Thụy Sĩ tham gia lệnh trừng phạt mới nhất của EU đối với Nga

Thụy Sĩ cho biết, họ đã thực hiện các bước để phù hợp với các lệnh trừng phạt mới nhất mà Liên minh châu Âu (EU) áp đặt lên Nga.

Thụy Sĩ sẽ tham gia cùng Liên minh châu Âu (EU) trong việc trừng phạt 8 cơ quan truyền thông nhà nước của Nga, Bộ Kinh tế Thụy Sĩ thông báo hôm 22/4.

Gói trừng phạt thứ 16 của EU, được thông qua vào đúng ngày kỷ niệm dấu mốc 3 năm xung đột Nga - Ukraine (24/2/2022 - 24/2/2025), không chỉ nhắm vào các ngân hàng Nga, nhôm nhập khẩu từ Nga và "hạm đội bóng tối" chuyên chở dầu Nga, mà còn đưa một số cơ quan truyền thông của Điện Kremlin vào "danh sách đen".

Theo tuyên bố do Bộ Kinh tế Thụy Sĩ ban hành vào ngày 22/4, quốc gia vùng Alps không phải thành viên EU và nổi tiếng với truyền thống trung lập lâu đời này đã thực hiện các bước để phù hợp với các lệnh trừng phạt mới nhất của khối này.

"8 tổ chức đã được thêm vào Phụ lục 25 và các mục hiện có liên quan đến 158 cá nhân và tổ chức trong Phụ lục 8 đã được cập nhật", tuyên bố của Bộ Kinh tế Thụy Sĩ viết.

Danh sách 8 cơ quan truyền thông của Nga bị EU trừng phạt bao gồm Eurasia Daily, Fondsk, Lenta, NewsFront, RuBaltic, SouthFront, Strategic Culture Foundation và Krasnaya Zvezda.

Thụy Sĩ tham gia lệnh trừng phạt mới nhất của EU đối với Nga- Ảnh 1.

Thụy Sĩ tham gia lệnh trừng phạt mới nhất của EU đối với Nga. Ảnh: USNews

Các lệnh trừng phạt của Thụy Sĩ đối với các cơ quan truyền thông kể trên có hiệu lực từ ngày 23/4. Theo đó, các công ty Thụy Sĩ hiện bị cấm giao dịch, quảng cáo với 8 đơn vị truyền thông này của Nga.

Đây không phải lần đầu tiên Bern áp đặt các lệnh trừng phạt đối với các cơ quan truyền thông Nga theo các hình phạt của EU. Việc tham gia cùng khối này trong các đòn trừng phạt Nga đã phá vỡ lập trường trung lập của nước này.

Mặc dù chính sách trung lập lâu đời vẫn ngăn cản Thụy Sĩ cung cấp viện trợ quân sự cho Kiev, nhưng quốc gia này đã cung cấp cho Ukraine hàng tỷ USD hỗ trợ kinh tế và nhân đạo.

Hồi tháng 2, chính phủ và quốc hội Thụy Sĩ đã quyết định về số tiền hỗ trợ tài chính cho công cuộc tái thiết ở Ukraine.

Những mục tiêu mà chính phủ Thụy Sĩ đang theo đuổi với viện trợ cho Ukraine từ nay đến năm 2028 bao gồm tái thiết cơ sở hạ tầng đô thị, khôi phục các dịch vụ cơ bản an toàn, và tiếp tục viện trợ khẩn cấp, thông qua một chương trình trị giá 1,5 tỷ Franc Thụy Sĩ (1,65 tỷ USD).

Thụy Sĩ cũng cho biết họ sẽ cân nhắc việc điều quân tham gia một phái bộ gìn giữ hòa bình tiềm năng ở Ukraine sau lệnh ngừng bắn.

Nếu có sự chấp thuận từ chính phủ ở Bern, Tổng tư lệnh các lực lượng vũ trang Thụy Sĩ Thomas Suessli cho biết ông có thể cung cấp 200 quân để tham gia vào một nhiệm vụ như vậy, Reuters đưa tin hồi tháng 2.

Minh Đức (Theo Kyiv Independent, SwissInfo)

Tham khảo thêm
Tham khảo thêm
Giá dầu Nga xuống thấp hơn trần giá G7, Điện Kremlin có cần lo lắng?Giá dầu Nga xuống thấp hơn trần giá G7, Điện Kremlin có cần lo lắng?
Tham khảo thêm
Hé lộ kế hoạch mới của Mỹ về nhà máy điện hạt nhân lớn nhất châu Âu ở Ukraine?Hé lộ kế hoạch mới của Mỹ về nhà máy điện hạt nhân lớn nhất châu Âu ở Ukraine?

Link nội dung: https://doanhnghiepcuocsong.vn/thuy-si-tham-gia-lenh-trung-phat-moi-nhat-cua-eu-doi-voi-nga-a193861.html