Ngày 05/6/1911, người thanh niên yêu nước Nguyễn Tất Thành đặt chân lên con tàu Amiral Latouche Treville tại bến cảng Nhà Rồng ra đi tìm đường cứu nước. Ảnh tư liệu
Sinh ra trong hoàn cảnh của một dân tộc thuộc địa, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chứng kiến và thấu hiểu sâu sắc nỗi khổ của người dân mất nước, phải chịu làm nô lệ. Do vậy, đấu tranh giành độc lập dân tộc, tự do hạnh phúc cho nhân dân luôn là khát vọng, động lực và mục đích lớn nhất trong suốt cuộc đời của Người: "Tự do cho đồng bào tôi, độc lập cho Tổ quốc tôi, đấy là tất cả những điều tôi muốn"
Bác Hồ với các anh hùng, chiến sĩ thi đua miền Nam tại Phủ Chủ tịch, tháng 11/1965 - Ảnh tư liệu
Chủ tịch Hồ Chí Minh rất coi trọng công tác tuyên truyền đối ngoại, nhằm tạo nên sự đồng tình ủng hộ của nhân dân thế giới yêu chuộng hoà bình đối với cuộc kháng chiến chính nghĩa của nhân dân ta. Ngày 01/8/1956, trả lời phỏng vấn của phóng viên Báo Tuần lễ Đức, Cộng hòa Liên bang Đức, Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định: "Chúng tôi sẽ kiên quyết phấn đấu để củng cố hòa bình, giành thống nhất, độc lập và dân chủ hoàn toàn cho đất nước" đồng thời bày tỏ mong muốn của Việt Nam là "lập lại quan hệ bình thường với tất cả các nước tư bản trên cơ sở hoàn toàn bình đẳng về chính trị"[6]. Ngày 07/5/1964, trả lời phỏng vấn nữ phóng viên Pháp Danielle Hunebelle, Người nhấn mạnh: "Nguyện vọng của tôi cũng như nguyện vọng của nhân dân Việt Nam là xây dựng một nước Việt Nam hoà bình, thống nhất, độc lập, dân chủ và giàu mạnh, tăng cường đoàn kết phe xã hội chủ nghĩa và giữ gìn hoà bình lâu dài trên thế giới"[7].
Thực hiện tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh, dưới sự lãnh đạo sáng suốt của Đảng, từ niềm tin và khát vọng độc lập, tự do, quân dân cả nước đã từng bước đánh thắng từng chiến lược chiến tranh của địch, từ chiến lược Chiến tranh đơn phương, Chiến tranh đặc biệt cho đến Chiến tranh cục bộ, Việt Nam hóa chiến tranh.
Ngày 02/9/1969, Chủ tịch Hồ Chí Minh đi xa về với "thế giới người hiền", khát vọng lớn lao, mong mỏi suốt đời của Người chưa thực hiện được. Cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước của nhân dân ta chưa giành được thắng lợi hoàn toàn, đất nước vẫn còn bị chia cắt. Bác chưa được "đi khắp hai miền Nam - Bắc, để chúc mừng đồng bào, cán bộ và chiến sĩ anh hùng, thăm hỏi các cụ phụ lão, các cháu thanh niên và nhi đồng yêu quý của chúng ta", chưa "đi thăm và cảm ơn các nước anh em trong phe xã hội chủ nghĩa, và các nước bầu bạn khắp năm châu đã tận tình ủng hộ và giúp đỡ cuộc chống Mỹ, cứu nước của nhân dân ta"[8]. Nhưng những lời bất hủ Người dặn lại trong bản Di chúc cho hậu thế vẫn ngời sáng niềm tin tất thắng về cuộc chiến đấu chính nghĩa của nhân dân Việt Nam, góp phần vào sự nghiệp hòa bình thế giới: "Dù khó khăn gian khổ đến mấy, nhân dân ta nhất định sẽ hoàn toàn thắng lợi. Đế quốc Mỹ nhất định phải cút khỏi nước ta. Tổ quốc ta nhất định sẽ thống nhất. Đồng bào Nam Bắc nhất định sẽ sum họp một nhà "[9].
Với nguồn sức mạnh nội lực của ý chí thống nhất đất nước và khát vọng hòa bình trong muôn triệu người Việt Nam nung nấu soi đường, dẫn lối; vận dụng tư tưởng Hồ Chí Minh, trên cơ sở đánh giá đúng tương quan lực lượng giữa ta và địch, Đảng ta đã đưa ra chủ trương, đường lối phù hợp với từng thời điểm lịch sử để lãnh đạo quân dân cả nước giành thắng lợi cuối cùng trong cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân năm 1975, đưa cả nước bước vào kỷ nguyên độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội. Hoài bão của Chủ tịch Hồ Chí Minh, tư tưởng của Người về độc lập, tự do và thống nhất đất nước cùng khát vọng của toàn dân tộc đã trở thành hiện thực sinh động trên mảnh đất hình chữ S anh hùng.
50 năm đất nước kỷ niệm ngày thống nhất, non sông thu về một dải (1975-2025), một Việt Nam hòa bình, thống nhất, dân chủ đang ngày càng vững vàng trong sự nghiệp đổi mới và hội nhập, với vị thế ngày càng được nâng cao trên trường quốc tế. Thành tựu vĩ đại này trả bằng trí tuệ và máu xương của nhiều thế hệ người Việt Nam mà người đi tiên phong, có công lao lớn nhất trong sự nghiệp này là Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại. Ước mong của Bác, con đường Bác chọn và đã đi đang được các thế hệ con cháu của Người thực hiện bởi "hơn ai hết, thế hệ hôm nay hiểu rõ rằng độc lập và thống nhất không phải là cái đích cuối cùng, mà là điểm khởi đầu cho một hành trình mới: hành trình xây dựng một nước Việt Nam hòa bình, giàu mạnh, văn minh, phát triển và trường tồn"[10].
Vũ Thị Kim Yến
[1] Hồ Chí Minh Biên niên tiểu sử, Nxb CTQG, H.2016, t.1, tr86
[2] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, H.2021, t.4, tr.3
[3] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, H.2021, t.4, tr.534
[4] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, H.2021, t.4, tr.29
[5] Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đảng toàn tập, Nxb Chính trị Quốc gia, H.2002, t.20, tr.82
[6] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, H.2021, t.4, tr.10, tr.396
[7] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, H.2021, t.4, tr.14, tr.325
[8] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, H.2021, t.4, tr.15, tr.621
[9] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, H.2021, t.4, tr.15, tr.623
[10] Trích bài viết "Nước Việt Nam là một, dân tộc Việt Nam là một" của Tổng Bí thư Tô Lâm nhân kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975 – 30/4/2025)
Link nội dung: https://doanhnghiepcuocsong.vn/chu-tich-ho-chi-minh-voi-khat-vong-doc-lap-thong-nhat-non-song-a194775.html