ĐHĐCĐ Chứng khoán Đầu tư tài chính Việt Nam (VISC) lên kế hoạch huy động 700 tỷ đồng, mục tiêu lãi 2025 tăng 52%

CTCP Chứng khoán Đầu tư tài chính Việt Nam (VISC) vừa tổ chức ĐHĐCĐ thường niên, thông qua kế hoạch chào bán 70 triệu cổ phiếu để huy động 700 tỷ đồng, phục vụ chủ yếu cho hoạt động cho vay ký quỹ và tự doanh, đồng thời đặt mục tiêu lợi nhuận năm 2025 tăng trưởng 52%.

Tái khởi động kế hoạch tăng vốn, dồn lực cho margin và tự doanh

Một trong những nội dung quan trọng được ĐHĐCĐ VISC thông qua là phương án chào bán cổ phiếu riêng lẻ nhằm tăng vốn điều lệ. Kế hoạch này thực tế đã được đề xuất từ năm 2024 nhưng chưa triển khai do điều kiện thị trường không thuận lợi.

Theo phương án được thông qua, VISC dự kiến chào bán 70 triệu cổ phiếu với giá bằng mệnh giá 10.000 đồng/cổ phiếu. Thời gian thực hiện dự kiến trong quý III/2025.

Nếu phát hành thành công, VISC sẽ thu về 700 tỷ đồng. Số tiền này sẽ được dùng để bổ sung vốn cho hoạt động kinh doanh cốt lõi. Cụ thể, công ty dự kiến phân bổ từ 450 - 550 tỷ đồng cho hoạt động cho vay giao dịch ký quỹ (margin) và từ 150 - 250 tỷ đồng cho hoạt động đầu tư tự doanh chứng khoán. VISC cho biết, tỷ lệ phân bổ có thể điều chỉnh tùy thuộc vào điều kiện thị trường thực tế nhằm tối ưu hiệu quả và quản trị rủi ro.

Việc tăng vốn và tập trung vào cho vay margin, tự doanh là bước đi cần thiết trong bối cảnh VISC đang trong quá trình hoàn thiện các nghiệp vụ kinh doanh. Hiện công ty đang làm thủ tục đăng ký bổ sung nghiệp vụ bảo lãnh phát hành và cung cấp dịch vụ cho vay margin, ứng trước tiền bán. Ban lãnh đạo cho rằng việc thiếu các nghiệp vụ này là một phần nguyên nhân khiến doanh thu năm 2024 chưa tối ưu, dù công ty đã nỗ lực trong mảng môi giới, tư vấn và tự doanh.

Mục tiêu 2025 tăng trưởng mạnh, quyết tâm xóa lỗ lũy kế

Năm 2024, trong bối cảnh thị trường chung khó khăn và hạn chế về nghiệp vụ, VISC không hoàn thành các mục tiêu đề ra. Do vẫn còn lỗ lũy kế (ghi nhận 112,7 tỷ đồng tại thời điểm cuối năm 2024), công ty quyết định không phân phối lợi nhuận năm 2024. Mục tiêu trọng tâm trong năm 2025 là sử dụng lợi nhuận tạo ra và các nguồn thặng dư vốn (hiện có 14,6 tỷ đồng) để xóa hết khoản lỗ lũy kế này.

Dựa trên nhận định thị trường chứng khoán Việt Nam có triển vọng tích cực trong năm 2025, đặc biệt từ câu chuyện nâng hạng và các yếu tố vĩ mô hỗ trợ, VISC đã trình và được cổ đông thông qua kế hoạch kinh doanh tăng trưởng mạnh. Cụ thể, mục tiêu doanh thu hoạt động đạt 77,3 tỷ đồng, tăng 80% so với năm 2024. Đáng chú ý, doanh thu từ lãi cho vay và phải thu (chủ yếu từ margin) dự kiến đạt 27 tỷ đồng, một bước nhảy vọt so với mức chỉ 0,2 tỷ đồng của năm 2024. Tổng lợi nhuận trước thuế kế hoạch là 38,2 tỷ đồng, tăng trưởng 52%.

"Hệ sinh thái" đầu tư và những khoản nợ cũ

Báo cáo tài chính cuối năm 2024 cho thấy cơ cấu tài sản và nguồn vốn khá đặc thù của VISC. Công ty có nợ phải trả thấp (16,5 tỷ đồng) và không có nợ vay tài chính.

Trong danh mục tự doanh, VISC tập trung đầu tư vào cổ phiếu chưa niêm yết (68,8 tỷ đồng) và chỉ "all-in" vào một mã cổ phiếu niêm yết duy nhất là TIG của CTCP Tập đoàn đầu tư Thăng Long với giá trị sổ sách 26,2 tỷ đồng (giá trị hợp lý cuối năm 2024 là 42,4 tỷ đồng).

Ở danh mục đầu tư nắm giữ đến ngày đáo hạn (HTM), VISC nắm giữ 130 tỷ đồng trái phiếu của 3 doanh nghiệp: CTCP Phân phối HDE, CTCP Thương mại sản xuất và Đầu tư Hà Thành, CTCP Thương mại Xuất nhập khẩu Thủ đô. Đáng chú ý, cả 3 lô trái phiếu này đều đã được VISC (với tư cách trái chủ duy nhất) đồng ý cho gia hạn thêm 2 năm (đáo hạn mới vào năm 2027) và giảm lãi suất từ 12%/năm xuống còn 9%/năm cho giai đoạn gia hạn.

Điểm đáng lưu ý là các khoản đầu tư của VISC dường như tập trung vào nhóm doanh nghiệp có liên quan đến Chủ tịch HĐQT công ty, ông Nguyễn Phúc Long. Ông Long hiện đồng thời là Chủ tịch HĐQT của Tập đoàn Đầu tư Thăng Long (TIG) - mã cổ phiếu duy nhất VISC đầu tư trên sàn. Mặt khác, báo cáo tài chính của TIG cũng ghi nhận khoản phải trả dài hạn cho chính 3 công ty phát hành trái phiếu mà VISC đang nắm giữ, với tổng giá trị đúng bằng 130 tỷ đồng.

Bên cạnh kế hoạch kinh doanh và đầu tư, ĐHĐCĐ VISC cũng thông qua việc gia hạn thời gian để công ty hoàn thiện hồ sơ, tài liệu liên quan đến một khoản mua bán nợ với CTCP Đầu tư Tài chính Kim Lân đến hết quý IV/2025. Đồng thời, đại hội xác nhận trách nhiệm xử lý các khoản nợ xấu phát sinh trong giai đoạn 2013-2021 thuộc về ban điều hành cũ, cụ thể là ông Nguyễn Xuân Biểu (Chủ tịch HĐQT, Tổng giám đốc giai đoạn này).

Link nội dung: https://doanhnghiepcuocsong.vn/dhdcd-chung-khoan-dau-tu-tai-chinh-viet-nam-visc-len-ke-hoach-huy-dong-700-ty-dong-muc-tieu-lai-2025-tang-52-a193566.html