Bộ trưởng Bộ Nội vụ: Giữ ngạch công chức để tạo cơ chế "có vào, có ra"

Về đánh giá cán bộ, công chức tới đây, Bộ trưởng Bộ nội vụ cho biết sẽ ban hành Nghị định riêng, ứng dụng tối đa công nghệ số, lấy sản phẩm công việc làm thước đo, không định tính chung chung.

Xây dựng KPI, dữ liệu để đánh giá cán bộ

Chiều 7/5, tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 9, Quốc hội thảo luận tại tổ về Dự án Luật Tổ chức chính quyền địa phương (sửa đổi); Dự án Luật Cán bộ, công chức (sửa đổi).

Nêu ý kiến dự án Luật Cán bộ công chức (sửa đổi), Bộ trưởng Bộ Nội vụ cho biết, việc sửa đổi Luật này là dịp để thay đổi toàn diện tư duy, triết lý cho nền công vụ và công chức nước ta, thể hiện sự đổi mới một cách căn bản, đồng bộ, toàn diện và đột phá.

Trong đó, xác lập rất rõ vị trí việc làm bởi đây là công cụ, sợi chỉ xuyên suốt, là trung tâm, cốt lõi cho việc tuyển dụng, sử dụng, quản lý, đào tạo, bồi dưỡng cũng như khen thưởng, kỷ luật, đánh giá cán bộ, công chức.

Tuy nhiên, vẫn giữ quy định ngạch công chức trong vị trí việc làm. Đây được xem là công cụ kỹ thuật quan trọng để phân định thứ bậc trong nền công vụ của nước ta.

Bộ trưởng Bộ Nội vụ: Giữ ngạch công chức để tạo cơ chế "có vào, có ra"- Ảnh 1.

Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà.

Mặt khác, việc giữ ngạch công chức còn phục vụ công tác thực hiện cải cách tiền lương. "Nếu bỏ ngạch công chức sẽ rất khó khăn trong thiết kế các vấn đề liên quan đến cơ chế, chính sách. Khi tuyển dụng cán bộ theo vị trí việc làm sẽ bổ nhiệm ngạch công chức, bớt đi một năm tập sự không cần thiết", Bộ trưởng Bộ Nội vụ cho biết.

Một điểm sửa đổi khác trong dự thảo Luật đó là quy định bỏ thi nâng ngạch, bỏ tập sự, theo Bộ trưởng, đội ngũ cán bộ công chức hiện nay cũng như cán bộ công chức tương lai chắc hẳn đều hưởng ứng với quy định này.

Liên quan đến chủ trương đổi mới thu hút, trọng dụng người có tài năng, khuyến khích cán bộ năng động sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám đột phá vì lợi ích chung, Bộ trưởng nói trước đây thuộc về Nghị định.

Tuy nhiên, tới đây sẽ luật hoá một số nội dung mang tính nguyên tắc, trong tương lai sẽ căn cứ vào điều kiện của đất nước ở từng giai đoạn, để xây dựng cơ chế phù hợp hơn.

Khẳng định cần phải dứt điểm xoá bỏ tư duy biên chế suốt đời, tạo cơ chế "có vào, có ra", Bộ trưởng cho biết, cần thực hiện 2 công cụ.

Thứ nhất là đánh giá cán bộ, công chức trên cơ sở vị trí việc làm bằng cách ứng dụng tối đa công nghệ thông tin.

Thứ hai là sử dụng cơ chế hợp đồng, như hợp đồng chuyên gia, nhà khoa học hay một số vị trí việc làm khác. Theo Bộ trưởng, đây cũng là xu hướng công vụ của nhiều nước tiên tiến trên thế giới và đã được giải trình thỏa đáng với Chính phủ.

Về đánh giá cán bộ, công chức dù đưa ra 4 mức nhưng có sự đổi mới mạnh mẽ. Bộ trưởng Bộ Nội vụ cho biết, tới đây, sẽ ban hành Nghị định riêng về đánh giá, ứng dụng tối đa công nghệ số.

"Trên cơ sở vị trí việc làm sẽ xây dựng KPI, dữ liệu để đánh giá, lấy sản phẩm công việc làm thước đo, không định tính chung chung", Bộ trưởng thông tin.

Hạn chế cảm tính, chủ quan

Trước đó, tham gia thảo luận tại tổ, ĐBQH Trần Công Phàn (Đoàn Bình Dương) cho rằng, trong dự thảo Luật cán bộ, công chức (sửa đổi) đề cập sửa đổi việc đánh giá cán bộ, điều này rất đúng.

"Từ xưa đến nay, vướng và khó nhất là đánh giá cán bộ, trong khi mọi thứ như tuyển chọn, sử dụng, quản lý cán bộ, đề bạt hay phong, thăng chức đều dựa trên cơ sở đánh giá. Chúng ta sửa luật đánh giá cán bộ trên cơ sở vị trí việc làm, làm sao hạn chế được cảm tính, chủ quan", đại biểu Trần Công Phàn nói.

Bộ trưởng Bộ Nội vụ: Giữ ngạch công chức để tạo cơ chế "có vào, có ra"- Ảnh 2.

ĐBQH Trần Công Phàn góp ý kiến tại tổ.

Từ đó, đại biểu đề nghị cần ứng dụng công nghệ để số hoá các tiêu chí đánh giá cán bộ nhằm đảm bảo tính khách quan và phù hợp với điều kiện hiện nay. 

"Khi kết quả đánh giá chuẩn xác, việc phong, thăng chức, đề bạt hay điều chuyển, quản lý cán bộ công chức cũng dễ dàng hơn", đại biểu đoàn Bình Dương cho hay.

Tham gia ý kiến, ĐBQH Phan Thái Bình (Đoàn Quảng Nam) cho biết, trong xếp loại cán bộ, công chức hiện nay có 4 mức xếp loại: Hoàn thành xuất sắc, hoàn thành tốt, hoàn thành, không hoàn thành. Nếu 2 năm liên tiếp không hoàn thành nhiệm vụ, cán bộ, công chức sẽ phải trình lên cấp có thẩm quyền xử lý. Người đứng đầu tổ chức cũng phải chịu trách nhiệm nếu cấp dưới không hoàn thành nhiệm vụ do lỗi của tổ chức.

"Trước đây, chúng ta có rất nhiều trường hợp các đồng chí Bí thư, Chủ tịch xã than phiền về việc cán bộ đảng viên sinh con thứ 3 cán bộ bị xử lý, lãnh đạo cũng bị xử lý theo, ngoài ra. Còn nhiều trường hợp nữa, bản thân lãnh đạo không vi phạm mà cán bộ cấp dưới vi phạm thì cũng không hoàn thành nhiệm vụ", ông Bình nói.

Vì sao cán bộ, công chức cần được tham gia bảo hiểm thất nghiệp?

Về xử lý cán bộ, công chức không hoàn thành nhiệm vụ, ông Bình cho biết, tùy theo mức độ, có thể bị cảnh cáo, hạ bậc, buộc thôi việc. Ông nhấn mạnh, việc không hoàn thành nhiệm vụ không phải lúc nào cũng do lỗi của cá nhân, mà có thể do lỗi của tổ chức.

"Tất nhiên về mặt quản lý có lỗi nhưng thực tế cũng có nhiều lỗi ta không thể quản lý được, theo tôi cái này phải nghiên cứu thấu đáo", ông Bình nói và bày tỏ đồng tình với đề xuất giữ ngạch công chức trong dự thảo Luật.

"Việc giữ các ngạch "chuyên viên", "chuyên viên cao cấp" đều có cái lý của nó. Đây là mối quan hệ qua lại với vị trí việc làm, không phải là vì vị trí việc làm mà chúng ta bỏ ngạch công chức và cũng không phải bỏ ngạch công chức là tất cả vị trí việc làm đều giống nhau", theo ông Bình.

Ông Bình đề nghị hướng dẫn, quy định cụ thể ở vị trí việc làm nào thì giữ ngạch công chức. Ông nêu ví dụ, ở vị trí việc làm của công chức cấp xã thì có thể không cần phải có chuyên môn, bằng cấp nhưng cán bộ cấp tỉnh và cấp trung ương thì cần phải có. 

Các vị trí công việc phức tạp, đòi hỏi trình độ cao thì cần có chuyên viên, chuyên viên chính, chuyên viên cao cấp. Vì vậy, không nên áp dụng cứng nhắc mà cần linh hoạt, phù hợp với yêu cầu công việc.

Siết chặt kỷ luật đối với cán bộ, công chức bị kết án

Về siết chặt kỷ luật đối với cán bộ, công chức bị kết án, ĐBQH Hà Đức Minh (Đoàn Lào Cai) cho biết, dự thảo quy định cán bộ, công chức bị Tòa án kết án phạt tù không hưởng án treo hoặc phạm tội tham nhũng sẽ bị bãi nhiệm hoặc buộc thôi việc.

Đại biểu đề nghị mở rộng quy định, áp dụng cả trường hợp bị kết án phạt tù hưởng án treo. Lý do, theo đại biểu Minh là theo quy định của Đảng, những trường hợp này thường bị khai trừ, và việc để họ tiếp tục công tác sẽ gây khó khăn trong quản lý, làm giảm uy tín của cơ quan.

"Quy định sửa đổi sẽ đảm bảo tính nghiêm minh, đồng thời gửi thông điệp mạnh mẽ về việc không khoan nhượng với các hành vi vi phạm pháp luật, dù ở mức độ nào", ĐBQH Hà Đức Minh cho hay.

Link nội dung: https://doanhnghiepcuocsong.vn/bo-truong-bo-noi-vu-giu-ngach-cong-chuc-de-tao-co-che-co-vao-co-ra-a195526.html