Sáng 24/4, Công ty Cổ phần Tập đoàn Vingroup (HoSE: VIC) đã tổ chức đại hội đồng cổ đông thường niên 2025 tại Hà Nội.
Sau phần trình bày các tờ trình, hàng loạt câu hỏi xoay quanh chiến lược phát triển của tập đoàn, đặc biệt là các mảng kinh doanh chính như bất động sản, công nghiệp xe điện, du lịch nghỉ dưỡng và kế hoạch mở rộng sang hạ tầng – năng lượng đã được các cổ đông đặt ra cho Ban lãnh đạo.
Khi được cổ đông hỏi về triết lý đầu tư chứng khoán dài hạn và tiềm năng cổ phiếu VIC, lãnh đạo Vingroup khẳng định Tập đoàn gồm những con người mạnh mẽ, sáng tạo, kiên trì và nhiệt huyết như hiện nay chắc chắn sẽ đem về kết quả dài hạn.
"Nên chọn VIC hay chọn vàng thì chọn VIC là đúng. Giống như đi tàu thì phải có sóng gió, cứ vội vàng nhảy xuống biển thì khó mà bơi tiếp. Cổ đông trung thành dài hạn sẽ có được lợi ích mong muốn", Chủ tịch Phạm Nhật Vượng ví von.
Mọi hoạt động kinh doanh của Vinpearl đều đang lãi
Tại Đại hội, lãnh đạo Vingroup đã trình cổ đông thông qua kế hoạch kinh doanh năm 2025 với mục tiêu doanh thu thuần từ hoạt động sản xuất kinh doanh khoảng 300.000 tỷ đồng, tăng 56% so với thực hiện năm 2024 và lợi nhuận sau thuế thu nhập doanh nghiệp khoảng 10.000 tỷ đồng, tăng 90% so với năm liền kề trước đó.
Chia sẻ về mục tiêu doanh thu 300.000 tỷ đồng, Chủ tịch Vingroup Phạm Nhật Vượng bày tỏ đây là một mục tiêu không hề đơn giản, nhưng quyết tâm của Tập đoàn rất lớn.
"Chúng tôi không chỉ đặt mục tiêu đạt được mà còn sẽ cố gắng vượt qua kế hoạch. Cơ sở của sự tự tin này đến từ nhiều yếu tố như bất động sản hồi phục, bàn giao số lượng lớn xe VinFast trong năm tới...", ông Vượng nói.
Trả lời câu hỏi về cơ cấu doanh thu và kế hoạch niêm yết Vinpearl, bà Nguyễn Thị Thu Hiền – Kế toán trưởng Tập đoàn cho biết, năm 2025, công ty đề ra kế hoạch doanh thu hợp nhất của Vingroup đạt 300.000 tỷ đồng, trong đó phần lớn đến từ mảng bất động sản.
Với Vinpearl, quá trình niêm yết đã bước vào giai đoạn cuối, dự kiến sẽ hoàn tất trong tháng 5/2025. Hiện Vinpearl đang kinh doanh hiệu quả các mảng nghỉ dưỡng, khách sạn, khu vui chơi và sân golf.
Ông Phạm Nhật Vượng chia sẻ thêm: "Tháng 4 xong thủ tục, tháng 5 niêm yết. Các hoạt động kinh doanh của Vinpearl đều đang có lãi".
Toàn cảnh Đại hội đồng cổ đông thường niên 2025 của Vingroup.
Chia sẻ về định hướng mảng bất động sản năm 2025, Chủ tịch Phạm Nhật Vượng cho biết các dự án Tập đoàn nhắm đến đang quy hoạch đều có quy mô hàng nghìn ha và ở xa.
Dự án nhỏ Tập đoàn sẽ không làm, các vị trí trung tâm nhường cho những doanh nghiệp mới để có phần thuận lợi hơn còn Vingroup sẽ tiên phong xây dựng môi trường, đẳng cấp sống tốt hơn.
Trước câu hỏi về nguồn vốn cho các kế hoạch lớn, ông Phạm Nhật Vượng công bố Vingroup sẽ mở rộng sang hai trụ cột mới là hạ tầng và năng lượng xanh.
Ở lĩnh vực hạ tầng, tập đoàn đang đăng ký đầu tư tuyến đường sắt nối Phú Mỹ Hưng – Cần Giờ, và tuyến thứ hai từ Hà Nội – Quảng Ninh. Với năng lượng, Vingroup có kế hoạch phát triển tổng công suất 52,5 GW, trong đó có 25,5 GW năng lượng tái tạo và LNG.
Chủ tịch Vingroup cũng giải thích lý do phát triển điện xanh: "Thứ nhất, xe điện nếu sạc bằng điện nhiệt thì không xanh. Thứ hai, Việt Nam đang thiếu điện. Thứ ba, đây là lời kêu gọi từ các lãnh đạo cấp cao – doanh nghiệp lớn phải chung tay với đất nước".
Cơ cấu vốn cho hai lĩnh vực mới sẽ gồm 50% theo hình thức EPC, 35% từ ngân hàng và 15% vốn tự có.
Về việc sẽ dùng tiền của Vingroup hay tiền cá nhân để đầu tư, ông Vượng khẳng định: "Cái gì ngon thì tập đoàn đầu tư, cái gì xương thì tôi đầu tư!".
VinFast đã đạt điểm hoà vốn tại thị trường Việt Nam
Riêng với VinFast, ông Vượng cho biết, hãng đã đạt điểm hòa vốn tại thị trường Việt Nam và đang hướng tới mục tiêu chiếm khoảng 40% thị phần, năm 2025 công ty dự kiến bán khoảng 200.000 xe ra thị trường Việt Nam.
Mục tiêu định hướng của VinFast là "cắm cờ" tại các thị trường khó tính nhất như Mỹ, Canada, châu Âu, song sẽ đẩy mạnh doanh số ở các quốc gia đông dân đang phát triển như Indonesia, Ấn Độ, Philippines. Nhà máy tại Ấn Độ dự kiến vận hành từ 2026.
Khi được hỏi về khả năng cạnh tranh của VinFast, ông Vượng nhấn mạnh: "Xe VinFast có ba yếu tố cốt lõi: xe tốt, giá hợp lý và dịch vụ hậu mãi cực tốt".
Ông cho biết, nhiều đối thủ quốc tế như Tesla có thể mất vài tháng để thay linh kiện, nhưng VinFast sẽ sửa trong 8 tiếng – nếu quá thời gian này phải có báo cáo trực tiếp với Chủ tịch.
Chủ tịch Vingroup Phạm Nhật Vượng tại đại hội.
Cuối cùng, Chủ tịch Vingroup đã chia sẻ lý do Tập đoàn quyết định thoái vốn khỏi hai công ty công nghệ nhằm thu hút các "ông lớn" về công nghệ trên thế giới đến với Việt Nam thông qua việc chuyển nhượng.
"Khi bán VinAI và VinBigData, chúng tôi đặt điều kiện họ phải tiếp tục đầu tư mạnh ở Việt Nam, dùng người Việt. Về câu chuyện bán để có một vài trăm triệu USD không phải con số mà Vingroup quan tâm, chúng tôi bán để thúc đẩy nền tảng quốc gia. Vingroup tạo ra doanh nghiệp không phải để giữ, mà để phát triển", ông Vượng nói.
Chủ tịch Vingroup tiết lộ thêm, trong các điều kiện khi chuyển nhượng Vingroup đã ràng buộc đối tác phải đầu tư, mở rộng nghiên cứu và phát triển mạnh mẽ tại Việt Nam. Họ buộc phải lập trung tâm R&D ở Việt Nam và phải tuyển dụng, sử dụng người Việt.
Cùng với đó, lãnh đạo Vingroup cũng chia sẻ Tập đoàn đã lập quỹ mạo hiểm 150 triệu USD để đầu tư vào các công ty start-up công nghệ Việt nhằm tạo cơ hội cho người trẻ, Tập đoàn sẵn sàng đối mặt với việc được hoặc mất tất vào các khoản đầu tư này.
Link nội dung: https://doanhnghiepcuocsong.vn/chu-tich-vingroup-pham-nhat-vuong-nen-chon-vic-hay-chon-vang-thi-chon-vic-la-dung-a193913.html