Chấp nhận rủi ro trong khoa học là cần thiết nhưng phải có tiêu chí đánh giá rõ ràng

(Chinhphu.vn) - Việc chấp nhận rủi ro trong hoạt động khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo là cần thiết, nhưng cần có tiêu chí đánh giá, quy trình thẩm định... Nếu không cơ chế này có thể bị lợi dụng, gây thất thoát ngân sách nhà nước.

Chấp nhận rủi ro trong khoa học là cần thiết nhưng phải có tiêu chí đánh giá rõ ràng- Ảnh 1.

Đại biểu Trần Khánh Thu (Đoàn Thái Bình) nêu ý kiến thảo luận

Chiều 13/5, tiếp tục chương trình làm việc kỳ họp thứ 9, Quốc hội thảo luận tại hội trường về dự án Luật Khoa học, Công nghệ và Đổi mới sáng tạo (sửa đổi). 

Tại phiên thảo luận, các đại biểu Quốc hội ghi nhận nỗ lực sửa đổi toàn diện luật sau hơn một thập kỷ thực thi, đồng thời đưa ra nhiều góp ý cụ thể nhằm thể chế hóa Nghị quyết số 57-NQ/TW của Bộ Chính trị, khắc phục những điểm nghẽn về thể chế, tài chính và nguồn lực, thúc đẩy đổi mới sáng tạo thực chất trong mọi lĩnh vực của đời sống kinh tế - xã hội.

Đại biểu Trần Khánh Thu (Đoàn Thái Bình) nhấn mạnh việc sửa đổi Luật Khoa học và Công nghệ không chỉ đáp ứng yêu cầu thực tiễn phát triển, mà còn là bước đi cấp thiết để cụ thể hóa tinh thần của Nghị quyết 57.

Nếu như Luật Khoa học và Công nghệ năm 2013 từng bước đặt nền móng cho hệ thống pháp luật trong lĩnh vực này, thì Dự thảo sửa đổi lần này mang trọng trách cao hơn. Theo đại biểu Trần Khánh Thu, một trong những chuyển biến có tính nguyên lý trong dự thảo Luật lần này là chuyển trọng tâm từ hoạt động nghiên cứu trong khu vực công lập sang thúc đẩy ứng dụng, chuyển giao, đổi mới công nghệ trong khu vực doanh nghiệp – nơi quyết định hiệu quả cuối cùng của đổi mới sáng tạo.

Nếu như trước đây, viện nghiên cứu, trường đại học là những chủ thể chính thì nay, vai trò trung tâm được trao cả cho doanh nghiệp. Các trường, viện đóng vai trò hỗ trợ, cung cấp nguồn lực tri thức, đồng hành cùng doanh nghiệp tạo ra sản phẩm mới, công nghệ mới, giá trị mới cho nền kinh tế; bên cạnh đó dự thảo luật lần này là tháo gỡ điểm nghẽn về thể chế, tài chính và nguồn lực tạo động lực cho phát triển.

Cần làm rõ tiêu chí đánh giá đổi mới sáng tạo

Mặc dù tên Luật đã mở rộng bao hàm "Đổi mới sáng tạo" nhưng nội dung vẫn còn lệch trọng tâm về khoa học công nghệ truyền thống, cũng như chưa có hệ thống tiêu chí đánh giá cụ thể thế nào là "đổi mới sáng tạo".

Đại biểu Trần Khánh Thu phân tích, không phải đổi mới sáng tạo nào cũng bắt nguồn từ nghiên cứu khoa học; đôi khi chỉ từ ý tưởng, thực tiễn hoặc sự kết hợp những cái đã có sẵn. Vì vậy, không thể đánh đồng các hoạt động đổi mới sáng tạo với hoạt động nghiên cứu khoa học truyền thống. Nếu thiếu tiêu chí rõ ràng, sẽ rất khó để xác định đâu là nhiệm vụ đủ điều kiện được công nhận, hỗ trợ tài chính, ưu đãi đầu tư hay được xét khen thưởng.

Đại biểu đề nghị Ban soạn thảo bổ sung hệ tiêu chí đánh giá hoạt động đổi mới sáng tạo như: tính mới (mới về kỹ thuật, tổ chức, mô hình) hoặc lần đầu tiên triển khai thực hiện tại địa phương/quốc gia/quốc tế; khả năng tạo giá trị gia tăng và hiệu quả kinh tế – xã hội; khả năng nhân rộng, thương mại hóa; có sở hữu trí tuệ hoặc được áp dụng thực tế.

Trong lĩnh vực y tế, đại biểu Trần Khánh Thu cho biết, hoạt động nghiên cứu, thử nghiệm công nghệ y tế luôn đối mặt với rủi ro cao, quy trình phức tạp và đòi hỏi sự chấp nhận thất bại như một phần tất yếu. Tuy nhiên, hiện nay vẫn thiếu các cơ chế thử nghiệm linh hoạt, thiếu chính sách khuyến khích áp dụng kỹ thuật mới.

Đại biểu đề xuất bổ sung chính sách thúc đẩy phát triển các công nghệ y tế tiên tiến như trí tuệ nhân tạo, thiết bị thông minh, y học cá thể hóa; đồng thời phát triển y học số, công nghệ sinh học, dược phẩm mới và xây dựng nền tảng dữ liệu y tế an toàn. Đặc biệt, cần tạo “sandbox” thử nghiệm công nghệ mới trong môi trường thực tế nhưng kiểm soát được rủi ro; thành lập vườn ươm đổi mới sáng tạo chuyên ngành y tế để hỗ trợ các sáng kiến từ thực tiễn.

Đại biểu cũng nhấn mạnh cần có cơ chế chia sẻ bài học từ các thất bại trong nghiên cứu. Việc xây dựng kho dữ liệu mở về các đề tài thất bại sẽ là tài sản tri thức chung, giúp cộng đồng không lặp lại sai lầm và hỗ trợ định hướng chính sách.

Góp ý cho Điều 9 dự thảo Luật, đại biểu Trần Khánh Thu cho rằng các quy định về chấp nhận rủi ro trong nghiên cứu khoa học và đổi mới sáng tạo còn chung chung, chưa rõ tiêu chí và chưa xác định cơ quan có thẩm quyền đánh giá.

“Chấp nhận rủi ro là cần thiết nhưng phải tiêu chí đánh giá cụ thể. Nếu không quy định rõ, sẽ dẫn đến hiểu sai, bị lợi dụng gây thất thoát ngân sách nhà nước”, đại biểu nêu rõ. Bà đề nghị bổ sung nguyên tắc tối thiểu về tiêu chí đánh giá rủi ro hợp lý; đồng thời xây dựng quy trình phê duyệt, cơ chế xác định rủi ro rõ ràng trong các văn bản hướng dẫn thi hành Luật.

Về ngân sách, đại biểu Trần Khánh Thu cho rằng, dự thảo quy định chi ngân sách cho khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo tối thiểu 2%, trong khi Nghị quyết 57 của Trung ương xác định là 3%, do đó, cần sửa đổi cho phù hợp để thể chế hóa quan điểm chỉ đạo.

Chấp nhận rủi ro trong khoa học là cần thiết nhưng phải có tiêu chí đánh giá rõ ràng- Ảnh 2.

Quốc hội thảo luận tại hội trường về dự án Luật Khoa học, Công nghệ và Đổi mới sáng tạo (sửa đổi)

Tiêu chí rõ ràng cho “nhiệm vụ đặc biệt” để tránh lạm dụng cơ chế đặc thù

Nêu ý kiến thảo luận, đại biểu Nguyễn Hoàng Bảo Trân (Đoàn Bình Dương) bày tỏ sự đồng thuận và thống nhất cao với quy định tại khoản 2, khoản 3 Điều 14 dự thảo Luật về "Nhiệm vụ khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo đặc biệt và Chương trình khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo quốc gia đặc biệt được áp dụng cơ chế đầu tư, tài chính và quản lý đặc thù theo quy định của Chính phủ.

Quy định này là cần thiết và phù hợp vì phản ánh đúng yêu cầu thực tiễn khách quan của các nhiệm vụ đặc biệt có tính chiến lược, đột phá, phục vụ phát triển công nghệ lõi, công nghệ mới có tính rủi ro cao. 

Qua đó, thể chế hoá các chủ trương của Đảng tại Nghị quyết số 29-NQ/TW và Nghị quyết số 52-NQ/TW, nhấn mạnh cần "cơ chế đặc thù, vượt trội" để phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo; giải quyết các vướng mắc về cơ chế đầu tư, tài chính hiện hành thông qua cơ chế khoán kinh phí thực hiện các nhiệm vụ, dự án KHCN sử dụng ngân sách nhà nước vốn không phù hợp với tính chất đặc thù, linh hoạt trong lĩnh vực này.

Tuy vậy, quy định vẫn còn chung chung, thiếu tiêu chí xác định thế nào là nhiệm vụ, chương trình đặc biệt", điều này dễ dẫn tới lạm dụng hoặc xin - cho cũng như ủy quyền toàn bộ cho Chính phủ mà thiếu nguyên tắc, giới hạn cũng dễ dẫn tới tùy tiện, thiếu minh bạch, khó kiểm soát và việc chưa quy định rõ trách nhiệm giải trình, kiểm tra, giám sát việc áp dụng cơ chế đặc thù, đặc biệt là với nguồn đầu tư công lớn.

Do đó, để đảm bảo tính minh bạch, khả thi trong triển khai thực hiện đạt được hiệu lực, hiệu quả mong muốn cũng như đảm bảo quy định của luật được chặt chẽ hơn, đại biểu kiến nghị xem xét, bổ sung quy định vào mục 3 của dự thảo nội dung: "Chính phủ quy định cụ thể tiêu chí xác định nhiệm vụ, chương trình đặc biệt và cơ chế đầu tư, tài chính, quản lý đặc thù kèm theo cơ chế kiểm tra, giám sát phù hợp". 

Đồng thời, ngoài quy định trong luật, cần có hướng dẫn chi tiết bằng Nghị định hoặc văn bản dưới luật về các nội dung nêu trên để đảm bảo việc thực thi đúng mục tiêu, minh bạch, hiệu quả.

Thu Giang

Tham khảo thêm
Tham khảo thêm
Đổi mới sáng tạo phải bao trùm, không chỉ gói gọn trong công nghệĐổi mới sáng tạo phải bao trùm, không chỉ gói gọn trong công nghệ

Link nội dung: https://doanhnghiepcuocsong.vn/chap-nhan-rui-ro-trong-khoa-hoc-la-can-thiet-nhung-phai-co-tieu-chi-danh-gia-ro-rang-a196203.html