Trong những ngày cả nước kỷ niệm 50 năm thống nhất, chúng ta lại được nhìn thấy lòng yêu nước nồng nàn của người Việt Nam - nó bùng lên mỗi khi đội tuyển ra sân, khi bão lũ ập về, hay khi cả dân tộc cùng chống chọi đại dịch. Đó là nguồn tinh thần mạnh mẽ, gắn kết hơn 100 triệu con người, bất kể già trẻ, nam nữ.
Đặc biệt, trong bối cảnh Chính phủ đang dồn lực kích cầu thị trường tiêu dùng nội địa, các doanh nghiệp Việt Nam bắt đầu vươn lên với sản phẩm chất lượng quốc tế, câu hỏi đặt ra là: Đã đến lúc tình yêu nước cần được "làm mới", không chỉ là tinh thần, mà là động lực thực tế cho phát triển kinh tế?
Và nếu có, làm thế nào để mỗi người dân, nhất là thế hệ trẻ có thể biến niềm tự hào dân tộc thành những hành động cụ thể như mua sắm, đầu tư hay khởi nghiệp để nuôi dưỡng chính nền kinh tế Việt Nam?
"Vũ khí mạnh mẽ bậc nhất" trong công cuộc phát triển đất nước
Chia sẻ với Người Đưa Tin, chuyên gia kinh tế, TS. Nguyễn Minh Phong nhấn mạnh: "Tinh thần yêu nước chính là tài sản vô giá của quốc gia, là mạch nguồn truyền thống nghìn năm của dân tộc Việt Nam, và cũng là thứ vũ khí mạnh mẽ bậc nhất giúp chúng ta giữ nước, dựng nước và phát triển đất nước trong mọi thời kỳ".
Với giới trẻ hôm nay, lòng yêu nước cần được nhìn nhận như một động lực tinh thần quan trọng, thôi thúc mỗi người phấn đấu vươn lên. Đó cũng chính là lý do Đảng, Nhà nước luôn khuyến khích người Việt ưu tiên dùng hàng Việt, coi đó là cách thiết thực để góp phần phát triển kinh tế, xây dựng thương hiệu quốc gia và tự tin hội nhập với thế giới.
Chuyên gia kinh tế Nguyễn Minh Phong nhấn mạnh bối cảnh hiện nay đang đặt ra yêu cầu mới: chính sách và thị trường phải phản ứng linh hoạt hơn, còn giới trẻ thì cần tìm thấy động lực phát triển mới để bắt kịp và vươn mình trong kỷ nguyên hội nhập.
Chuyên gia kinh tế, TS. Nguyễn Minh Phong.
"Đây vừa là cơ hội, vừa là áp lực, là điều kiện thúc đẩy các bạn trẻ biến lòng yêu nước thành những hành động cụ thể: từ khởi nghiệp, tiêu dùng hàng Việt, đến sáng tạo những giá trị mới cho xã hội", ông nói.
Thực tế, người Việt Nam chưa bao giờ thiếu lòng tự tôn dân tộc. Đặc biệt, thế hệ trẻ thể hiện mạnh mẽ tình yêu nước qua các trào lưu tôn vinh văn hóa Việt, cổ vũ thương hiệu Việt, và khởi nghiệp với khát vọng "Made in Vietnam".
Ra đời năm 2020, thương hiệu GENKAI là một trong những minh chứng tiêu biểu cho khát vọng khởi nghiệp của người Việt Nam. Trong hoàn cảnh phải cạnh tranh với các tập đoàn đa quốc gia lớn mạnh, GENKAI đã nỗ lực trở thành công ty Việt Nam đầu tiên làm chủ toàn bộ công nghệ sản xuất các sản phẩm thương mại từ rong biển, cạnh tranh sòng phẳng với nước ngoài.
"Vua Rong Biển" Nguyễn Công Nam Hiến.
Chia sẻ với Người Đưa Tin, "Vua Rong Biển" Nguyễn Công Nam Hiến, Chủ tịch Công ty nhận định xu hướng người Việt ưu tiên hàng Việt sẽ tiếp tục phát triển mạnh mẽ trong 10 năm tới vì "đất nước chúng ta đang giàu lên và "vươn mình" rất nhiều". Khi các doanh nghiệp Việt càng ngày càng có doanh thu lớn, công nghệ sẽ được cải tiến hơn, người tiêu dùng sẽ được đón nhận nhiều sản phẩm nội địa chất lượng, như cách Nhật Bản, Hàn Quốc hay Thái Lan đã làm.
"Với thị trường bán lẻ nội địa, Winmart hay Bách Hóa Xanh là các tập đoàn tư nhân của Việt Nam, họ cũng nỗ lực ngày đêm để bảo vệ và giữ vững thị trường bán lẻ cho người Việt", ông Hiến chia sẻ.
Từ tình yêu nước đến hành động thực tế
Tuy nhiên, khi nhìn rộng hơn vào thực tế, khoảng cách giữa tinh thần và hành động vẫn còn đang hiện hữu. Các sự kiện giải trí quốc tế áp đảo thị trường, hàng ngoại nhập chiếm lĩnh kệ siêu thị, trong khi nhiều doanh nghiệp trong nước còn loay hoay xây dựng niềm tin tiêu dùng. Những phong trào "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam" từng rầm rộ, nhưng dường như chưa đủ sức biến thành lựa chọn tự nhiên, bền vững trong đời sống hàng ngày.
"Vua Rong Biển" cũng thẳng thắn nhìn nhận người Việt Nam vẫn thích hàng hóa có thương hiệu lớn, thiết kế đẹp, chất lượng nước ngoài, việc đó không thể thay đổi một sớm một chiều vì đây là thói quen tiêu dùng của người Việt trong nhiều năm.
"Có một giai đoạn người Việt rất sính hàng ngoại vì hình ảnh hàng hóa trong nước "xấu" quá. Có thể chất lượng bên trong tốt nhưng bao bì và cách làm thị trường lại kém hấp dẫn", ông Hiến chia sẻ.
Thương hiệu GENKAI là một trong những minh chứng cho khát vọng khởi nghiệp của người Việt Nam.
Từ thực tế đó, GENKAI đã chọn cách học hỏi bài bản từ các tập đoàn đa quốc gia, nghiên cứu rất kỹ thị trường và hành vi của người tiêu dùng: khách hàng là ai, họ đang thích gì, xu hướng nào đang lên ngôi, bán thứ họ cần chứ không phải bán thứ mình có. Từ khẩu vị, bao bì, cách thể hiện thương hiệu, cho đến truyền thông, khuyến mãi - tất cả đều phải bám sát nhu cầu thực tế và đúng phân khúc khách hàng mình nhắm tới.
"Khách hàng chỉ coi niềm tự hào dân tộc là một cảm xúc gắn với sản phẩm, không thể duy trì cảm xúc này mãi mãi. Mấu chốt vẫn là sản phẩm phải thực sự chất lượng, giá cả hợp lý và phân phối tiện lợi. Chúng ta phải bỏ tư duy cứ làm ra sản phẩm là bán được, hay cứ là hàng Việt Nam thì nghiễm nhiên được ủng hộ!
Câu chuyện niềm tự hào chỉ là yếu tố bổ sung cho chất lượng, niềm tự hào lớn nhưng sản phẩm không tốt thì cũng không khiến khách hàng ủng hộ lâu dài được. Thị trường có rất nhiều sự lựa chọn, các tập đoàn đa quốc gia rất giỏi trong việc quản lý chất lượng, nên hầu như đi nước nào họ cũng thành công", ông Hiến phân tích.
Theo ông Đậu Anh Tuấn - Phó tổng thư ký kiêm Trưởng ban Pháp chế VCCI, người Việt Nam có tình cảm đặc biệt đối với đất nước, nhưng hiện tại chưa có nhiều chương trình tận dụng được tình cảm này.
Ông Đậu Anh Tuấn - Phó tổng thư ký kiêm Trưởng ban Pháp chế VCCI.
Nêu ví dụ, ông Đậu Anh Tuấn chỉ ra các chương trình giải trí, âm nhạc nước ngoài dễ dàng thu hút khán giả Việt. Ở trong nước, chúng ta cũng đã thấy những "dấu hiệu" đáng mừng như chương trình Anh trai vượt ngàn chông gai đã tổ chức được 4-5 buổi diễn, với cách thể hiện hoành tráng, chất lượng đầu tư cao và vé bán cũng rất tốt.
"Vấn đề là chất lượng, công nghệ và niềm tin vào doanh nghiệp Việt Nam", ông nhấn mạnh.
Bên cạnh đó, có lẽ chính những doanh nghiệp sản xuất Việt Nam cũng đang chưa đánh giá đúng về tiềm năng, sức mạnh của thị trường tiêu dùng trong nước khi đặt lên bàn cân với các đơn hàng của khách hàng quốc tế.
"Đã đến lúc chúng ta thay đổi quan điểm và cần có chính sách tốt để khai thác thị trường nội địa, củng cố niềm tin vào doanh nghiệp" và chính niềm tin ấy sẽ là "mắt xích" quyết định để chuyển hóa tình yêu nước thành hành vi kinh tế thực tế.
Cho mục tiêu phát triển kinh tế bền vững
Từ những trải nghiệm thực tế qua quá trình khởi nghiệp hơn 10 năm, và trực tiếp cạnh tranh với các công ty nước ngoài, ông Nguyễn Công Nam Hiến đã "tự lập và tự lo tất cả, cảm thấy cũng có phần thiệt thòi hơn".
Khi làm việc với các tập đoàn Hàn Quốc, ông nhận thấy các doanh nghiệp nước bạn được Nhà nước hỗ trợ rất nhiều, từ chi phí xúc tiến thương mại, chi phí tiếp thị, nghiên cứu phát triển cho tới các gói vay vốn lãi suất thấp và ưu đãi thuế xuất khẩu.
Nhìn lại trong nước, "Vua Rong Biển" cho rằng việc tiếp cận vốn trong nước còn nhiều "rào cản", ngân hàng yêu cầu thế chấp ngay cả khi doanh nghiệp có đơn hàng lớn, đầu ra ổn định. Vì vậy, ông Nguyễn Công Nam Hiến mong muốn các chính sách hỗ trợ sẽ thực sự hướng đến những doanh nghiệp đang hoạt động hiệu quả, thay vì chỉ dừng lại ở hình thức hay ưu tiên cho những đơn vị "biết cách gõ cửa".
Bày tỏ những kỳ vọng tích cực, ông Nguyễn Minh Phong cho rằng môi trường đầu tư hiện nay đang được cải thiện rõ rệt, khi Nhà nước lần đầu tiên khẳng định vai trò của kinh tế tư nhân là động lực quan trọng nhất trong phát triển - từ đổi mới sáng tạo, thúc đẩy công ăn việc làm, đến nâng cao thu nhập và hội nhập quốc tế.
"Việc Đảng ta chính thức đặt kinh tế tư nhân vào vị trí xứng đáng, chuẩn bị thể chế hóa bằng pháp lý, sẽ mở ra điều kiện tốt hơn cho doanh nghiệp khởi nghiệp và khu vực tư nhân phát triển bền vững", TS. Nguyễn Minh Phong khẳng định.
Ông Đậu Anh Tuấn cũng cho biết thời gian qua, Đảng và Nhà nước đã có một số giải pháp kích cầu, như giảm 2% thuế VAT trong vòng 1,5 năm (đến hết năm 20216). Bên cạnh đó, Chính phủ đã bỏ visa đơn phương với một số nước để thúc đẩy du lịch; giãn tăng thuế tiêu thụ đặc biệt...
Với những chính sách đó, ông Tuấn đặt ra niềm tin Việt Nam sẽ kích cầu thị trường trong nước, góp phần trở thành động lực chính cho mục tiêu phát triển kinh tế trên 8% mà Chính phủ đã đề ra.
Link nội dung: https://doanhnghiepcuocsong.vn/de-long-yeu-nuoc-tro-thanh-nhip-dap-thuc-day-kinh-te-phat-trien-a195276.html