Công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí đạt nhiều kết quả tích cực

(Chinhphu.vn) - Ngày 24/4, tiếp tục chương trình Phiên họp thứ 44, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải, Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét báo cáo của Chính phủ về công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2024.

Công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí đạt nhiều kết quả tích cực- Ảnh 1.

Bộ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Văn Thắng trình bày báo cáo tại phiên họp

Trình bày báo cáo tại phiên họp, Bộ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Văn Thắng cho biết, năm 2024, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã thành lập Ban Chỉ đạo phòng, chống lãng phí của Chính phủ; ban hành Quyết định số 1764/QĐ-TTg ngày 31/12/2023 về Chương trình tổng thể của Chính phủ về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2024 và nhiều chỉ thị, công điện.

Việc này nhằm thực hiện đồng bộ các mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trong các lĩnh vực, góp phần huy động, phân bổ, sử dụng có hiệu quả các nguồn lực để tạo nguồn cải cách tiền lương, đảm bảo giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm cân đối lớn của nền kinh tế; tạo chuyển biến thực chất hơn trong nhận thức và hành động của cán bộ, công chức, viên chức, người lao động và nhân dân về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí.

Mặc dù gặp nhiều khó khăn, thách thức nhưng Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương đã triển khai, thực hiện quyết liệt, hiệu quả quy định của Luật Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, Nghị quyết của Quốc hội, Chính phủ và các nhiệm vụ, giải pháp đề ra trong Chương trình tổng thể của Chính phủ về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2024. Công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí đã có nhiều chuyển biến và đạt được kết quả quan trọng, tích cực trên các lĩnh vực, góp phần thực hiện thắng lợi mục tiêu, chỉ tiêu phát triển kinh tế xã hội (đạt và vượt toàn bộ 15/15 chỉ tiêu chủ yếu phát triển kinh tế-xã hội đã đề ra).

Trình bày báo cáo thẩm tra, Phó Chủ nhiệm Thường trực Ủy ban Kinh tế và Tài chính Lê Quang Mạnh cho biết, công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2024 tiếp tục có nhiều chuyển biến tích cực. Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được thì vẫn còn những tồn tại, hạn chế, lãng phí… Vì vậy, Thường trực Ủy ban Kinh tế và Tài chính đề nghị tiếp tục siết chặt kỷ cương, kỷ luật tài chính, thực hiện tốt chính sách tài khóa, kiểm soát chặt chẽ bội chi; có giải pháp hữu hiệu để khắc phục những tồn tại, hạn chế trong triển khai các Chương trình Mục tiêu Quốc gia và đầu tư công; quyết liệt tổ chức triển khai, đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án, bảo đảm chất lượng, tiến độ theo yêu cầu tại các nghị quyết của Quốc hội.

Phát biểu tại phiên họp, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định cho rằng, cần rà soát tất cả các dự án chậm triển khai, tháo gỡ những bất cập của cơ chế, chính sách để những dự án được triển khai trong thực tiễn cũng là một cách khơi thông nguồn lực, chống lãng phí. 

Bên cạnh đó, rà soát các tài sản công sử dụng không hiệu quả, đặc biệt ở các địa phương. Trong quá trình sắp xếp tổ chức bộ máy của cả hệ thống chính trị, việc quản lý tài chính, tài sản phải đảm bảo không thất thoát, lãng phí, không tiêu cực. Nguồn lực tài chính, tài sản cần được đưa vào sử dụng hiệu quả.

Phát biểu kết luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải nêu rõ, công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2024 đã có nhiều chuyển biến và đạt được kết quả quan trọng, tích cực trên các lĩnh vực; các tồn tại, bất cập, hạn chế các năm trước dần được khắc phục; ý thức trách nhiệm về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí được nâng lên một bước.

Tuy nhiên, qua Báo cáo của Chính phủ, báo cáo thẩm tra và ý kiến của Thường vụ cho thấy vẫn còn những bất cập, hạn chế. Ủy ban Thường vụ đề nghị Chính phủ làm rõ hơn các nguyên nhân gắn với các nội dung của Nghị quyết giám sát chuyên đề về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí của Quốc hội trong năm 2023. Ủy ban Thường vụ Quốc hội cơ bản thống nhất với các nhiệm vụ, giải pháp năm 2024 Chính phủ đã nêu trong báo cáo và Ủy ban Kinh tế và Tài chính đã nhấn mạnh thêm trong báo cáo thẩm tra.

Phó Chủ tịch Quốc hội đề nghị Chính phủ nghiên cứu, tiếp thu ý kiến của các cơ quan thẩm tra, ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội để bổ sung, hoàn thiện báo cáo gửi Quốc hội và cơ quan thẩm tra, Ủy ban Kinh tế - Tài chính tiến hành thẩm tra chính thức để trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 9 Quốc hội khóa XV.

Vũ Phong

Tham khảo thêm
Tham khảo thêm
Thông cáo báo chí Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ về đẩy mạnh phòng, chống lãng phí, khơi thông nguồn lực, thúc đẩy tăng trưởng kinh tếThông cáo báo chí Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ về đẩy mạnh phòng, chống lãng phí, khơi thông nguồn lực, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế
Tham khảo thêm
Tham khảo thêm
Chương trình tổng thể của Chính phủ về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2025Chương trình tổng thể của Chính phủ về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2025
Tham khảo thêm
Xây dựng văn hóa tiết kiệm, chống lãng phíXây dựng văn hóa tiết kiệm, chống lãng phí

Link nội dung: https://doanhnghiepcuocsong.vn/cong-tac-thuc-hanh-tiet-kiem-chong-lang-phi-dat-nhieu-ket-qua-tich-cuc-a193973.html