Nghiên cứu kỹ, lấy ý kiến địa phương
Dự kiến tới đây, việc đặt trung tâm phục vụ hành chính công ở cấp xã cụ thể sẽ như thế nào, và mỗi xã, phường có một trung tâm hay liên thông 3 - 5 xã, phường có một trung tâm?
Nội dung này đã được lãnh đạo Vụ Chính quyền địa phương (Bộ Nội vụ) giải đáp cụ thể tại cuộc họp báo thường kỳ của Bộ Nội vụ mới đây.
Ông Phan Trung Tuấn - Vụ trưởng Vụ Chính quyền địa phương cho biết, trong đề án của Đảng ủy Chính phủ trình Bộ Chính trị, Trung ương Đảng đã có dự kiến ban đầu thành lập một số cơ quan chuyên môn giúp việc của UBND cấp xã. Theo đó, dự kiến thành lập 3 phòng và 1 trung tâm phục vụ hành chính công.
"Tuy nhiên, đấy mới là đề xuất ban đầu và Trung ương cho ý kiến định hướng chủ trương ban đầu", ông Tuấn nói và thông tin thêm sau này, Chính phủ sẽ ban hành nghị định quy định cụ thể tổ chức, chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của các cơ quan chuyên môn thuộc UBND cấp tỉnh.
Theo đó, chắc chắn sẽ có thay đổi và quy định cụ thể dựa trên đánh giá các mặt, yếu tố về quy mô dân số, diện tích tự nhiên, các đặc thù quản lý, chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn cụ thể theo ngành, lĩnh vực của từng địa bàn.
Bộ Nội vụ sẽ nghiên cứu kỹ từng mô hình của các địa phương hiện nay như Hà Nội, Đà Nẵng và lấy ý kiến từ các địa phương để đề xuất mô hình phù hợp.
"Từ đó, tính toán đề xuất cấp thẩm quyền về tổ chức cơ quan chuyên môn thuộc UBND cấp xã, trong đó có trung tâm phục vụ hành chính công ở cấp xã"", ông Tuấn cho hay.
Ông Tuấn cũng cho biết, hiện nay ở Hà Nội đang có 12 trung tâm phục vụ hành chính công được tổ chức theo khu vực, liên khu vực.
Việc tổ chức trung tâm này ở cấp xã sắp tới thế nào thì trong quá trình nghiên cứu đề xuất xây dựng Nghị định của Chính phủ, Bộ Nội vụ sẽ nghiên cứu kỹ từng mô hình của các địa phương hiện nay như Hà Nội, Đà Nẵng và lấy ý kiến từ các địa phương để đề xuất mô hình phù hợp.
Mới đây, Bộ Nội vụ đã có dự kiến đề xuất chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn trung tâm phục vụ hành chính công thuộc UBND cấp xã.
Cụ thể, trung tâm tham mưu, giúp UBND cấp xã thực hiện các nhiệm vụ về xây dựng chính quyền điện tử; tổ chức triển khai thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông trong giải quyết các thủ tục hành chính và được cung ứng các dịch vụ công trực tiếp đến người dân, tổ chức, doanh nghiệp trên địa bàn; phối hợp các cơ quan nhà nước ở Trung ương tổ chức theo ngành dọc trên địa bàn tỉnh hoặc khu vực để tiếp nhận và giải quyết thủ tục hành chính của người dân, doanh nghiệp trên địa bàn cấp xã.
Hiện, Bộ Nội vụ đang trong quá trình nghiên cứu, xây dựng dự thảo Nghị định của Chính phủ về cơ quan chuyên môn thuộc UBND cấp xã (trong đó có trung tâm phục vụ hành chính công). Đại diện Bộ Nội vụ nêu rõ sẽ kịp thời thông tin tới các cơ quan báo chí khi hoàn thành dự thảo Nghị định này.
Có thể bố trí cán bộ không chuyên trách cấp xã về thôn, tổ dân phố
Bên cạnh đó, Bộ Nội vụ đang yêu cầu các địa phương tổng hợp số lượng cán bộ, công chức cấp xã dôi dư, bao gồm cả số lượng người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã.
Theo quy định tại Nghị định số 33 của Chính phủ quy định về cán bộ, công chức cấp xã và người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã, ở thôn, tổ dân phố, số lượng người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã được tính theo loại đơn vị hành chính cấp xã, cụ thể như sau: Loại I là 14 người; loại II là 12 người; loại III là 10 người.
Ban Chỉ đạo sắp xếp đơn vị hành chính các cấp và xây dựng mô hình tổ chức chính quyền địa phương 2 cấp đã có chủ trương sẽ kết thúc việc sử dụng người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã hiện nay kể từ ngày 1/8/2025.
Các địa phương có thể bố trí cán bộ không chuyên trách cấp xã về làm việc ở thôn, tổ dân phố.
"Hiện nay, Bộ Nội vụ đang nghiên cứu chế độ, chính sách hỗ trợ đối với người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã, dự kiến có thể sẽ có một Nghị định của Chính phủ liên quan đến chế độ, chính sách và bố trí cho đối tượng này", ông Phan Trung Tuấn cho biết.
Đối với người hoạt động không chuyên trách cấp huyện, cấp xã, hiện Bộ Nội vụ đang yêu cầu các địa phương tổng hợp lại số cán bộ dôi dư sau sắp xếp.
Ban Chỉ đạo sắp xếp đơn vị hành chính các cấp và xây dựng mô hình tổ chức chính quyền địa phương 2 cấp đã giao chính quyền địa phương xem xét, có thể sắp xếp, bố trí người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ tham gia công tác tại thôn, tổ dân phố và thực hiện chế độ, chính sách đối với các trường hợp không bố trí công tác theo quy định.
Tiếp tục xác định thôn, tổ dân phố là tổ chức tự quản của cộng đồng dân cư, không phải là cấp hành chính.
Trước mắt giữ nguyên các thôn, tổ dân phố hiện có; sau khi hoàn thành sắp xếp đơn vị hành chính các cấp, Chính phủ sẽ giao Bộ Nội vụ nghiên cứu và hướng dẫn theo chỉ đạo của cấp có thẩm quyền về việc sắp xếp, tổ chức lại thôn, tổ dân phố theo hướng tinh gọn, phục vụ trực tiếp đời sống của cộng đồng dân cư trên địa bàn.
"Các địa phương cũng có thể bố trí cán bộ không chuyên trách cấp xã về làm việc ở thôn, tổ dân phố với tư cách là người hoạt động không chuyên trách ở thôn, tổ dân phố", ông Tuấn cho hay.
Vụ trưởng Vụ Chính quyền địa phương cũng khẳng định, việc kết thúc hoạt động áp dụng đối với người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã.
"Đối với người hoạt động không chuyên trách ở thôn, tổ dân phố vẫn tiếp tục hoạt động và chưa có chủ trương của cấp có thẩm quyền về việc kết thúc hoạt động của đối tượng này", ông nói.
Về định hướng lâu dài, Bộ Nội vụ đang nghiên cứu, dự kiến trong năm tới sẽ trình Chính phủ ban hành một Nghị định về tổ chức và hoạt động của thôn, tổ dân phố. Trong đó, quy định chế độ, chính sách đối với người hoạt động không chuyên trách ở thôn, tổ dân phố.
"Cũng tính tới cả việc trong 5 năm tới sắp xếp, tổ chức lại thôn, tổ dân phố theo hướng tinh gọn. Việc tinh gọn này sẽ gắn với việc quy định tiêu chuẩn, chức danh của người hoạt động không chuyên trách tại thôn, tổ dân phố và chế độ, chính sách kèm theo. Bộ Nội vụ sẽ tổng hợp, báo cáo Chính phủ xem xét toàn diện vấn đề này", ông Tuấn nhấn mạnh.
Bộ Nội vụ cũng đề ra 11 nhiệm vụ trọng tâm trong Quý II/2025 trong đó:
Tập trung cao độ tiếp thu ý kiến của Bộ Chính trị, Ban Chấp hành Trung ương tại Hội nghị lần thứ 11 Ban Chấp hành Trung ương Đảng để hoàn thiện kỹ lưỡng, chất lượng Tờ trình, Đề án về việc sắp xếp, tổ chức lại đơn vị hành chính các cấp và xây dựng mô hình tổ chức chính quyền địa phương 2 cấp. Đồng thời, khẩn trương hoàn thành dự thảo các văn bản hướng dẫn để giải quyết phát sinh khi thực hiện sắp xếp đơn vị hành chính các cấp để trình Ban Chấp hành Trung ương. Hoàn thiện trình UBTVQH ban hành Nghị quyết về việc sắp xếp đơn vị hành chính.
Tập trung hoàn thiện 03 Hồ sơ Luật để trình Quốc hội thông qua tại Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XV, gồm: Luật Cán bộ, công chức (sửa đổi); Luật Tổ chức chính quyền địa phương (sửa đổi); Luật Việc làm (sửa đổi)…
Tập trung triển khai đánh giá công tác sắp xếp tổ chức bộ máy tại các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ và cơ quan chuyên môn thuộc UBND cấp tỉnh, cấp huyện. Trong đó, tập trung xây dựng, hoàn thiện trình Chính phủ Báo cáo tình hình kết quả thực hiện Kết luận số 121 của Ban Chấp hành Trung ương, Nghị quyết số 176 của Quốc hội và theo chỉ đạo của Chính phủ liên quan đến việc triển khai thực hiện sắp xếp tổ chức bộ máy tại các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ và các cơ quan chuyên môn thuộc UBND cấp tỉnh, cấp huyện…
Link nội dung: https://doanhnghiepcuocsong.vn/trung-tam-phuc-vu-hanh-chinh-cong-o-cap-xa-se-nhu-the-nao-a194861.html