Tại kỳ họp chuyên đề thứ 23 HĐND tỉnh Bình Định khóa XIII, nhiệm kỳ 2021 - 2026 diễn ra vào sáng 28/4, ông Hồ Quốc Dũng – Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Bình Định đã nhấn mạnh việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã cần đảm bảo ba điều kiện thiết yếu: Các xã, phường sau khi hợp nhất phải gần dân, sát dân và giải quyết công việc cho người dân tốt hơn; việc sắp xếp phải tạo được sự ổn định cho địa phương; hình thành được không gian phát triển mới. Ông Dũng nhấn mạnh: "Nhập lại để phát triển, chứ không phải nhập lại khó khăn hơn, nghèo hơn".
Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Bình Định nhấn manh: Nhập lại để phát triển chứ không phải nhập lại khó khăn hơn, nghèo hơn. Ảnh:Thu Dịu
Thông qua chủ trương sáp nhập đơn vị hành chính
Tại kỳ họp chuyên đề thứ 23, HĐND tỉnh Bình Định khóa XIII, nhiệm kỳ 2021 - 2026 đã thông qua nhiều nghị quyết quan trọng.
Theo đó HĐND tỉnh Bình Định thông qua chủ trương sắp xếp đơn vị hành chính cấp tỉnh trên địa bàn tỉnh. Cụ thể, sáp nhập từ 155 xã, phường thành 58 xã, giảm 97 đơn vị. Tỉnh Bình Định thay đổi cách đặt tên xã, phường, chuyển từ đánh số sang địa danh. Mỗi tên gọi gắn với lịch sử phát triển của vùng đất đó.
Quang cảnh kỳ họp. Ảnh: Thu Dịu
HĐND tỉnh Bình Định thống nhất thông qua chủ trương sắp xếp đơn vị hành chính tỉnh Gia Lai và tỉnh Bình Định. Theo đó, thành lập tỉnh Gia Lai mới trực thuộc Trung ương trên cơ sở sáp nhập toàn bộ diện tích tự nhiên, quy mô dân số của đơn vị hành chính của tỉnh Gia Lai và toàn bộ diện tích tự nhiên, quy mô dân số của đơn vị hành chính tỉnh Bình Định.
Tỉnh Gia Lai sau sắp xếp có diện tích tự nhiên là 21.576km2, dân số hơn 3,5 triệu người.Trung tâm chính trị - hành chính của tỉnh Gia Lai đặt tại Tp. Quy Nhơn, tỉnh Bình Định hiện nay.
Đề án sắp xếp đơn vị hành chính tỉnh Gia Lai và tỉnh Bình Định năm 2025 đã đưa ra phương án và lộ trình sắp xếp, kiện toàn tổ chức bộ máy cơ quan, tổ chức sau sắp xếp.
Ông Phạm Anh Tuấn - Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định trình bày 2 tờ trình về sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã trên địa bàn tỉnh Bình Định và sáp nhập 2 tỉnh Bình Định và Gia Lai tại kỳ họp. Ảnh: Thu Dịu
Trước mắt giữ nguyên số lượng CBCCVC hiện có mặt của hai tỉnh. Sau đó, thực hiện rà soát, tinh giản biên chế gắn với cơ cấu lại, nâng cao chất lượng đội ngũ CBCCVC đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ. Bảo đảm sau thời hạn theo yêu cầu của Trung ương (5 năm), số lượng CBCCVC hiện có thực hiện theo biên chế được giao theo quy định hiện hành.
Sắp xếp đơn vị hành chính tỉnh Gia Lai và tỉnh Bình Định là cần thiết nhằm tổ chức hợp lý đơn vị hành chính, phù hợp với thực tiễn, xu thế phát triển, đồng thời bảo đảm yếu tố lịch sử của hai tỉnh; bảo đảm bộ máy của hệ thống chính trị tinh, gọn, mạnh, hoạt động hiệu năng, hiệu lực, hiệu quả; tinh giản biên chế; cơ cấu lại và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức và người lao động; tạo liên kết vùng, mở rộng không gian phát triển, bảo đảm quốc phòng, an ninh, góp phần phát huy mọi nguồn lực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao đời sống Nhân dân.
Hướng đến phát triển và phục vụ người dân
Trao đổi tại kỳ họp, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Bình Định Hồ Quốc Dũng cho biết đề án sáp nhập tỉnh Bình Định và Gia Lai sẽ được trình Chính phủ trước ngày 1/5/2025. Lãnh đạo 2 tỉnh đang tích cực làm việc, không nghỉ lễ để đảm bảo tiến độ của quá trình sáp nhập quan trọng này.
Theo ông Hồ Quốc Dũng, tại cuộc họp Ban Thường vụ hai tỉnh tổ chức vào ngày 26/4, các bên đã thống nhất thông qua nguyên tắc và cách thức sắp xếp đơn vị hành chính cấp tỉnh. Theo đó, tỉnh Bình Định được giao làm đầu mối chính, với từng sở, ngành của tỉnh sẽ chủ trì phối hợp với các đơn vị tương ứng của tỉnh Gia Lai để xây dựng đề án, bố trí nhân sự, phòng ban và trụ sở làm việc.
"Đến 20/5/2025, chúng tôi sẽ hoàn thành việc sắp xếp, báo cáo bộ máy, nhân sự, vị trí công tác cho việc sáp nhập này," ông Dũng thông tin.
Theo đó, ông Dũng nói thêm: "Chúng tôi cũng thống nhất thành lập Ban chỉ đạo chung để giải quyết các công việc trong quá trình hợp nhất, đồng thời thành lập các tiểu ban để bắt tay ngay vào việc chuẩn bị cho Đại hội Đảng bộ tỉnh mới dự kiến tổ chức vào tháng 10/2025."
Đại biểu HĐND tỉnh Bình Định thông qua nghị quyết sáp nhập đơn vị hành chính cấp xã và sáp nhập 2 tỉnh Bình Định và Gia Lai. Ảnh: Thu Dịu
Liên quan đến đề án sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã trên địa bàn tỉnh và tổ chức mô hình chính quyền hai cấp, Chủ tịch HĐND tỉnh Bình Định nhấn mạnh việc này phải được thực hiện trước khi tiến hành sáp nhập hai tỉnh.
Ông Dũng cũng chia sẻ 3 điều kiện quan trọng khi sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã: các xã phường sau khi hợp nhất phải gần dân, sát dân và giải quyết công việc hiệu quả hơn; quá trình sắp xếp cần tạo được sự ổn định; và việc hợp nhất phải hình thành được không gian phát triển mới.
"Nhập lại để phát triển, chứ không phải nhập lại để trở nên khó khăn hơn, nghèo hơn," Bí thư Tỉnh ủy Bình Định Hồ Quốc Dũng nhấn mạnh.
Để tạo động lực phát triển mới, tỉnh đã chọn 12 xã, phường làm trọng tâm, được xác định là đơn vị dẫn dắt sự phát triển của tỉnh trong tương lai. "Từ việc xác định này, chúng tôi sẽ tiến tới chọn cán bộ đủ tầm, đủ năng lực lãnh đạo để đưa địa phương phát triển," ông Dũng khẳng định.
Trước đó, HĐND tỉnh Bình Định đã thông qua chủ trương sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã, giảm từ 155 xã, phường xuống còn 58 đơn vị, đồng thời thay đổi cách đặt tên từ đánh số sang sử dụng địa danh gắn với lịch sử phát triển của mỗi vùng đất.
Nếu bây giờ không làm thì không sửa sai được
Tại kỳ họp này, vấn đề quan tâm nhiều nhất đó là việc đặt tên cho các phường, xã mới của tỉnh Bình Định sau khi sắp xếp. Ông Hồ Quốc Dũng – Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Bình Định cho rằng, việc đặt tên gọi của các xã, phường phải gắn liền với truyền thống, văn hóa lịch sử. Đây là trách nhiệm của chúng ta với lịch sử, với con cháu sau này, nên phải cân nhắc, làm kỹ. Nếu không làm bây giờ sau này không sửa sai được. Đã có 40 xã, phường thay đổi theo tâm tư nguyện vọng của dân. Tất cả những địa danh, lịch sử, văn hóa truyền thống của quê hương Bình Định đều có trong danh sách tên mới. Chúng tôi yêu cầu cán bộ cơ sở phải lục lại những địa danh nổi tiếng trước đây, để đặt tên.
Cùng với đó, việc bố trí trụ sở làm việc mới phải được khảo sát tính toán lại. Phải xác định trụ sở mới phải bố trí nơi thuận lợi cho dân trong quá trình làm việc.