Cục Quản lý, giám sát bảo hiểm (Bộ Tài chính) vừa có kết luận về việc thanh tra chuyên đề tại Tổng công ty cổ phần Bảo hiểm Hàng không (VNI - UPCoM: AIC) năm 2023.
Mất 600 ngày để bồi thường bảo hiểm
Theo đó, Đoàn thanh tra Cục Quản lý, giám sát bảo hiểm tiến hành thanh tra tại trụ sở chính VNI từ ngày 28/11/2024 - 20/12/2024. Kết quả thanh tra cho thấy, Tổng Công ty đã mắc loạt sai phạm liên quan đến thực hiện mẫu biểu báo cáo bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự của chủ xe cơ giới, tiếp nhận thông tin tai nạn qua đường dây nóng, thời hạn Giấy chứng nhận bảo hiểm, chưa thực hiện đúng quy định về việc thiết lập và duy trì đường dây nóng, thông tin trên hợp đồng bảo hiểm không đầy đủ theo quy định...
Theo báo cáo của VNI, năm 2023, doanh nghiệp đã giải quyết 2.017 hồ sơ bồi thường bảo hiểm bắt buộc TNDS của chủ xe cơ giới, với tổng số tiền chi trả là 108,5 tỷ đồng, trong đó chỉ có 66 hồ sơ liên quan đến xe máy, với số tiền bồi thường là 4,4 tỷ đồng, và 1.951 hồ sơ còn lại là của chủ xe ô tô với số tiền bồi thường lên đến 104,1 tỷ đồng.
Trong số 2.017 hồ sơ đã được giải quyết, có hơn 1.760 hồ sơ được thanh toán bồi thường trong vòng 15 ngày; 257 hồ sơ còn lại được thanh toán sau 15 ngày, trong đó có 94 hồ sơ có thời gian xử lý kéo dài trên 30 ngày.
Thời hạn bồi thường bảo hiểm của VNI theo kết quả thanh tra.
Kết quả thanh tra cho thấy khi chọn mẫu 5 hồ sơ theo báo cáo của VNI, thời gian thanh toán bồi thường là chưa đúng quy định. Có hồ sơ mất hơn 300 ngày để giải quyết, thậm chí có trường hợp kéo dài tới 544 ngày hoặc 607 ngày, trong khi thời hạn theo quy định chỉ là từ 15 đến 30 ngày.
Về việc tạm ứng bồi thường bảo hiểm, theo báo cáo của VNI, năm 2023, số lượng hồ sơ bồi thường bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự đã giải quyết liên quan đến sức khỏe, tính mạng của bên thứ 3 là 949 hồ sơ với tổng số tiền bồi thường là 83,2 tỷ đồng.
Trong đó, có 574 hồ sơ bồi thường đối với trường hợp tử vong (tổng số tiền là 65,05 tỷ đồng), 375 hồ sơ bồi thường cho các trường hợp điều trị cấp cứu, thương tật (tổng số tiền là 18,15 tỷ đồng).
Thanh tra chọn mẫu 10 hồ sơ tổng công ty đã thực hiện tạm ứng bồi thường cho thấy, thời gian từ ngày nhận được thông báo của bên mua bảo hiểm, người được bảo hiểm về vụ tai nạn đến ngày VNI thực hiện tạm ứng bồi thường đều vượt quá 3 ngày, không đúng quy định tại Nghị định số 03/2021/NĐ-CP.
Ngoài ra, thanh tra thấy tổng công ty chi trả bồi thường bảo hiểm bắt buộc TNDS của chủ xe cơ giới chưa đầy đủ, chính xác theo quy định pháp luật.
Cụ thể, tại hồ sơ bồi thường số BT652100021.BT liên quan đến thiệt hại tử vong về người, VNI chỉ bồi thường cho khách hàng 30 triệu đồng, không xác định theo quy định pháp luật về bồi thường thiệt hại tính mạng theo quy định pháp luật (150 triệu đồng), hoặc số tiền theo thỏa thuận giữa chủ xe và người bị thiệt hại (110 triệu đồng), do đó không đúng quy định.
Điều chỉnh trích lập dự phòng
Tại kết luận thanh tra, Đoàn thanh tra Cục Quản lý, giám sát bảo hiểm kiến nghị một số nội dung cụ thể. Theo đó, về xử lý hành chính, đoàn thanh tra đề nghị Cục Quản lý, Giám sát Bảo hiểm rà soát các hành vi vi phạm để xử lý theo quy định hiện hành. Bên cạnh đó, Cục Thuế chỉ đạo cơ quan thuế địa phương kiểm tra việc kê khai thuế, hướng dẫn và xử lý các khoản điều chỉnh liên quan đến doanh thu, chi phí.
Về xử lý tài chính, cơ quan thanh tra kiến nghị Bảo hiểm VNI giảm chi phí trích lập dự phòng nghiệp vụ khoảng 1,65 tỷ đồng (với các hồ sơ đã giải quyết bồi thường tuy nhiên vẫn trích lập dự phòng bồi thường; trích lập dự phòng bồi thường không tương ứng với số liệu về tổn thất).
Đồng thời, tăng chi phí trích lập dự phòng nghiệp vụ khoảng 4,27 tỷ đồng (với hợp đồng bảo hiểm chưa trích lập dự phòng phí chưa được hưởng; hồ sơ đã phát sinh thông báo hoặc đã yêu cầu đòi bồi thường trong năm 2023 nhưng chưa trích lập dự phòng bồi thường). Riêng với nghiệp vụ bảo hiểm sức khỏe, kiến nghị tăng chi phí trích lập lên gần 120 tỷ đồng.
Kết luận thanh tra kiến nghị VNI điều chỉnh trích lập dự phòng.
Ngoài ra, kết luận thanh tra kiến nghị Tổng Công ty tiến hành rà soát, chấn chỉnh, bảo đảm chấp hành đúng quy định pháp luật về bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự của chủ xe cơ giới.
Cụ thể rà soát, điều chỉnh nội dung báo cáo tình hình thực hiện bảo hiểm bắt buộc TNDS của chủ xe cơ giới theo đúng mẫu quy định; thực hiện tiếp nhận, hướng dẫn, giải đáp cho bên mua bảo hiểm người được bảo hiểm và các bên liên quan về các vấn đề liên quan tới bảo hiểm bắt buộc, thực hiện ghi âm các cuộc gọi đến đường dây nóng theo quy định pháp luật.
Chấp hành đúng quy định pháp luật về bảo hiểm cháy, nổ bắt buộc. Đồng thời, rà soát, chấn chỉnh công tác bồi thường bảo hiểm xe cơ giới.
"Tổng Giám đốc Tổng công ty cổ phần Bảo hiểm Hàng không có trách nhiệm tổ chức thực hiện nghiêm túc các kiến nghị nêu trên, khắc phục toàn bộ tồn tại được chỉ ra trong kết luận thanh tra và báo cáo kết quả thực hiện về Cục Quản lý, Giám sát Bảo hiểm (Bộ Tài chính) trước ngày 31/5/2025" - kết luận thanh tra nêu rõ.
Link nội dung: https://doanhnghiepcuocsong.vn/cong-ty-bao-hiem-quy-dinh-boi-thuong-xe-150-trieu-dong-nhung-chi-chi-tra-30-trieu-dong-a193956.html