Từ đầu tuần này, Đan Mạch đã tiếp quản vị trí chủ tịch luân phiên kéo dài 2 năm của Hội đồng Bắc Cực (Arctic Council) từ Na Uy, cam kết sẽ nỗ lực để duy trì Bắc Cực là "khu vực ổn định và hợp tác mang tính xây dựng".
Theo cổng thông tin Bắc Cực Artic Portal, Vương quốc Đan Mạch – bao gồm Đan Mạch, Quần đảo Faroe và Greenland – chính thức đảm nhận vị trí Chủ tịch Hội đồng Bắc Cực trong Cuộc họp Bộ trưởng lần thứ 14 diễn ra hôm 12/5.
Trong lần đầu tiên mang tính lịch sử, Greenland sẽ đảm nhận vị trí Chủ tịch Hội đồng thay mặt cho Vương quốc, phản ánh cả vai trò quốc tế ngày càng tăng của lãnh thổ này và sự nhấn mạnh ngày càng tăng của hội đồng vào vai trò lãnh đạo của cộng đồng bản địa và Bắc Cực.
Ngoại trưởng Na Uy Espen Barth Eide (phải) bàn giao quyền Chủ tịch Hội đồng Bắc Cực cho Bộ trưởng Bộ Ngoại giao và Nghiên cứu Greenland Vivian Motzfeldt, ngày 12/5/2025. Ảnh: RCI
"Trong một thế giới đang phải đối mặt với những hoàn cảnh phức tạp và khó khăn, Hội đồng Bắc Cực phải vươn lên bằng cách chứng minh rằng, ngay cả bây giờ, thông qua hợp tác và đối thoại, chúng ta có thể hoàn thành trách nhiệm cao hơn", bà Vivian Motzfeldt, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao và Nghiên cứu của Greenland, nói.
"Chúng ta phải cùng nhau tiến về phía trước với lòng dũng cảm, sự cởi mở và cam kết sâu sắc đối với hòa bình và quan hệ đối tác", bà Motzfeldt cho biết tại một cuộc họp báo trực tuyến sau khi nhận bàn giao.
Vương quốc Đan Mạch đảm nhiệm vị trí Chủ tịch Hội đồng Bắc Cực vào thời điểm Tổng thống Mỹ Donald Trump tiếp tục ủng hộ việc Mỹ kiểm soát Greenland, viện dẫn lý do "an ninh quốc gia".
Trả lời các câu hỏi trong phiên hỏi đáp, bà Motzfeldt đã hạ thấp mọi căng thẳng với Washington, tuyên bố rằng khi nói đến vấn đề an ninh, cả Nuuk và Washington đều liên kết.
"Chúng tôi đã rất rõ ràng trong chính trị rằng chúng tôi không muốn trở thành người Đan Mạch, nhưng chúng tôi cũng không muốn trở thành người Mỹ", đại diện ngoại giao của Greenland nói với trang Barents Observer.
"Sự hợp tác của chúng tôi với chính quyền mới rất mạnh mẽ. Chúng tôi thể hiện sự đoàn kết, nhưng chúng tôi cũng biết rằng chúng tôi có trách nhiệm đối với an ninh. Thông điệp của chúng tôi rất rõ ràng, an ninh của Mỹ cũng là an ninh của chúng tôi và an ninh cho châu Âu", bà cho biết.
Hội đồng Bắc Cực là diễn đàn quốc tế dành cho 8 quốc gia có lãnh thổ ở Bắc Cực – Mỹ, Nga, Canada, Thụy Điển, Phần Lan, Iceland, Na Uy, và Vương quốc Đan Mạch bao gồm Greenland – và các nhóm bản địa Bắc Cực, tập trung vào công tác chuẩn bị ứng phó với tình trạng khẩn cấp, môi trường và phát triển bền vững trong khu vực.
Các vấn đề quân sự và quốc phòng đã bị loại khỏi diễn đàn kể từ khi nó được thành lập. Chức Chủ tịch được luân phiên giữa các quốc gia 2 năm một lần.
Tàu chiến HDMS Vaedderen của Hải quân Hoàng gia Đan Mạch đi qua vùng băng biển ngoài khơi bờ biển Nuuk, Greenland, ngày 2/4/2025. Ảnh: Bloomberg
Trước khi chuyển giao vị trí Chủ tịch Hội đồng Bắc Cực cho Đan Mạch, Na Uy thừa nhận họ đã có "2 năm khó khăn" trên chiếc "ghế nóng", trong đó có những căng thẳng chưa từng có trong nội bộ thành viên của nhóm liên quan đến cuộc xung đột Nga-Ukraine và lời đe dọa kiểm soát Greenland của ông Trump.
Mặc dù có những chia rẽ lớn giữa các thành viên đang diễn ra dưới sự chú ý của toàn cầu – đặc biệt là liên quan đến Nga và kể từ khi ông Trump trở lại Nhà Trắng, cho đến nay Hội đồng Bắc Cực vẫn hoạt động và chưa có sự thay đổi nào về thành viên.
"Thành thật mà nói, đó là 2 năm khó khăn vì bối cảnh toàn cầu, bối cảnh quốc tế, khiến chúng tôi không thể có được hoạt động trọn vẹn như thường lệ", Ngoại trưởng Na Uy Espen Barth Eide nói với The Guardian.
"Nhưng chúng tôi rất mong muốn giữ cho hội đồng được đoàn kết, duy trì tư cách thành viên và có hoạt động, và chúng tôi vui mừng thông báo rằng chúng tôi đã đạt được điều đó", ông cho biết.
Minh Đức (Theo Barents Observer, The Guardian)
Link nội dung: https://doanhnghiepcuocsong.vn/dan-mach-tiep-nhan-ghe-nong-o-bac-cuc-a196292.html