập thể, người đứng đầu vẫn không dám đánh giá không hoàn thành nhiệm vụ", bà Ngọc nêu thực tế.
Từ phân tích trên, nữ đại biểu cho rằng điều này gây khó khăn trong quản lý đội ngũ cán bộ, công chức vì dự thảo Luật lần này quy định việc đánh giá phải căn cứ vào kết quả, sản phẩm theo yêu cầu vị trí việc làm... đảm bảo công khai, công tâm, dân chủ, khách quan, xuyên suốt, liên tục, đa chiều.
Điều này thể hiện quyết tâm của Chính phủ trong việc quản lý, đánh giá chất lượng cán bộ, công chức để làm cơ sở sàng lọc, đưa ra khỏi vị trí việc làm đối với những người không đáp ứng yêu cầu thực hiện nhiệm vụ công vụ để xóa bỏ tư duy "biên chế suốt đời" và nâng cao kỷ luật, kỷ cương hành chính.
Đại biểu đề nghị để đánh giá được kết quả sản phẩm của 1 cán bộ công chức được xuyên suốt, liên tục thì việc đánh giá phải được thực hiện liên tục theo quý, 6 tháng, 1 năm để tránh việc kiểm điểm trong 1 năm nhiều nhiệm vụ sẽ bị bỏ sót, lãng quên nhiệm vụ.
"Đề nghị bổ sung thêm cơ chế giám sát chéo, phản biện từ đồng nghiệp và người dân đảm bảo khách quan, toàn diện, hạn chế đánh giá cảm tính của người đứng đầu", bà Ngọc nêu.
Link nội dung: https://doanhnghiepcuocsong.vn/khong-chap-nhan-can-bo-sang-cap-o-di-toi-cap-o-ve-lam-viec-cam-chung-dinh-ky-nang-luong-a196358.html