Từ khoản vay ngân hàng đến tranh chấp bảo hiểm
TAND TP.Đà Nẵng đã có phán quyết về tranh chấp hợp đồng bảo hiểm, tuyên y án sơ thẩm, bác kháng cáo của Công ty TNHH Bảo hiểm nhân thọ M, có trụ sở tại quận 3, TP.Hồ Chí Minh, buộc doanh nghiệp này phải chi trả hơn 1,24 tỷ đồng cho gia đình người được bảo hiểm đã tử vong vì ngạt nước.
Vụ việc bắt nguồn từ hợp đồng vay vốn giữa ông Ung Q., quận Hải Châu, con trai ông Ung Thanh H. và Ngân hàng TMCP Q.
Theo yêu cầu của ngân hàng, để được vay vốn, ông Q. phải mua bảo hiểm nhân thọ do Công ty TNHH Bảo hiểm nhân thọ M. cung cấp.
Ngày 24/12/2021, hợp đồng bảo hiểm có hiệu lực, chỉ vài tuần sau, ngày 20/1/2022, ông Q. được phát hiện tử vong do ngạt nước tại một bờ kè ở quận Thanh Khê, TP.Đà Nẵng.
Gia đình ông Q. đã gửi yêu cầu chi trả bảo hiểm trị giá 995 triệu đồng theo hợp đồng đã ký. Tuy nhiên, phía Công ty TNHH Bảo hiểm nhân thọ M. từ chối chi trả với lý do người được bảo hiểm khai báo không trung thực về tiền sử bệnh án khi kê khai hồ sơ bảo hiểm.
Tòa kết luận không đủ cơ sở để từ chối bồi thường
Quá trình xét xử, Tòa cấp sơ thẩm và phúc thẩm đều bác bỏ lập luận của công ty bảo hiểm. Trong các lần khám bệnh trước khi ký hợp đồng, ông Q. từng bị chẩn đoán "viêm xoang", "viêm nha chu", "tăng huyết áp", nhưng các thông tin này không thuộc nhóm bệnh lý bắt buộc phải khai báo theo mẫu đơn bảo hiểm.
Đặc biệt, theo Án lệ 22/2018/AL – xác định nếu mẫu đơn bảo hiểm không có mục hỏi rõ ràng về bệnh lý đã khám, thì không thể xem đó là hành vi cố tình khai báo không trung thực. Ngoài ra, cơ quan điều tra đã kết luận nguyên nhân tử vong của ông Q. là ngạt nước, không liên quan đến các bệnh lý kể trên.
Trụ sở TAND TP.Đà Nẵng.
Mặt khác, hợp đồng bảo hiểm là hợp đồng theo mẫu, người tham gia bảo hiểm chỉ việc ký vào hợp đồng do tư vấn viên hướng dẫn, những dấu tích đánh vào ô "Không" đều được đánh sẵn bằng máy, người tham gia bảo hiểm không có thời gian và điều kiện để được đọc lại tất cả các nội dung của hợp đồng.
Hơn nữa, tất cả các thông tin về sức khỏe của người được bảo hiểm quy định của bộ hợp đồng là rất rộng, trong một khoảng thời gian ngắn người tham gia bảo hiểm không thể đọc và hiểu hết tất cả các điều khoản mà công ty bảo hiểm đưa ra để người tham gia bảo hiểm lựa chọn "có" hoặc "không".
Đồng thời, ông Q. ký kết hợp đồng bảo hiểm là do đang có nhu cầu vay vốn tại ngân hàng. Khi vay vốn, người dân đồng thời được tư vấn mua bảo hiểm, nếu không mua bảo hiểm thì việc vay vốn sẽ gặp trở ngại.
Do đó, bên mua bảo hiểm chỉ việc ký vào hợp đồng mà không xem và đọc lại nội dung hợp đồng bảo hiểm đã có những nội dung như thế nào.
Như vậy, bên mua bảo hiểm trong trường hợp này là bên yếu thế cần được bảo vệ.
Từ những phân tích trên, Tòa tuyên buộc Công ty TNHH Bảo hiểm nhân thọ M. phải chi trả 995 triệu đồng tiền bảo hiểm, cùng hơn 250 triệu đồng tiền lãi phát sinh (tính từ ngày 24/3/2022 đến 27/9/2024) – tổng cộng hơn 1,24 tỷ đồng. Ngoài ra, Công ty còn phải chịu hơn 49 triệu đồng án phí dân sự sơ thẩm và 300.000 đồng án phí phúc thẩm.