Bà Tara O’Connell-Trưởng Chương trình Giáo dục của UNICEF Việt Nam.
Nhân dịp Ngày Người khuyết tật Việt Nam 18/4, bà Tara O’Connell, Trưởng Chương trình Giáo dục của UNICEF Việt Nam chia sẻ về hành trình đã qua và những bước đi tiếp theo trong nỗ lực bảo đảm không trẻ em nào bị bỏ lại phía sau trong một xã hội số đang phát triển với tốc độ nhanh chóng.
Xin bà cho biết tổng quan về tình hình tiếp cận kỹ thuật số hiện nay đối với trẻ em khuyết tật tại Việt Nam?
Bà Tara O'Connell: Theo Điều tra về Người khuyết tật Việt Nam năm 2023, khoảng 556.000 trẻ em đang sống với khuyết tật. Những trẻ em này đối mặt với những thách thức đáng kể trong việc tiếp cận giáo dục chất lượng, chỉ có 68% theo học tiểu học và giảm mạnh xuống chỉ còn 30% ở cấp trung học phổ thông.
Cuộc cách mạng số mang đến cả những thách thức và cơ hội chưa từng có cho những trẻ em này. Báo cáo "Chuyển hướng tới hòa nhập" của Ngân hàng Thế giới nhấn mạnh khoảng cách số có thể làm trầm trọng thêm khoảng cách học tập cho học sinh khuyết tật, đặc biệt khi các giải pháp kỹ thuật số thiếu các tính năng tiếp cận, ví dụ như chỉ có 33% người khuyết tật ở Việt Nam có quyền truy cập Internet, so với 83% người không khuyết tật.
Tuy nhiên, khi được triển khai một cách thấu đáo, công nghệ số mang đến những cơ hội đột phá. Tóm tắt chính sách "Công nghệ số, quyền trẻ em và phúc lợi" của UNICEF nhấn mạnh công nghệ có thể là công cụ bình đẳng hóa mạnh mẽ cho tất cả trẻ em, đặc biệt là các nhóm thiệt thòi, nếu việc tiếp cận được an toàn và phù hợp. Công nghệ hỗ trợ có thể tạo nên sự khác biệt giữa việc tham gia và bị loại trừ, cải thiện tỉ lệ tốt nghiệp, sự tự tin và niềm lạc quan đối với người học khuyết tật.
UNICEF sẽ giúp Việt Nam giải quyết những thách thức này như thế nào, thưa bà?
Bà Tara O'Connell: UNICEF Việt Nam đang dẫn đầu trong việc thúc đẩy giáo dục hòa nhập thông qua sáng kiến hàng hóa công cộng kỹ thuật số. Bằng cách tận dụng công nghệ số và nội dung đổi mới, chúng tôi hướng tới đảm bảo rằng trẻ em và vị thành niên, đặc biệt là những trẻ em thiệt thòi, được tiếp cận với các nguồn tài nguyên giáo dục chất lượng cao.
Hai dự án chính trong sáng kiến này bao gồm "Thư viện số mở cho trẻ em Việt Nam" và "Các module trò chơi thực tế ảo hỗ trợ trẻ em tăng động giảm chú ý (ADHD) tại Việt Nam". Những nỗ lực này hướng tới những người học thiệt thòi nhất, phản ánh cam kết của chúng tôi trong việc số hóa giáo dục một cách hòa nhập và bền vững, tạo ra một môi trường nơi mọi trẻ em có thể phát triển và phát huy hết tiềm năng của mình.
Thư viện số toàn cầu (GDL), một nền tảng miễn phí, truy cập mở, cung cấp khoảng 6.000 cuốn sách bằng 82 ngôn ngữ. Phối hợp với các đối tác chính phủ, UNICEF và GDL đã bản địa hóa và điều chỉnh thư viện để cung cấp quyền truy cập và tài nguyên kỹ thuật số chất lượng cao bằng tiếng Việt, tám ngôn ngữ dân tộc thiểu số, ngôn ngữ ký hiệu.
Sáng kiến này đóng vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy sử dụng ngôn ngữ mẹ đẻ và hỗ trợ phát triển đọc viết cho trẻ em có nền tảng đa dạng. Thêm vào đó, một ứng dụng đọc sách cũng đã được phát triển để cải thiện khả năng tiếp cận, đặc biệt cho trẻ em khiếm thị và khiếm thính. Thông qua sáng kiến GDL, chúng tôi trang bị cho giáo viên khả năng sử dụng tài nguyên số và áp dụng trong giảng dạy hằng ngày. Đã có 5.000 học sinh, bao gồm cả những em khuyết tật, được hưởng lợi từ những tài nguyên này.
UNICEF hợp tác với Trung tâm Giáo dục đặc biệt quốc gia và VRapeutic phát triển và điều chỉnh các module VR mã nguồn mở và một ứng dụng máy tính hỗ trợ. Những trò chơi trị liệu này nhằm cải thiện ba dạng kỹ năng chú ý - khả năng duy trì tập trung trong thời gian dài, khả năng tập trung vào điều quan trọng trong khi bỏ qua yếu tố gây nhiễu và khả năng linh hoạt chuyển đổi sự chú ý giữa các nhiệm vụ khác nhau.
Các trò chơi được thiết kế đặc biệt cho trẻ em từ 6 đến 12 tuổi mắc ADHD. Thông qua hợp tác với các các tổ chức giáo dục, các nhà trị liệu được đào tạo tại Việt Nam, UNICEF bảo đảm công cụ này phù hợp về mặt văn hóa và hiệu quả. Sáng kiến này trao quyền cho các nhà trị liệu với kế hoạch trị liệu dựa trên dữ liệu và khả năng theo dõi tiến trình học tập của trẻ.
Ngoài các sáng kiến hàng hóa công cộng kỹ thuật số, UNICEF Việt Nam cam kết nâng cao khả năng tiếp cận và tính hòa nhập kỹ thuật số thông qua nhiều dự án đổi mới khác.
Xin bà cho biết công nghệ hỗ trợ đóng góp như thế nào vào sự độc lập và kết nối xã hội của trẻ em khuyết tật?
Bà Tara O'Connell: Những công nghệ này có tác động vượt xa thành tích học tập. Chúng đang tạo ra những con đường dẫn đến sự độc lập, kết nối xã hội và cơ hội việc làm trong tương lai. Việc tạo điều kiện cho trẻ em khuyết tật tiếp cận với nguồn thông tin và cùng tham gia trải nghiệm học tập như các bạn đồng trang lứa giúp phá bỏ những rào cản phi tự nhiên đã hạn chế tiềm năng của các em suốt thời gian qua.
Tuy nhiên, vẫn còn những thách thức đáng kể trong việc làm cho những công nghệ này được phổ biến rộng rãi. Theo Báo cáo Toàn cầu về công nghệ hỗ trợ của WHO và UNICEF (2022), trong khi hơn 2,5 tỷ người trên toàn thế giới cần ít nhất một sản phẩm hỗ trợ, gần 1 tỷ người trong số họ không thể tiếp cận những công nghệ này. Ở các quốc gia có thu nhập thấp và trung bình, tỉ lệ đáp ứng nhu cầu sản phẩm hỗ trợ chỉ khoảng 3%, nhấn mạnh khoảng cách đáng kể giữa người khuyết tật và người không khuyết tật.
Xin bà đưa ra những khuyến nghị của UNICEF để đảm bảo tính hòa nhập của chuyển đổi số tại Việt Nam?
Bà Tara O'Connell: Trong lộ trình phát triển nền kinh tế số của Việt Nam, chúng ta cần bảo đảm quá trình chuyển đổi số phải mang tính hòa nhập ngay từ những bước đầu tiên. Để làm được điều này, cần có hành động đồng bộ trên nhiều mặt.
Trước hết, chúng ta cần nâng cao năng lực số cho tất cả các bên liên quan, đặc biệt là việc đào tạo cho đội ngũ giáo viên về các công nghệ mới thông qua những chương trình học linh hoạt, có tính đến yếu tố giới. Cần điều chỉnh các quy định về bản quyền để tạo điều kiện sản xuất tài liệu học tập dễ tiếp cận hơn cho trẻ khuyết tật. Đồng thời, các chính sách giáo dục hòa nhập cần quy định rõ về việc sử dụng các định dạng và công nghệ hỗ trợ phù hợp trong trường học.
Bên cạnh đó, việc khuyến khích học sinh dân tộc thiểu số, học sinh khuyết tật và giáo viên cùng tham gia thiết kế nội dung học tập số sẽ giúp bảo đảm sự phù hợp về văn hóa và tạo ra kết quả học tập công bằng cho mọi đối tượng. Quan trọng không kém là đầu tư vào hạ tầng kỹ thuật số và ưu tiên khả năng tiếp cận cho tất cả trẻ em, không phân biệt khả năng hay vị trí địa lý.
Theo bà, làm thế nào để bảo đảm cuộc cách mạng số không bỏ lại trẻ em nào phía sau tại Việt Nam?
Bà Tara O'Connell: Ngày nay, công nghệ không còn là rào cản - chúng đã hiện hữu và sẵn sàng. Điều còn thiếu chính là quyết tâm chung để đưa những công nghệ này đến với mọi ngóc ngách của hệ thống giáo dục Việt Nam một cách công bằng và không phân biệt. Khi chung tay hành động, chúng ta có thể biến công nghệ số thành chiếc cầu nối cho mỗi trẻ em Việt Nam - dù ở bất kỳ hoàn cảnh nào - với thế giới cơ hội vô tận, trao cho các em hành trang vững vàng bước vào kỷ nguyên công nghiệp 4.0.
Tôi cũng xin ghi nhận và đánh giá cao quyết định gần đây của Việt Nam về việc miễn học phí cho học sinh tại các trường công lập. Đây là một bước tiến quan trọng trong việc thúc đẩy sự hòa nhập và cơ hội bình đẳng cho tất cả trẻ em. UNICEF cam kết tiếp tục đồng hành và hỗ trợ Chính phủ nhằm bảo đảm mọi trẻ em-bao gồm cả trẻ em khuyết tật đều nhận được sự hỗ trợ cần thiết để có thể tham gia đầy đủ và hưởng lợi trọn vẹn từ một nền giáo dục chất lượng.
Trân trọng cảm ơn bà./.
Thùy Dung
Link nội dung: https://doanhnghiepcuocsong.vn/cong-nghe-ky-thuat-so-mo-ra-nhieu-co-hoi-cho-tre-em-khuyet-tat-tai-viet-nam-a193344.html