Đề xuất kéo dài tuổi hưu đến 70: Níu kéo người tài cống hiến hay nên nhường chỗ cho lớp trẻ?

Nhiều người dù đến tuổi nghỉ hưu nhưng vẫn minh mẫn, dồi dào năng lực, nếu tiếp tục cống hiến sẽ mang lại giá trị lớn. Tuy nhiên, việc kéo dài tuổi nghỉ hưu cũng cần dựa trên các yếu tố như năng lực thực tiễn, sức khỏe và tính tự nguyện.

Bộ Nội vụ đã hoàn thiện và gửi xin ý kiến về dự thảo Tờ trình, dự thảo Luật Cán bộ, công chức (sửa đổi). Dự thảo Luật dự kiến trình Quốc hội tại kỳ họp thứ 9 tới đây.

Tại dự thảo Luật này, Bộ Nội vụ đề xuất Việt Nam nên tham khảo kinh nghiệm của các quốc gia trong việc quy định về nghỉ hưu trước tuổi và đối với một số lĩnh vực yêu cầu kỹ thuật cao, chuyên gia, cố vấn có thể kéo dài tuổi nghỉ hưu đến 70 tuổi.

Cần có những quy định "mềm"

Liên quan đến vấn đề tuổi hưu, trao đổi với Người Đưa Tin, ông Nguyễn Tiến Dĩnh – Nguyên Thứ trưởng Bộ Nội vụ cho biết, trước đây đã từng có tiền lệ quy định kéo dài thời gian làm việc đối với một số nhóm đặc thù như nhà giáo, nhà khoa học. Cụ thể, tại các viện, trường: giáo sư được kéo dài không quá 10 năm, phó giáo sư không quá 7 năm, và tiến sĩ không quá 5 năm. Sau này, quy định này được điều chỉnh lại, thống nhất chung là không quá 5 năm.

Bộ Luật Lao động cũng đã có điều quy định một số vị trí như nhà khoa học hay là nhà quản lý cần thiết có thể kéo dài tuổi nghỉ hưu. Theo đó, Bộ luật Lao động 2019, tuổi nghỉ hưu của người lao động trong điều kiện lao động bình thường được điều chỉnh theo lộ trình cho đến khi đủ 62 tuổi đối với lao động nam vào năm 2028 và đủ 60 tuổi đối với lao động nữ vào năm 2035.

Đề xuất kéo dài tuổi hưu đến 70: Níu kéo người tài cống hiến hay nên nhường chỗ cho lớp trẻ?- Ảnh 1.

Ông Nguyễn Tiến Dĩnh - nguyên Thứ trưởng Bộ Nội vụ.

Người lao động có trình độ chuyên môn, kỹ thuật cao và một số trường hợp đặc biệt có thể nghỉ hưu ở tuổi cao hơn nhưng không quá 5 tuổi so với quy định tại Bộ luật Lao động 2019 tại thời điểm nghỉ hưu, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác.

"Việc Bộ Nội vụ tiếp tục đề xuất trong Luật cán bộ, công chức (sửa đổi) tôi cho là phù hợp", ông Dĩnh nói.

Ông cho rằng điều này nhằm tận dụng những tri thức của những người cán bộ, lãnh đạo, quản lý, các nhà khoa học trong bối cảnh hiện nay chúng ta đang thu hút và trọng dụng nhân tài. Việc giữ lại những người có trình độ, năng lực thực sự, đặc biệt là các nhà khoa học, cán bộ lãnh đạo, quản lý giàu kinh nghiệm là điều cần thiết.

Ông cũng lưu ý, trong thực tế, có người dù đến tuổi nghỉ hưu nhưng vẫn minh mẫn, dồi dào năng lực, nếu tiếp tục cống hiến sẽ mang lại giá trị lớn. Tuy nhiên, việc kéo dài tuổi nghỉ hưu cũng cần dựa trên các yếu tố như năng lực thực tiễn, sức khỏe và tính tự nguyện.

"Trước đây, khi kéo dài tuổi hưu, các cơ quan sử dụng lao động phải xem xét cụ thể, có nhu cầu thực sự và đánh giá được vai trò, đóng góp của người lao động. Trong trường hợp sức khỏe yếu hoặc người lao động có nguyện vọng nghỉ hưu sớm thì vẫn phải được giải quyết phù hợp", ông Dĩnh cho hay.

Do đó, ông Dĩnh cho rằng có thể cân nhắc quy định tuổi nghỉ hưu tối đa không quá 70 tuổi. Tuy nhiên, nếu từ tuổi 65–67 mà người lao động không còn đủ sức khỏe thì cần có chính sách cho nghỉ hưu phù hợp.

Ông Dĩnh cũng chia sẻ thêm, có những người ở độ tuổi cao, thậm chí trên 80, vẫn tiếp tục làm việc, đóng góp hiệu quả trong lĩnh vực chuyên môn. Trong bối cảnh tuổi thọ trung bình của người Việt ngày càng tăng, việc tiếp tục sử dụng chất xám của những người có trình độ, năng lực là cần thiết. Nhưng cần có quy định "mềm", linh hoạt, vừa khuyến khích, vừa đảm bảo quyền lợi.

Ông Dĩnh cho rằng, việc đưa quy định này vào Luật Cán bộ, công chức (sửa đổi) là cần thiết, còn các điều kiện chi tiết nên để Chính phủ quy định cụ thể. Đồng thời, phải tính toán kỹ chính sách và chế độ cho người làm việc đến 70 tuổi để đảm bảo tính khả thi và công bằng.

Sức khỏe hạn chế, nhường cơ hội cho lớp trẻ

BS.Trương Hữu Khanh – Phó Chủ tịch Liên Chi Hội Truyền nhiễm Tp.HCM, cố vấn chuyên môn Bệnh viện Nhi Đồng 1 chia sẻ quan điểm về đề xuất kéo dài tuổi nghỉ hưu lên 70 tuổi trong dự thảo Luật Cán bộ, công chức (sửa đổi).

Ông cho biết, bản thân vừa nghỉ hưu trong năm nay và hiện đang tiếp tục đảm nhiệm vai trò cố vấn chuyên môn tại chính nơi mình từng công tác.

Đề xuất kéo dài tuổi hưu đến 70: Níu kéo người tài cống hiến hay nên nhường chỗ cho lớp trẻ?- Ảnh 2.

BS.Trương Hữu Khanh – Phó Chủ tịch Liên Chi Hội Truyền nhiễm Tp.HCM, cố vấn chuyên môn Bệnh viện Nhi Đồng 1.

Về đề xuất nâng tuổi nghỉ hưu lên 70, BS.Khanh cho rằng vấn đề này cần được xem xét linh hoạt, tùy vào từng trường hợp cụ thể và đặc thù của từng đơn vị.

"Không thể áp đặt một cách cứng nhắc rằng đến 70 tuổi mới nghỉ hưu. Vì sức khỏe ở độ tuổi đó đã suy giảm đáng kể, khó có thể đảm đương những công việc đòi hỏi cường độ cao, đặc biệt trong ngành y", BS.Khanh cho hay.

Ông nhấn mạnh, việc định nghĩa ai là "chuyên gia" cũng cần xuất phát từ thực tiễn. Mỗi đơn vị sẽ có nhu cầu riêng và nếu người lao động có năng lực, vẫn còn đủ sức khỏe thì hoàn toàn có thể được giữ lại làm việc theo hình thức hợp đồng. Việc kéo dài tuổi làm việc khi thực sự cần thiết nên là sự lựa chọn từ hai phía người lao động và đơn vị sử dụng lao động, không nên là một quy định mang tính bắt buộc.

"Đưa ra một mốc tuổi như 70 rồi tất cả cùng theo thì dễ dẫn đến phiền toái. Có người nghĩ mình là chuyên gia thì phải được làm tiếp, trong khi thực tế có thể đã không còn phù hợp", BS.Khanh bày tỏ.

Theo BS.Khanh, những người có thực lực, có năng lực thì chắc chắn sẽ được giữ lại làm việc, bởi đơn vị nào cũng cần người tài. Tuy nhiên, họ cần được ký hợp đồng minh bạch, có chế độ đãi ngộ xứng đáng với công sức bỏ ra.

Vị chuyên gia cũng nhấn mạnh vai trò của việc "nhường chỗ" cho thế hệ trẻ, không nên giữ khư khư mãi vị trí khi đã đến tuổi nghỉ. Cần tạo điều kiện cho lớp trẻ có cơ hội được phát huy.

Bản thân người nghỉ hưu cũng có thể dành thời gian để nghỉ ngơi hoặc chuyển sang làm những công việc phù hợp hơn.

Ngoài ra, ông lưu ý rằng người trên 60 tuổi thường mắc nhiều bệnh lý nền, do đó, tuổi nghỉ hưu như hiện hành là hợp lý.

"Tôi cho rằng không nên quy định cứng kéo dài tuổi nghỉ hưu đến 70 tuổi mà cần linh hoạt", BS.Khanh nhấn mạnh.

Bộ Nội vụ hướng dẫn cách tính chế độ với người nghỉ hưu trước tuổi từ 2-5 năm

Từ góc độ kinh tế, TS. Lê Đăng Doanh – nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương cho rằng, việc sử dụng hiệu quả nguồn lực chất xám, đặc biệt là các chuyên gia đầu ngành là vấn đề cấp thiết trong bối cảnh hiện nay.

Hiện nay, Việt Nam đang đối mặt với sự thiếu hụt nghiêm trọng chuyên gia ở một số lĩnh vực then chốt như quan hệ kinh tế quốc tế, ngành bán dẫn, trí tuệ nhân tạo và tự động hóa. Đây đều là những lĩnh vực có tính chiến lược, đòi hỏi trình độ chuyên môn cao, kinh nghiệm dày dạn và tầm nhìn dài hạn. Do đó, việc tiếp tục sử dụng và phát huy vai trò của các chuyên gia này là điều cần thiết.

"Không thể để lãng phí những nguồn lực trí tuệ như vậy chỉ vì họ đến tuổi nghỉ hưu. Vấn đề là chúng ta sử dụng họ như thế nào cho hợp lý và hiệu quả", ông Doanh cho hay.

Ông cho rằng có nhiều cách tiếp cận để khai thác nguồn nhân lực này. Một là kéo dài tuổi nghỉ hưu như đề xuất của Bộ Nội vụ. Hai là để các chuyên gia nghỉ hưu theo quy định, sau đó ký kết hợp đồng làm việc với vai trò cố vấn, chuyên gia tùy theo nhu cầu thực tế của từng ngành, từng đơn vị.

"Nếu cơ quan, tổ chức cần chuyên gia cán bộ thường xuyên thì có thể kéo dài tuổi nghỉ hưu, nếu cần theo từng vụ việc một thì có thể để họ nghỉ hưu nhưng sau đó ký hợp đồng", ông Doanh nói.

Luật có thể quy định nhưng nên mở ra như có thể về hưu năm 65 tuổi, sau đó nếu còn sức khỏe, năng lực thì có thể tiếp tục làm việc theo hợp đồng.

Tại dự thảo, Bộ Nội vụ cho rằng nhiều quốc gia cho phép nghỉ hưu sớm hoặc kéo dài tuổi nghỉ hưu tùy vào tính chất công việc.

Tham khảo tại Trung Quốc cho thấy, công chức đến tuổi nghỉ hưu hoặc bị mất hoàn toàn khả năng lao động thì nghỉ hưu. Công chức thuộc một trong các trường hợp sau đây và tự nguyện xin nghỉ hưu nếu được cơ quan quản lý chấp thuận thì được nghỉ hưu trước tuổi: Đã làm việc được 30 năm; cách tuổi nghỉ hưu do Nhà nước quy định dưới 5 năm và đã làm việc đủ 20 năm; Các trường hợp khác được nghỉ hưu sớm theo quy định của pháp luật.

Tại Australia, nhân viên đến độ tuổi nghỉ hưu tối thiểu có quyền nghỉ hưu bất cứ lúc nào bằng cách thông báo bằng văn bản cho giám đốc cơ quan. Tuổi nghỉ hưu tối thiểu là 55 tuổi hoặc cao hơn, hoặc thấp hơn theo quy định và có quyền nghỉ hưu sớm.

Tại Nhật Bản, công chức hành chính nghỉ hưu ở tuổi 60, nhưng bác sĩ có thể làm đến 65 tuổi; tại Pháp tuổi nghỉ hưu là 67 nhưng có thể kéo dài đến 75 tuổi trong một số trường hợp…

Link nội dung: https://doanhnghiepcuocsong.vn/de-xuat-keo-dai-tuoi-huu-den-70-niu-keo-nguoi-tai-cong-hien-hay-nen-nhuong-cho-cho-lop-tre-a193094.html