Du lịch xanh đang trở thành xu hướng mới, giúp du khách khám phá vẻ đẹp thiên nhiên Việt Nam một cách bền vững, gắn kết sâu sắc với văn hóa bản địa - Ảnh: VGP/ Văn Hiền
Không thể "xanh" một mình-Xanh là hành trình của tất cả
Giữa những câu chuyện chuyển đổi số, du lịch thông minh hay phục hồi sau đại dịch, một cụm từ đang dần trở thành kim chỉ nam cho ngành công nghiệp không khói: Du lịch xanh. Và nếu ai từng có dịp trò chuyện với TS Phạm Hà, nhà sáng lập kiêm CEO của Lux Travel DMC (thành viên LuxGroup) hẳn sẽ cảm nhận rõ ngọn lửa quyết liệt, đầy trăn trở về một Việt Nam xanh bền vững và có thể cạnh tranh sòng phẳng với thế giới.
"Chúng ta không thể 'xanh' một mình. Và chắc chắn cũng không thể bền vững một mình", TS Phạm Hà chia sẻ. Với ông, du lịch xanh không phải là một trào lưu, mà là con đường duy nhất để Việt Nam phát triển.
Trong bối cảnh xu thế toàn cầu đòi hỏi những điểm đến phải thân thiện hơn với môi trường, văn hóa và cộng đồng địa phương, ông Phạm Hà cho rằng: "Đã đến lúc các địa phương cần có tiêu chí xanh rõ ràng, cụ thể và có thể đo lường được".
Theo ông, một điểm đến xanh phải được định hình trên ba trụ cột ESG – tức là môi trường, xã hội và quản trị. Xanh không thể chỉ là khẩu hiệu mà cần kiểm toán, xác nhận và có hệ thống tiêu chuẩn đánh giá.
Lấy ví dụ từ Hội An, Quảng Nam hay Ninh Bình…những địa phương đang làm rất tốt mô hình du lịch bền vững ông Hà cho rằng, Việt Nam hoàn toàn có thể nhân rộng, thậm chí tiến xa hơn nếu có chiến lược và tư duy hệ thống.
"Du lịch phải là ngành kinh tế thực thụ. Và nếu đã là ngành kinh tế, thì nó cần thể chế, chính sách, nhân lực chất lượng, sản phẩm đặc trưng và chiến lược xúc tiến hiệu quả. Chúng ta còn một chặng đường rất dài để phát triển du lịch một cách bền vững và hiệu quả. Muốn đạt được tốc độ tăng trưởng 2 con số, du lịch buộc phải được đặt trong chiến lược phát triển kinh tế bao trùm. Đây là ngành kinh tế tổng hợp, liên ngành – nên ngành du lịch không thể tự mình làm được. Rất cần sự phối hợp chặt chẽ giữa các bộ, ban, ngành và đặc biệt, phải coi du lịch là một ngành kinh tế đúng nghĩa. Chỉ khi có tư duy đó, chúng ta mới có thể xây dựng được chiến lược phát triển bài bản, cả ngắn hạn, trung hạn và dài hạn", ông Hà nhấn mạnh.
Từ góc nhìn doanh nghiệp, ông Phạm Hà đặc biệt nhấn mạnh đến yếu tố quản lý điểm đến. Theo ông, việc nhiều địa phương kỳ vọng tăng trưởng khách du lịch một cách ào ạt mà thiếu quy hoạch và kiểm soát là con dao hai lưỡi. Điểm đến nào cũng muốn khách đến thật đông. Nhưng nếu khách đến đông mà dân không vui, môi trường quá tải, bản sắc phai mờ thì chẳng ai còn muốn quay lại nữa.
"Chúng tôi làm du lịch không rác thải nhựa. Nhưng nếu tàu du lịch trôi trên dòng sông đầy rác, thì trải nghiệm đó cũng bị phá vỡ. Xanh là hành trình của tất cả – từ hướng dẫn viên, lữ hành, đến người dân, nhà hàng, khách sạn, quản lý điểm đến – tất cả cùng xanh", ông Hà thẳng thắn chia sẻ.
Ông cũng thẳng thắn nhìn nhận những "điểm nghẽn" trong phát triển du lịch Việt Nam: từ thiếu cơ chế thị thực linh hoạt, chậm số hóa, đến việc chưa định danh được rõ ràng nhóm khách tiềm năng: họ là ai, thích gì, sẵn sàng chi trả bao nhiêu, điều gì khiến họ yêu – hoặc rời bỏ – Việt Nam?
Chúng ta không thể cứ đông khách mà không có doanh thu thực. Rất nhiều khách đến, nhưng GDP không thẩm thấu. Đông không đồng nghĩa với mạnh. Khách lưu trú lâu, chi tiêu cao, có trải nghiệm sâu mới là chìa khóa để đạt tăng trưởng bền vững.
Ông Phạm Hà tin rằng nếu Việt Nam nghiêm túc theo đuổi chiến lược phát triển du lịch xanh toàn diện, từ tư duy đến hành động, từ chính sách đến kiểm định thực chất, thì không chỉ có vài điểm đến "xanh mẫu mực" mà toàn bộ bản đồ du lịch Việt Nam có thể trở thành một "siêu cường xanh" trong khu vực.
Kết nối, chia sẻ và lan tỏa mô hình du lịch xanh thành công
Trong bối cảnh toàn cầu chịu ảnh hưởng nặng nề bởi biến đổi khí hậu, du lịch ngành kinh tế mũi nhọn, đồng thời cũng là ngành dễ bị tổn thương buộc phải thay đổi. Không thể đứng ngoài làn sóng chuyển đổi xanh, doanh nghiệp du lịch Việt Nam cần một lộ trình rõ ràng, một hệ giá trị mới và trên hết, là hành động cụ thể, thực chất.
"Chuyển đổi xanh không còn là xu hướng, mà là điều kiện tất yếu nếu chúng ta muốn phát triển du lịch bền vững", ông Phùng Quang Thắng, Chủ tịch Liên chi hội Du lịch xanh Việt Nam khẳng định.
Theo ông Thắng, trong hàng vạn doanh nghiệp đang hoạt động, liệu có bao nhiêu đơn vị đã thực sự bước vào hành trình xanh hóa mô hình? Bao nhiêu phần trăm trong số đó có định hướng cụ thể, chiến lược rõ ràng, và cam kết từ người đứng đầu?
"Một hành động nhỏ, như việc lãnh đạo doanh nghiệp đưa ra một chủ trương cụ thể về chuyển đổi xanh, đã là một bước đi quan trọng", ông Thắng chia sẻ.
Du lịch xanh không phải trào lưu, mà là con đường tất yếu để phát triển bền vững - Ảnh: VGP/ Văn Hiền
Bởi khi chưa có sự chỉ đạo rõ ràng, sẽ rất khó để tạo ra sự lan tỏa trong nội bộ doanh nghiệp, chứ chưa nói đến việc thực thi hiệu quả. Từ đây, Liên chi hội Du lịch xanh Việt Nam đã xây dựng và triển khai bộ tiêu chí du lịch xanh, đóng vai trò như một hệ thống "la bàn" giúp doanh nghiệp định hình lộ trình chuyển đổi.
Chủ tịch Liên chi hội Du lịch xanh Việt Nam lý giải: "Tiêu chuẩn thì thiên về tính pháp lý và hoàn chỉnh, còn tiêu chí mang tính định hướng và linh hoạt – phù hợp hơn với từng quy mô, đặc thù của mỗi doanh nghiệp".
Mỗi doanh nghiệp có thể bắt đầu bằng những việc nhỏ, dễ thực hiện. Điều quan trọng là kiên trì, bền bỉ và có kế hoạch cụ thể. Ông Thắng chỉ rõ, chính sự linh hoạt của bộ tiêu chí sẽ giúp doanh nghiệp tự rà soát, đánh giá và điều chỉnh, từng bước hiện thực hóa mô hình du lịch xanh một cách thiết thực, không lý thuyết.
Đồng quan điểm với TS Phạm Hà, ông Thắng cũng cho rằng: "Không ai có thể đi một mình trên hành trình xanh". Du lịch xanh là nỗ lực tổng hòa, đòi hỏi sự vào cuộc của cả hệ sinh thái: từ Nhà nước, doanh nghiệp, cộng đồng đến du khách.
Đó cũng chính là lý do ra đời của Liên chi hội Du lịch xanh Việt Nam - một tổ chức giữ vai trò kết nối các đơn vị, chia sẻ mô hình điển hình, hỗ trợ tư vấn và xây dựng mạng lưới hành động. Nhiều doanh nghiệp tiên phong đã triển khai thành công mô hình du lịch xanh, nhưng nếu thiếu cầu nối, thiếu truyền thông, thì những kinh nghiệm quý giá ấy sẽ khó lan rộng trong cộng đồng doanh nghiệp.
Bởi lẽ, không phải doanh nghiệp nào cũng chủ động tìm hiểu hay có điều kiện tiếp cận thông tin. Vai trò của Liên chi hội là tạo ra không gian chia sẻ và hỗ trợ, để những gì đã làm tốt ở nơi này có thể được áp dụng tại nơi khác, một cách phù hợp và hiệu quả.
Một yếu tố sống còn khác, theo ông Thắng là nhân lực: "Chúng ta cần một đội ngũ lao động có tư duy xanh, kỹ năng xanh và hành động xanh. Liên chi hội đang từng bước xây dựng chương trình đào tạo "thiết kế riêng" cho từng nhóm doanh nghiệp có thể tổ chức tập trung theo khu vực hoặc triển khai đào tạo theo yêu cầu cụ thể. Chuyển đổi xanh mà không có nhân lực phù hợp thì cũng chỉ là khẩu hiệu."
Bên cạnh nhân lực, công nghệ đặc biệt là công nghệ số và trí tuệ nhân tạo (AI) đang trở thành công cụ đắc lực giúp doanh nghiệp rút ngắn khoảng cách, tăng tốc độ và tối ưu hiệu quả chuyển đổi. AI có thể hỗ trợ doanh nghiệp kiểm toán hoạt động xanh, phân tích dữ liệu để đánh giá mức độ chuyển đổi, thậm chí đưa ra những đề xuất cải tiến cụ thể. Không chỉ là máy móc thiết bị xanh, mà quan trọng hơn là chuyển đổi quy trình làm việc theo hướng xanh từ khâu vận hành, quản trị đến tương tác với khách hàng. Đó mới là bản chất sâu sắc của chuyển đổi.
Ông Thắng mong muốn, bên cạnh nỗ lực từ doanh nghiệp, rất cần một hệ sinh thái chính sách đồng bộ và hỗ trợ đặc biệt trong giai đoạn đầu. Các mô hình chuyển đổi thành công cần được Nhà nước hỗ trợ để nhân rộng, từ đó hình thành những "hạt nhân lan tỏa" cho cộng đồng doanh nghiệp. Đồng thời, truyền thông cần vào cuộc mạnh mẽ hơn nữa. Không chỉ nâng cao nhận thức bằng các khẩu hiệu hay lý thuyết, mà cần truyền cảm hứng bằng những câu chuyện, hình ảnh sống động, những mô hình cụ thể mà người dân, du khách và doanh nghiệp có thể học hỏi và áp dụng.
Một trong những vấn đề cốt lõi khác mà ông Thắng nhấn mạnh là phải đưa tiêu chí xanh ngay từ giai đoạn thành lập doanh nghiệp hoặc thiết kế công trình. Nếu làm ngay từ đầu, hiệu quả sẽ cao hơn rất nhiều. Còn nếu đợi đến khi đã vận hành rồi mới điều chỉnh, thì chi phí sẽ lớn và rất khó khăn, nhất là với các doanh nghiệp nhỏ.
Cuối cùng, giáo dục và đào tạo nguồn nhân lực cho ngành du lịch cũng cần đổi mới. Tiêu chí xanh nên được tích hợp ngay từ các chương trình đào tạo tại trường lớp. Khi tư duy xanh đã thành nền tảng, thì hành động xanh sẽ không còn xa vời.
Chuyển đổi xanh không chỉ là xu hướng, mà là lẽ sống của một ngành du lịch muốn bền vững. Và muốn bền vững, chúng ta không thể đi một mình. Như ông Phùng Quang Thắng khẳng định: "Khi mọi doanh nghiệp đều biết mình cần làm gì, khi có lộ trình rõ ràng và sự hỗ trợ hiệu quả du lịch Việt Nam hoàn toàn có thể chạm đến một tương lai xanh, sạch và thịnh vượng".
Tuy nhiên, theo ông Vũ Quốc Trí, Tổng Thư ký Hiệp hội Du lịch Việt Nam, hành trình chuyển đổi xanh của các doanh nghiệp du lịch hiện nay không hề bằng phẳng. Chia sẻ với phóng viên, ông chỉ rõ ba rào cản lớn đang cản trở bước tiến của nhiều doanh nghiệp dù họ đã sẵn sàng thay đổi.
Rào cản đầu tiên, theo ông Trí, đến từ vấn đề tài chính. Hầu hết doanh nghiệp đều đã nhận thức rõ vai trò sống còn của chuyển đổi xanh và nhiều nơi đã chủ động ứng dụng công nghệ số để tối ưu hóa vận hành. Thế nhưng, tiếp cận được nguồn lực tài chính phù hợp để đầu tư cho các giải pháp xanh lại là bài toán khó." Từ thay thế vật liệu, đổi mới công nghệ đến đào tạo nhân lực… mọi chuyển động đều cần vốn và với các doanh nghiệp nhỏ, đây là gánh nặng không dễ vượt qua.
Thứ hai, các doanh nghiệp còn thiếu nền tảng kiến thức kỹ thuật để thực hiện chuyển đổi. Không ít doanh nghiệp muốn hành động, nhưng lại lúng túng trong việc xác định đâu là vật liệu thay thế phù hợp, quy trình chuyển đổi ra sao, hay nên hợp tác với nhà cung cấp nào để đảm bảo hiệu quả và bền vững. Sự thiếu vắng các hướng dẫn kỹ thuật cụ thể, cũng như các đầu mối tư vấn tin cậy, đang khiến nhiều doanh nghiệp dù có ý chí cũng khó triển khai được hành động thực tế.
Rào cản thứ ba, mang tính hệ thống hơn, là những bất cập trong chính sách và cơ chế quản lý. Ông Vũ Quốc Trí thẳng thắn chỉ rõ: "Chính sách hiện nay chưa đủ hiệu quả để thúc đẩy chuyển đổi xanh. Bên cạnh đó, sự thiếu minh bạch và công bằng trong quản lý điểm đến chẳng hạn như việc ưu ái hay bỏ qua một số nhóm lợi ích đang làm giảm động lực đầu tư của doanh nghiệp vào du lịch bền vững".
Từ những chia sẻ của doanh nghiệp và nhà quản lý, chúng ta phải nhìn du lịch không chỉ là ngành kinh tế mà còn là ngành góp phần định hình hình ảnh quốc gia. Phát triển xanh không chỉ dành riêng cho ngành du lịch, đó là thông điệp sống của một đất nước hiện đại nơi mọi quyết định phát triển đều có trách nhiệm với tương lai.
Văn Hiền
Link nội dung: https://doanhnghiepcuocsong.vn/du-lich-xanh-huong-di-tat-yeu-de-phat-trien-ben-vung-a193550.html