Ngày thống nhất

Nói thật là, từ khá lâu rồi, khi viết hoặc nói, tôi đều gọi ngày Ba mươi tháng Tư, mà đúng hôm nay là đủ nửa thế kỷ, tức 50 năm ấy, là ngày thống nhất, ngày hòa bình.

Nên phải nói là tôi đã mừng như thế nào khi đọc bài "Nước Việt Nam là một, dân tộc Việt Nam là một" của Tổng bí thư Tô Lâm ngay trước thềm kỷ niệm 50 năm ngày thống nhất đất nước năm nay.

Ba tôi, một mảnh số phận của đất nước này, cũng như rất nhiều người khác, quê ở miền Nam (Huế), tập kết ra Bắc năm 1954, lấy mẹ tôi là người Ninh Bình, và sinh ra tôi ở Thanh Hóa. Vợ tôi cũng thế, ba người Bình Định, tập kết ra miền Bắc năm 1954, lấy vợ người Hà Đông, giờ là Hà Nội, đẻ bốn người con ở miền Bắc trước khi về quê sau năm 1975.

Và khi về quê thì cũng như mọi gia đình khác, đều ảnh hưởng từ hai phía. Mà cái ảnh hưởng lớn nhất là... bàn thờ. Trên ấy, người của "hai phe" cùng ngồi, im lìm, cùng hưởng chung khói hương và lòng thành kính của người sống.

Cũng chả biết có phải vô tình không, cuối tháng Tư năm nay, vợ chồng nhà báo Nguyễn Thế Thanh, nguyên Tổng biên tập báo Phụ Nữ Tp.HCM và luật sư Trương Trọng Nghĩa, đại biểu quốc hội mà rất nhiều cử tri biết mặt thuộc tên bởi những phát biểu ấn tượng đúng và trúng trên nghị trường, lên Tây Nguyên, chị Nguyễn Thế Thanh tặng tôi cuốn "Võ Văn Kiệt, trăm năm trong một chữ Dân". Ai cũng biết, cựu thủ tướng Võ Văn Kiệt là người đau đáu với vấn đề hòa hợp dân tộc như thế nào. Ông là người có bài báo rất nổi tiếng mà nhiều người hay nhắc một câu trong ấy, "triệu người vui triệu người buồn", thực ra là nó nằm trong một bài báo có tên là "Những đòi hỏi mới của thời cuộc" từ năm 2005, một bài báo cũng... thăng trầm khi ấy. Trong bài báo ấy, ông Kiệt nói: "Lịch sử cũng như cuộc sống, cái đúng, cái sai, nói một lần người ta hiểu, nói 2, 3 lần người ta im lặng, nhắc lại quá mức cần thiết thì có thể gây ra sự phản cảm. Trong khi đó theo tôi chúng ta vẫn còn biết bao nhiêu điều cần nói, biết bao việc cần làm". Để rồi sau đó, báo Vietnamnet đã tổ chức "hòa nhạc hòa giải và yêu thương" tại Nhà hát lớn Hà Nội do nhạc trưởng Charles Ansbacher từ Boston sang chỉ huy dàn nhạc giao hưởng VN biểu diễn. Cụ Kiệt thì chúng ta đều biết cả rồi, một lãnh tụ kiệt xuất của dân tộc, có vợ và con đều mất vì chiến tranh.

Anh chị Nguyễn Thế Thanh và Trương Trọng Nghĩa cũng đều là con liệt sĩ, anh Nghĩa còn có cả ông và ba là liệt sĩ. Ba chị Thanh là một vị đại tá nổi tiếng và hy sinh ở chiến trường miền Nam.

Tức là mỗi người, ở thế hệ chúng tôi ấy, và cả tới bây giờ, trong mối quan hệ của mình, đều có "phía bên này" và "phía bên kia".

Tôi tâm đắc đoạn này trong bài viết của Tổng bí thư Tô Lâm: "Không có vùng đất nào trên quê hương Việt Nam không có đau thương; không có gia đình nào mà không gánh chịu những mất mát, hy sinh và cho đến nay chúng ta vẫn còn phải khắc phục hậu quả chiến tranh và bom mìn, chất độc da cam…

Nhưng thời gian, lòng nhân ái, đức vị tha đã giúp dân tộc ta từng bước vượt qua nỗi đau, chữa lành vết thương, gác lại quá khứ, tôn trọng sự khác biệt hướng tới tương lai.

Sau 50 năm đất nước thống nhất, chúng ta đã có đủ bản lĩnh, đủ niềm tin, sự tự hào và đủ bao dung để vượt qua đau thương cùng nhau nhìn về phía trước - để cuộc chiến tranh đã qua không còn là hố ngăn cách giữa những người con cùng một dòng máu Lạc Hồng". Và đây nữa: "Ngày hôm nay, Việt Nam và Hoa Kỳ - từ cựu thù - đã trở thành Đối tác chiến lược toàn diện, cùng hợp tác vì hòa bình, vì lợi ích của nhân dân hai nước, vì an ninh và ổn định khu vực.

Vậy thì không có lý do gì để những người Việt Nam - cùng chung huyết thống, cùng một mẹ Âu Cơ, luôn đau đáu về một đất nước thống nhất, phồn vinh - lại còn mang mãi trong lòng nỗi hận thù, chia rẽ và ngăn cách. Hòa hợp dân tộc không có nghĩa là quên lãng lịch sử hay xóa nhòa sự khác biệt, mà là chấp nhận những góc nhìn khác nhau trong tinh thần bao dung và tôn trọng, để cùng hướng tới mục tiêu lớn hơn: xây dựng một nước Việt Nam hòa bình, thống nhất, hùng mạnh, văn minh, thịnh vượng, để các thế hệ mai sau không bao giờ phải chứng kiến chiến tranh, chia ly và hận thù, mất mát như cha ông từng đối mặt".

Anh Nguyễn Hữu Thành, một cựu chiến binh, con rể vị đại tướng lừng danh của dân tộc, nhắn tin cho tôi: "Nói thêm với chú, nhà tôi có nhiều người "bên thua". Vào Sài Gòn làm nhiệm vụ tiếp quản mà còn gặp các anh họ (cả bên cha, và bên mẹ) là lính VNCH. Chiến tranh là một tai nạn xã hội, không ai muốn, không "bên" nào muốn. Nhưng thường chiến tranh có bên thắng bên thua. Bên thắng có thể coi người tham gia bên mình là liệt sĩ, là người có công. Nhưng, một cách công bằng và nhân văn, cũng cần coi những người ở phía bên kia là nạn nhân của chiến tranh. Dù cho khi còn cầm súng đối mặt tiêu diệt nhau, họ là đối thủ. Nhưng khi đã hết súng nổ, đã trở thành công dân của xã hội, không kể bên thắng bên thua. Họ là người bị "tai nạn chiến tranh", cũng như người dân không hề cầm súng cho một bên nào. Cần làm gì về mặt quản lý nhà nước với họ?"...

Và đây là câu chuyện của anh Lê Kiên Thành, một doanh nhân và là "nhà văn trẻ" (vì anh mới ra sách rất HOT ở tuổi suýt soát 70), con trai cố Tổng bí thư Lê Duẩn, anh đã cho phép tôi trích: "Cũng ở huyện Triệu Phong có một đền tưởng niệm Anh hùng Liệt sỹ khang trang bên dòng sông Thạch Hãn. Chuyện kể rằng, sau khi đặt tấm bia tưởng niệm và bát hương thì nhiều người xây đền đều có chung một giấc mơ là các binh lính phía bên kia xin được có một bát hương "sau lưng các anh". Thế là xuất hiện thêm bát hương nữa, phía sau tấm bia, mang nặng tính nhân ái của những người còn sống". "Cha tôi, cố TBT Lê Duẩn, đã phát biểu (đại ý): "Chúng ta đứng vững không phải bởi chúng ta bằng gang, bằng thép, vì chẳng gang thép nào chịu nổi sức nóng của bom đạn, mà vì chúng ta là con người bằng xương bằng thịt nhưng biết yêu Tổ quốc mình nồng nàn!". Anh Nguyễn Hữu Thành bàn thêm về việc tấm bia "phía bên kia": "Đấy là sự hòa hợp của lòng dân, bởi trong mỗi gia đình Việt Nam, nhất là những gia đình vùng chiến sự, thì đều có người của bên thắng và bên thua. Đấy là sự hòa hợp từ nhân dân"...

Và bây giờ, từ bài viết của Tổng Bí thư Tô Lâm, chúng ta đã có sự nhìn nhận chính thức của Đảng và nhà nước về hòa hợp và thống nhất.

"Chúng ta không thể viết lại lịch sử nhưng chúng ta có thể hoạch định lại tương lai. Quá khứ là để ghi nhớ, để tri ân và để rút ra bài học. Tương lai là để cùng nhau xây dựng kiến tạo và phát triển. Đó là lời hứa danh dự của thế hệ hôm nay với những người đã ngã xuống, là tâm nguyện chung của một dân tộc từng trải qua nhiều đau thương nhưng chưa bao giờ khuất phục"- (Tô Lâm, bài đã dẫn).

Và chúng ta tin tưởng, hy vọng một Việt Nam thịnh vượng và nhân ái. Và hôm nay, ba mươi tháng tư ấy, luôn là ngày thống nhất của dân tộc Việt Nam.

*Bài viết thể hiện quan điểm riêng của tác giả

Link nội dung: https://doanhnghiepcuocsong.vn/ngay-thong-nhat-a194722.html