Dự án Luật Đường sắt (sửa đổi) đủ điều kiện trình Quốc hội xem xét tại Kỳ họp thứ 9

Dự thảo Luật và tập trung vào 5 vấn đề đổi mới quan trọng, mang tính đột phá để tạo hành lang pháp lý cho phát triển đường sắt như: Đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng đường sắt; quản lý, khai thác kết cấu hạ tầng đường sắt...

Tạo động lực mới cho sự phát triển ngành đường sắt

Ngày 29/4, Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường tổ chức Phiên họp toàn thể lần thứ 12 thẩm tra dự án Luật Đường sắt (sửa đổi).

Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Danh Huy cho biết việc xây dựng Luật Đường sắt (sửa đổi) nhằm tiếp tục thể chế hoá chủ trương, đường lối của Đảng và Nhà nước về chính sách phát triển đường sắt hiện đại, đồng bộ, bền vững, có trọng tâm, trọng điểm, phù hợp với điều kiện và kế hoạch, chiến lược phát triển kinh tế - xã hội và an ninh quốc phòng của đất nước. 

Đồng thời, khắc phục những tồn tại, bất cập về thể chế, tạo động lực mới cho sự phát triển của ngành đường sắt, thúc đẩy tính cạnh tranh của phương thức vận tải đường sắt; nâng cao hiệu lực, hiệu quả phục vụ nhu cầu đi lại của nhân dân, cũng như công tác quản lý nhà nước về hoạt động đường sắt.

Dự án Luật Đường sắt (sửa đổi) đủ điều kiện trình Quốc hội xem xét tại Kỳ họp thứ 9- Ảnh 1.

Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Danh Huy (Ảnh: Quochoi.vn).

Luật Đường sắt (sửa đổi) quy định phạm vi điều chỉnh về hoạt động đường sắt; quyền, nghĩa vụ và trách nhiệm của tổ chức, cá nhân liên quan đến hoạt động đường sắt. 

Luật này áp dụng đối với tổ chức, cá nhân trong nước và nước ngoài có liên quan đến hoạt động đường sắt trên lãnh thổ nước Việt Nam.

Trên cơ sở 5 chính sách đã được thông qua, Bộ Xây dựng đã cụ thể hóa thành các quy định cụ thể trong dự thảo Luật và tập trung vào 5 vấn đề đổi mới quan trọng, mang tính đột phá để tạo hành lang pháp lý cho phát triển đường sắt, cụ thể như: Đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng đường sắt; quản lý, khai thác kết cấu hạ tầng đường sắt; hoạt động vận tải đường sắt; kết nối các phương thức vận tải; phát triển công nghiệp và nguồn nhân lực đường sắt.

Luật Đường sắt 2017 có 20 thủ tục hành chính, còn dự án Luật hiện nay đã cắt giảm 4 thủ tục hành chính, sửa đổi về chủ thể thực hiện của 10 thủ tục hành chính để tạo thuận lợi hơn và chỉ kế thừa 6 thủ tục hành chính. 

Các thủ tục hành chính này đã được Bộ Xây dựng đánh giá kỹ lưỡng trong Báo cáo đánh giá tác động thủ tục hành chính. Đồng thời, dự án Luật đã cắt giảm 33% ngành nghề kinh doanh có điều kiện hiện quy định tại Luật Đường sắt 2017.

Tháo gỡ các rào cản, khơi thông nguồn lực

Thẩm tra, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Tạ Đình Thi nhấn mạnh, Ủy ban nhất trí với sự cần thiết sửa đổi toàn diện Luật Đường sắt với những lý do như đã được nêu trong Tờ trình của Chính phủ. 

Việc hoàn thiện thể chế pháp luật về đường sắt lần này được kỳ vọng sẽ tạo ra hành lang pháp lý vững chắc, tháo gỡ các rào cản, khơi thông nguồn lực, tạo động lực mới cho sự phát triển của ngành, đáp ứng tốt hơn yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội bền vững và hội nhập quốc tế sâu rộng trong giai đoạn mới.

Dự án Luật Đường sắt (sửa đổi) đủ điều kiện trình Quốc hội xem xét tại Kỳ họp thứ 9- Ảnh 2.

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Tạ Đình Thi (Ảnh: Quochoi.vn).

Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường ghi nhận Chính phủ đã thể hiện sự nghiêm túc, cầu thị trong việc tiếp thu ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội và các cơ quan thẩm tra tại Phiên họp thứ 43. 

Chính phủ đã có Báo cáo số 180 ngày 11/4/2025 báo cáo về việc rà soát, tiếp thu và thể chế hóa các chủ trương, đường lối của Đảng vào dự thảo Luật trình Quốc hội lần này.

Tuy nhiên, để đảm bảo chất lượng cao nhất của dự án Luật, Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường đề nghị Cơ quan chủ trì soạn thảo tiếp tục nghiên cứu, đánh giá một cách toàn diện và sâu sắc hơn tác động của các quy định dự kiến sửa đổi, bổ sung trong bối cảnh chung của đất nước. 

Cụ thể, cần làm rõ sự đóng góp của dự án Luật vào việc thực hiện chủ trương lớn về sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý Nhà nước.

Đánh giá khả năng tạo đà, thúc đẩy tăng trưởng GDP đạt các mục tiêu đề ra (phấn đấu 8% năm 2025 và tăng trưởng hai con số giai đoạn 2026-2030); tăng cường hợp tác công-tư (PPP), tạo đột phá trong phát triển cơ sở hạ tầng khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số trong lĩnh vực đường sắt, vốn được xác định là yêu cầu trọng tâm theo tinh thần các Nghị quyết của Đảng.

Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường nhận thấy, về cơ bản, các tài liệu trong hồ sơ dự án Luật đã bảo đảm theo yêu cầu quy định tại Điều 64 Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật; cụ thể hóa 05 nhóm chính sách đã được thông qua. Hồ sơ dự án Luật cơ bản đủ điều kiện trình Quốc hội xem xét, cho ý kiến.

Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường cơ bản nhất trí với phạm vi điều chỉnh, đối tượng áp dụng được nêu trong Tờ trình số 127 ngày 5/3/2025 của Chính phủ. 

Tuy nhiên, Ủy ban đề nghị làm rõ hơn phạm vi điều chỉnh của dự thảo Luật đối với đường sắt đô thị, đường sắt tốc độ cao và đường sắt chuyên dùng; kinh doanh đường sắt, khai thác quỹ đất vùng phụ cận ga đường sắt.

Dự án Luật Đường sắt (sửa đổi) đủ điều kiện trình Quốc hội xem xét tại Kỳ họp thứ 9- Ảnh 3.

Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Lê Quang Huy (Ảnh: Quochoi.vn).

Kết luận phiên họp, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Lê Quang Huy khẳng định, phiên họp thống nhất dự án Luật Đường sắt (sửa đổi) đủ điều kiện để trình Quốc hội trong Kỳ họp thứ 9 (tháng 5/2025) và đánh giá cao sự cố gắng, nghiêm túc của Chính phủ, Cơ quan chủ trì soạn thảo.

Đồng thời đề nghị Bộ Xây dựng nghiên cứu các đề xuất, kiến nghị của phiên họp để nghiên cứu, tiếp thu, chỉnh lý dự án Luật; giao Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tạ Đình Thi chỉ đạo việc tiếp thu ý kiến các vị đại biểu để hoàn thiện dự thảo báo cáo thẩm tra chính thức của Ủy ban, gửi xin ý kiến thành viên Ủy ban trước khi ban hành.

Link nội dung: https://doanhnghiepcuocsong.vn/du-an-luat-duong-sat-sua-doi-du-dieu-kien-trinh-quoc-hoi-xem-xet-tai-ky-hop-thu-9-a194603.html