Ông Nguyễn Huy Hoàng, chiến sĩ Trung đoàn 66 hồi tưởng khoảnh khắc lịch sử trưa 30/4/1975, khi ngồi trên xe Jeep cùng đoàn quân tiến vào Dinh Độc Lập - Ảnh: VGP/ Văn Hiền
Binh nhất Nguyễn Huy Hoàng, làm nhiệm vụ "truyền đạt mệnh lệnh, chạy bằng chân và bảo vệ thủ trưởng" theo lời ông kể, có mặt trong giờ phút lịch sử trưa ngày 30/4/1975 tại Dinh Độc Lập: Áp giải Tổng thống Dương Văn Minh từ Dinh Độc Lập sang Đài phát thanh Sài Gòn, đọc lời tuyên bố đầu hàng vô điều kiện, chấm dứt chiến tranh, thống nhất đất nước.
Từ giảng đường Kiến trúc đến chiến trường khốc liệt
Năm 1972, Nguyễn Huy Hoàng – chàng trai Hà Nội nhà ở số 1 Tràng Thi đang theo học Đại học Kiến trúc, gác lại bản vẽ và giấc mơ công trình để cùng hàng vạn thanh niên của cả nước khoác ba lô lên đường nhập ngũ.
Ông Hoàng kể: "Tại nơi huấn luyện ở huyện Tân Lạc (Hòa Bình), tôi được phiên chế vào đại đội 70, tiểu đoàn 68, trung đoàn 59 cùng bạn thân là Bàng Nguyên Thất (nhà ở ngõ chợ Khâm Thiên). Sau khi hành quân vào Nam, chúng tôi được điều về đại đội 18, trung đoàn 66, sư đoàn 304 gắn bó cùng nhau từ trận đánh căn cứ Thượng Đức (Đà Nẵng) năm 1974 cho đến ngày tiến về Sài Gòn. Anh Thất làm thông tin có máy 2W kè kè bên người; còn tôi làm truyền đạt miệng, nên phải luôn đi cạnh các cán bộ trung đoàn để truyền mệnh lệnh và bảo vệ thủ trưởng.
Trong chiến dịch Hồ Chí Minh, người chiến sĩ Nguyễn Huy Hoàng được phân công ngồi trên xe Jeep chỉ huy của Trung đoàn 66, mũi thọc sâu của Quân đoàn 2. Trên đường tiến vào trung tâm Thành phố, đoàn xe bị địch chặn đánh ác liệt ở cầu Sài Gòn và khu vực Tân Cảng.
"Khi đến cầu Sài Gòn, địch chống trả quyết liệt. Pháo binh và xe tăng của ta phải tổ chức đánh trả. Chúng tôi mất một xe tăng, một số chiến sĩ hy sinh ngay trên cầu. Nhưng cũng tại đó, chúng tôi bắn cháy hai xe tăng địch. Xe Jeep chỉ huy của chúng tôi do đồng chí Vân lái phải lách qua đống xác tăng đang cháy nghi ngút để vượt qua cầu", ông Hoàng nói.
Sau trận đánh ngắn nhưng dữ dội ở Thị Nghè, đoàn quân tiếp tục tiến vào trung tâm Thành phố. Khi đến gần Dinh Độc Lập, cả tổ trinh sát bối rối vì… không ai biết đường. Lúc ấy, có một người dân mang cờ Mặt trận Giải phóng ra đường. Đồng chí Đại úy Phạm Xuân Thệ gọi hỏi: 'Chú có biết đường vào Dinh Độc Lập không?' Ông ấy bảo: 'Để tôi dẫn đường', rồi leo ngay lên thành xe. Xe Jeep của ông Hoàng tiến theo sau hai xe tăng, khi ấy xe tăng 843 húc vào cổng trái thì chết máy, xe tăng 390 tiếp tục húc đổ cổng chính và tiến vào.
Thời khắc không quên tại Dinh Độc Lập
Gần nửa thế kỷ trôi qua, nhưng với ông Hoàng thời khắc trưa ngày 30/4/1975 tại Dinh Độc Lập vẫn như vừa mới hôm qua. Từng chi tiết ông vẫn nhớ như in bằng trái tim của một người lính từng đi qua lịch sử.
"Lúc đó, trong đại sảnh Dinh Độc Lập, Chuẩn tướng Nguyễn Hữu Hạnh giới thiệu: 'Đây là Tổng thống Dương Văn Minh', một người đàn ông cao lớn, đeo kính. Bên cạnh ông ấy là Thủ tướng Vũ Văn Mẫu, mặc bộ comple xám. Cả hai đứng giữa vòng vây của các nhà báo quốc tế, máy ảnh chớp sáng liên tục", ông Hoàng kể.
Ông Nguyễn Huy Hoàng và tấm ảnh kỷ niệm quý giá trong Dinh Độc Lập khi ông được Đại uý Phạm Xuân Thệ, Trung đoàn phó Trung đoàn 66 giao nhiệm vụ cảnh giới - Ảnh: VGP/Văn Hiền
Ông Hoàng chậm rãi kể lại câu nói mà ông cho là "dứt khoát và không thể nào quên": Ông Dương Văn Minh nói: 'Chúng tôi chờ các ông đến để bàn giao chính quyền'. Nhưng ngay lập tức, Phó Trung đoàn trưởng Trung đoàn 66 Phạm Xuân Thệ đáp gọn: 'Không còn gì để bàn giao. Các ông là tù binh. Chỉ có đầu hàng vô điều kiện!'
Chính quyền Sài Gòn chính thức sụp đổ. Ngay sau đó, Dương Văn Minh trao khẩu súng lục là vật tùy thân cuối cùng của một vị "tổng thống ngắn ngày" cho ông Thệ. Khẩu súng ấy giờ đây nằm trong tủ kính tại Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam như một chứng tích của thời khắc chuyển giao chấn động lịch sử dân tộc.
Trung đoàn 66 được lệnh áp giải Dương Văn Minh và Vũ Văn Mẫu đến Đài Phát thanh Sài Gòn để phát đi tuyên bố đầu hàng. Đó là mệnh lệnh quan trọng, để cả thế giới biết rằng: Chiến tranh Việt Nam đã kết thúc, non sông Việt Nam đã được thống nhất.
"Ông Minh muốn đi bằng xe riêng, nhưng anh Thệ kiên quyết: 'Không. Mời ông lên xe Jeep của chúng tôi!", ông Hoàng kể.
Chiếc xe Jeep chở Tổng thống chính quyền Sài Gòn đi giữa đường phố đông nghịt, người dân đã bắt đầu ùa ra, cờ hoa vẫy rợp trời, nhưng ông Hoàng không thể lơi tay khỏi khẩu súng.
Ông chia sẻ: "Tôi ngồi trên thành xe. Người đông như hội. Có người nhận ra Dương Văn Minh. Tôi phải đề phòng mọi tình huống. Lỡ có ai đó quá khích, ném lựu đạn, thì cả xe... coi như xong".
Theo lời kể của ông Hoàng, chính Dương Văn Minh là người chỉ đường đến Đài Phát thanh Sài Gòn, cơ quan đầu não truyền thông của chính quyền cũ. Tiểu đoàn 8, Trung đoàn 66 đã kiểm soát toàn bộ khu vực. Nhưng có một sự cố kỹ thuật: Máy phát không hoạt động. Đúng lúc đó, nhà báo Cộng hòa Liêng bang Đức tên Boris Glats đi cùng Trung tá Bùi Văn Tùng, đại diện quân Giải phóng, mang theo chiếc máy ghi âm từ Đà Nẵng để ghi lời tuyên bố chấp nhận đầu hàng của Dương Văn Minh.
Trung tá Bùi Văn Tùng, Chính ủy Lữ đoàn xe tăng 203, thuộc Quân đoàn 2 khi ấy đã viết lời đầu hàng cho Dương Văn Minh đọc trên đài phát thanh. Lời tuyên bố đầu hàng ấy bay qua hàng vạn mái nhà, xuyên qua mọi biên giới, vang vọng khắp năm châu. Đó không chỉ là chiến thắng quân sự, mà là tuyên ngôn của một dân tộc giành lại độc lập, tự do bằng chính máu xương mình.
Sau ngày toàn thắng 30/4, ông Hoàng tiếp tục cùng đơn vị truy quét tàn quân Fulro tại Lâm Đồng, rồi được chuyển lên Ban Tuyên huấn. Đến tháng 10/1976, Nguyễn Huy Hoàng nhận quyết định trở lại giảng đường Đại học Kiến trúc Hà Nội để học tập.
Ra trường, ông Hoàng về công tác tại Công ty Xây dựng Dân dụng trực thuộc Sở Xây dựng Hà Nội và gắn bó cho đến ngày nghỉ hưu. Từ một người lính từng đi qua khói lửa chiến tranh đến một công dân trong thời bình, ông đã chứng kiến từng bước chuyển mình của đất nước – từ những ngày gian khó tới thời kỳ hội nhập, phát triển.
Những trải nghiệm ấy khiến ông trân trọng sâu sắc giá trị của hòa bình, của độc lập, những điều không tự nhiên mà có. Ông Hoàng gửi gắm: "Tôi chỉ có một mong ước duy nhất, đó là thế hệ trẻ hôm nay, với tri thức và khát vọng, sẽ tiếp bước cha ông, chung tay dựng xây đất nước Việt Nam ngày một hùng cường, tươi đẹp hơn. Hãy sống xứng đáng với những hy sinh của bao thế hệ đi trước, để giữ gìn và phát huy những giá trị mà dân tộc ta đã phải đánh đổi bằng cả máu và nước mắt mới có được ngày hôm nay".
Văn Hiền
Link nội dung: https://doanhnghiepcuocsong.vn/nguoi-linh-trung-doan-66-nho-ve-khoanh-khac-lich-su-trong-dinh-doc-lap-a194556.html