Lễ cầu sức khỏe Mạng Ma - Nghi lễ tâm linh độc đáo của người Xinh Mun ở Sơn La

Vào độ xuân về khi hoa ban nở trắng rừng, người Xinh Mun ở Sơn La lại tổ chức Lễ Mạng Ma – một nghi lễ tâm linh truyền thống cầu sức khỏe, giải hạn, thể hiện niềm tin sâu sắc vào sự kết nối giữa con người với thần linh, tổ tiên và vạn vật thiên nhiên.

Theo quan niệm của người Xinh Mun, con người có thể tồn tại khỏe mạnh là nhờ sự hội tụ đầy đủ các linh hồn. Khi một phần hồn bị lưu lạc, người đó sẽ ốm đau, bệnh tật. Do đó, mỗi khi bản làng có người ốm lâu ngày không rõ nguyên nhân, gia súc bị dịch bệnh, hay khi thầy mo - người trung gian giữa trần thế và thần linh - cảm thấy bản thân yếu đi, thì sẽ tổ chức nghi lễ Mạng Ma để gọi hồn, cầu sức khỏe và hóa giải tai ương.

Nghi lễ Mạng Ma thường diễn ra vào mùa xuân - thời điểm cây cối đâm chồi nảy lộc, măng đắng nhú lên dưới tán rừng, báo hiệu một năm mới bắt đầu. Sau khi thầy mo chính xin được ngày lành tháng tốt, gia đình và dân bản cùng nhau chuẩn bị lương thực, thực phẩm, rượu cần và các lễ vật truyền thống. Đồng thời, họ mời họ hàng bên ngoại, các con nuôi của thầy mo đỡ đầu và bà con trong bản cùng đến dự lễ.

Chú thích ảnh Bà con trong bản đến dự lễ.
Chú thích ảnh Trước khi nghi lễ, bà con dựng cây "Xặng bok" chuẩn bị cho nghi lễ.
Chú thích ảnh Cây “Xặng bok” - biểu tượng cho các tầng trời đất
Chú thích ảnh Các thầy mo thực hiện nghi lễ "Mượng ma".
Chú thích ảnh Gia chủ dâng lễ vật lên tổ tiên, thần linh.

Trung tâm nghi lễ là cây “Xặng bok” - biểu tượng cho các tầng trời đất, được dựng bằng một thân tre cao 4 - 5m. Trên cây tre buộc các vật phẩm tượng trưng như: Dây rau rừng bò khai, hoa ban, bông lúa, ve sầu, chim én, cá gỗ, cùng 4 tấm phên đan hình xương cá. Dưới gốc cây là hai chum rượu cần, măng đắng, hai chiếc gậy gỗ, cùng các mô hình thu nhỏ thể hiện đời sống lao động như nhà sàn, cày bừa, ô dù, con vật nuôi… Tất cả tạo nên một không gian mang đậm sắc màu văn hóa tâm linh và sinh hoạt của người Xinh Mun.

Lễ chính có sự hiện diện của hai thầy mo: Một người là thầy mo đỡ đầu - bậc cao niên giàu kinh nghiệm, và một người là thầy mo được đỡ đầu - người tổ chức lễ. Hai thầy cùng chủ trì các nghi lễ cúng dâng lễ vật, mời thần linh, tổ tiên về dự lễ, cầu cho sức khỏe, cuộc sống sung túc, mùa màng tươi tốt, lúa ngô đầy bồ, đàn gia súc sinh sôi, bản làng bình yên.

Chú thích ảnh Thầy mo cùng mọi người dự lễ "Mạng ma" nhảy múa quanh cây "Xặng bok".
Chú thích ảnh Phần hội của nghi lễ diễn ra sôi nổi, vui vẻ.
Chú thích ảnh Bà con dân bản cùng nhau múa xòe và diễn trò chơi cày bừa tại nghi lễ.

Khi lễ cúng hoàn tất, tiếng trống, chiêng, “bàn sang”, “tăng bu” vang lên rộn ràng. Bà con dân bản cùng nhau múa xòe mừng lễ vật được thần linh chứng giám. Những trò diễn dân gian độc đáo lần lượt được tái hiện: Kéo thuyền, diễn Lác gừa (kéo co), To miềng (đấu kiếm), gieo mạ, hái trứng, bắt tổ ong, cày bừa... tạo nên một không khí lễ hội vừa trang nghiêm, vừa rộn ràng, vui tươi.

Điểm đặc biệt trong nghi lễ Mạng Ma là sự kế tục tâm linh: Mỗi thầy mo hành nghề đều phải có một thầy mo đỡ đầu - người sẽ truyền dạy, “hợp hồn, hợp tuổi” và làm lễ cho người kế tục. Khoảng 5 - 10 năm một lần, thầy mo lại tổ chức nghi lễ Mạng Ma để “gia cố” mối liên kết linh thiêng đó và cầu phúc cho dân bản. Đây cũng là dịp để con cháu thể hiện lòng hiếu kính với ông bà tổ tiên và tri ân vị thần linh che chở cho dòng tộc.

Chú thích ảnh
Chú thích ảnh
Chú thích ảnh
Chú thích ảnh Những trò diễn dân gian độc đáo lần lượt được tái hiện: Kéo thuyền, diễn Lác gừa (kéo co), To miềng (đấu kiếm), gieo mạ.
Chú thích ảnh Cuối cùng là Lễ cảm ơn các thần linh đã tham dự.

Năm 2020, Lễ Mạng Ma của người Xinh Mun đã được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đưa vào Danh mục Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Đây là sự ghi nhận giá trị văn hóa, tín ngưỡng đặc sắc của một tộc người ít người, đồng thời là động lực để người dân tiếp tục gìn giữ, phát huy bản sắc giữa dòng chảy hiện đại hóa.

Link nội dung: https://doanhnghiepcuocsong.vn/le-cau-suc-khoe-mang-ma-nghi-le-tam-linh-doc-dao-cua-nguoi-xinh-mun-o-son-la-a194951.html