Ngân hàng tái cơ cấu nhân sự thời số hóa

Chuyển đổi số thúc đẩy các ngân hàng tái cơ cấu nhân sự, vừa tinh gọn bộ máy, vừa cạnh tranh đãi ngộ để giữ chân người lao động chất lượng cao.

Quý I/2025 ghi nhận nhiều biến động đáng chú ý trong xu hướng nhân sự của ngành ngân hàng. Trong bối cảnh kinh tế vĩ mô tiếp tục có những thách thức và sự cạnh tranh trong ngành tài chính ngày càng khốc liệt, các ngân hàng không chỉ tập trung tái cơ cấu bộ máy mà còn đẩy mạnh tuyển dụng nhân sự chất lượng cao, đặc biệt trong các mảng công nghệ, quản trị rủi ro và phát triển sản phẩm số.

Bên cạnh đó, nhiều ngân hàng tiếp tục tinh gọn bộ máy theo hướng số hóa, tự động hóa quy trình vận hành, dẫn đến sự dịch chuyển rõ nét về cơ cấu lao động.

Cắt giảm quy mô, tăng năng suất

Trong số 27 ngân hàng, LPBank ghi nhận mức cắt giảm nhân sự sâu nhất trong quý khi giảm hơn 14% từ 11.189 người xuống còn 9.570 người, giảm tới 1.619 người so với năm trước. Ngay sau đó là Sacombank cắt giảm 5,4%, tương ứng 970 nhân sự so với năm trước và VIB giảm 522 nhân sự so với năm trước.

Tại Đại hội đồng cổ đông thường niên 2025 diễn ra ngày 25/4, Chủ tịch HĐQT Sacombank Dương Công Minh cho biết, năm 2024 ngân hàng đã giảm gần 500 nhân sự và trong giai đoạn 2025 - 2026 sẽ tiếp tục cắt giảm, đồng thời đẩy mạnh giao dịch số.

Ngoài ra trong kỳ, SeABank cũng giảm 5% số nhân sự, từ 5.557 người xuống còn 5.279 người, TPBank cũng giảm 121 nhân sự xuống còn 7.769 người. Một số ngân hàng khác cũng cắt giảm nhân sự như ACB giảm 75 người, ABBank giảm 64 người, Vietcombank giảm 26 người và Saigonbank giảm 10 người.

Trong khi đó, nhiều ngân hàng lớn lại có xu hướng gia tăng nhân sự trong quý I/2025. tiếp tục mở rộng lực lượng lao động trong ba tháng đầu năm.

Ông lớn BIDV tiếp tục tuyển dụng thêm 354 nhân viên, nâng tổng số cán bộ nhân viên lên 29.352 người, là ngân hàng có quy mô nhân sự lớn nhất hệ thống. VietinBank cũng ghi nhận tăng thêm 183 nhân sự trong quý đầu tiên của năm 2025.

Về phía ngân hàng tư nhân, Techcombank đã nâng số nhân sự lên 12.195 người, tăng thêm 347 người, tương ứng tăng 2,9%, đứng thứ hai trong hệ thống về mức độ mở rộng quy mô nhân sự. Ngoài ra, Eximbank, OCB và NCB đều ghi nhận mức tăng nhân viên từ 2,7% đến 3%.

Các ngân hàng đang bước vào giai đoạn tăng tốc chuyển đổi số, coi đây là xu hướng tất yếu và chiến lược ưu tiên hàng đầu nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh và đáp ứng kỳ vọng ngày càng cao của khách hàng.

Ông Lưu Trung Thái: MB muốn tuyển thêm 1.000 nhân sự năm 2025, hướng đến vốn hóa 10 tỷ USDÔng Lưu Trung Thái: MB muốn tuyển thêm 1.000 nhân sự năm 2025, hướng đến vốn hóa 10 tỷ USD
26/04/2025 13:42

Trong bối cảnh đó, yêu cầu nâng cao năng lực số cho đội ngũ nhân viên trở nên cấp thiết hơn bao giờ hết. 

Tại ĐHĐCĐ thường niên năm 2024, ông Nguyễn Hoàng Hải, Quyền Tổng Giám đốc Eximbank cho biết ngân hàng xác định chuyển đổi số không chỉ là số hóa các thao tác thủ công, mà là tư duy số hóa toàn diện. Điều này sẽ giúp giảm mạnh chi phí vận hành, tinh gọn nhân sự, tăng tốc độ và năng suất hệ thống.

Ông Lưu Trung Thái - Chủ tịch HĐQT MB cho biết, trong vòng 2-3 năm tới, nếu không tăng trưởng về người mà chỉ áp dụng công nghệ, mục tiêu mở rộng quy mô 25-30% là vẫn có thể đạt được. 

Tuy nhiên, để dự phòng rủi ro, MB vẫn dự kiến tăng thêm 1.000 người trong năm nay và giảm đà tăng trong những năm tới", ông Thái chia sẻ.

Ông Vũ Thành Trung - Phó Chủ tịch HĐQT MB, Chủ tịch HĐTV MBV chia sẻ: "Quan điểm của chúng tôi khi làm chuyển đổi số không phải để cắt người mà chuyển đổi số để tăng tăng năng suất lao động của nhân viên, chuyển lao động sang mảng công việc giá trị hơn".

TPBank dẫn đầu về độ chịu chi cho nhân viên

Ba tháng đầu năm 2025 giữa cơn sóng ngầm về biến động nhân sự, chi phí trung bình cho nhân viên tại các ngân hàng cũng có phần thay đổi. Nhìn chung, bình quân thu nhập của nhân viên ngân hàng vào khoảng 33 triệu đồng/tháng, đã tăng 7,5% so với cùng kỳ năm trước.

Ngoài bảy đơn vị cho thấy chi phí cho nhân viên giảm gồm Techcombank, VietABank, VietBank, SHB, Bac A Bank, Nam A Bank và LPBank, đa số ngân hàng đều ghi nhận chi phí cho nhân viên tăng trưởng khả quan so với cùng kỳ.

Kỳ này, TPBank bất ngờ vươn lên vị trí đứng đầu về mức độ chịu chi cho nhân viên, khi bình quân mỗi nhân viên ngân hàng này nhận được 53,5 triệu đồng/tháng, đã tăng thêm 6,2 triệu đồng/người/tháng so với cùng kỳ.

VietinBank vươn lên vị trí thứ hai, vượt qua MB và Vietcombank, khi chi bình quân cho nhân viên đạt 45,3 triệu đồng/tháng, tăng 5,5 triệu đồng.

MB đứng thứ ba với mức chi bình quân 45,1 triệu đồng, tăng 2,7 triệu đồng/người/tháng. Trong khi đó, Vietcombank lui về vị trí thứ tư với thu nhập bình quân đạt 44,5 triệu đồng, cao hơn cùng kỳ 3,4 triệu đồng.

Techcombank từng giữ ngôi đầu bảng nay tụt xuống vị trí thứ năm khi thu nhập bình quân nhân viên giảm mạnh 7 triệu đồng so với cùng kỳ, còn 42,2 triệu đồng/tháng. ACB đứng thứ sáu khi đạt mức chi bình quân 40,1 triệu đồng, nhỉnh hơn cùng kỳ 1 triệu đồng. Sacombank xếp ngay sau, với chi phí bình quân 39,3 triệu đồng/người/tháng, tăng 3,9 triệu đồng.

KienlongBank đứng thứ tám với mức chi cho nhân viên 37,7 triệu đồng/người/tháng. Trong khi đó, "ông lớn" BIDV tụt xuống vị trí thứ chín, với mức chi bình quân cho nhân viên đạt 37,4 triệu đồng, tăng 2,7 triệu đồng so với quý I/2024. Khép lại bảng xếp hạng là SeABank với mức chi 36,6 triệu đồng/người/tháng, tăng 5,5 triệu đồng so với cùng kỳ.

Những biến động trong bảng xếp hạng chi phí nhân sự quý I/2025 cho thấy sự cạnh tranh rõ nét giữa các ngân hàng trong chiến lược giữ chân và thu hút nhân tài, đặc biệt trong bối cảnh chuyển đổi số diễn ra mạnh mẽ.

Việc gia tăng chi trả cho nhân viên không chỉ phản ánh nỗ lực cải thiện chế độ đãi ngộ, mà còn cho thấy tầm quan trọng của nguồn nhân lực chất lượng cao trong việc thực thi các mục tiêu số hóa, nâng cao trải nghiệm khách hàng và tối ưu hóa hiệu quả hoạt động.

Link nội dung: https://doanhnghiepcuocsong.vn/ngan-hang-tai-co-cau-nhan-su-thoi-so-hoa-a195579.html