Sáng 17/4, Công ty Cổ phần Tập đoàn Hòa Phát (HoSE: HPG) tổ chức Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2025. Tính tới 9h15, đại hội có sự tham gia của 1.046 đại biểu, đại diện cho hơn 4 tỷ cổ phiếu có quyền biểu quyết.
Mở đầu đại hội, ông Trần Đình Long - Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Hòa Phát cho biết, tập đoàn có khoảng 194.000 cổ đông - đây là số cổ đông đông nhất của một công ty trên sàn chứng khoán Việt Nam. Đây cũng là con số kỷ lục mà Hòa Phát ghi nhận được.
Quý I/2025 lãi 3.300 tỷ đồng, từ 2026 sẽ chia cổ tức bằng tiền mặt
Năm nay, Hòa Phát trình cổ đông kế hoạch kinh doanh tham vọng với mục tiêu doanh thu đạt 170.000 tỷ đồng, tăng khoảng 21% so với thực hiện năm ngoái và là mức cao nhất từ trước tới nay của tập đoàn. Mục tiêu lợi nhuận sau thuế đạt 15.000 tỷ đồng, tăng gần 25% so với thực hiện năm 2024.
Thông tin tại đại hội, ông Trần Đình Long khẳng định sẽ không điều chỉnh kế hoạch kinh doanh kể cả trong bối cảnh thị trường có nhiều bất ổn.
"Chúng ta mạnh dạn xây dựng kế hoạch kinh doanh rất cao. Để hoàn thành, 3 quý còn lại mỗi quý phải lãi 4.000 tỷ đồng. Đây vừa là thách thức vừa là cơ hội", ông Long nói.
Ông Long cho biết, quý I/2025, Hòa Phát ước đạt 37.000 tỷ đồng doanh thu và 3.300 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế, lần lượt tăng 19% và 15% so với cùng kỳ năm trước.
Đại hội đồng cổ đông thường niên 2025 của Hòa Phát diễn ra sáng 17/4 có sự tham gia của 1.046 đại biểu, đại diện cho hơn 4 tỷ cổ phiếu có quyền biểu quyết.
Về phương án phân phối lợi nhuận, với hơn 12.000 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế, Hòa Phát dự kiến trích 600 tỷ đồng cho quỹ đầu tư phát triển, 250 tỷ đồng cho quỹ khen thưởng, phúc lợi và 120 tỷ đồng để trả thù lao HĐQT và Ban kiểm soát cùng với 100 tỷ đồng cho Quỹ khen thưởng ban điều hành (5% phần vượt kế hoạch lợi nhuận sau thuế năm vượt kế hoạch).
Đối với phương án trả cổ tức, tập đoàn dự kiến chi trả cổ tức tổng tỉ lệ 20% gồm 5% tiền mặt và 15% cổ phiếu. Song trước chính sách áp thuế đối ứng của Mỹ, Hội đồng quản trị Hòa Phát đã quyết định không chia cổ tức tiền mặt mà trả toàn bộ bằng cổ phiếu trên cơ sở thận trọng và đảm bảo nguồn vốn tiền mặt trước những biến động ở tầm quốc tế.
Trả lời câu hỏi của cổ đông về việc chia cổ tức, ông Trần Đình Long mong cổ đông ủng hộ quyết định không chia cổ tức bằng tiền mặt.
"Nếu không có gì quá đặc biệt, từ năm 2026, Hòa Phát sẽ tiếp tục chia cổ tức tiền mặt", ông Long nói và cho biết, kế hoạch trả cổ tức là truyền thống mà Hòa Phát muốn duy trì vì đây là một trong những yếu tố giúp tập đoàn trở thành doanh nghiệp quốc dân.
Thép HRC làm đến đâu bán hết đến đó
Nói về thép HRC, Chủ tịch Trần Đình Long cho biết toàn bộ phần cán, phần đúc đã sẵn sàng. Đến tháng 9/2025, lò cao HRC tại Dung Quất 2 sẽ chạy. "Thép HRC làm đến đâu bán hết đến đó", ông Long nói.
"Hoà Phát phấn đấu đến năm 2026 đạt 15 triệu tấn thép lỏng. Từ trước đến nay, Hòa Phát luôn duy trì tỉ trọng xuất khẩu ở mức hợp lý, không quá phụ thuộc vào xuất khẩu. Đến nay nhìn lại thấy chúng ta đã đúng", tỷ phú Trần Đình Long chia sẻ.
Ông Trần Đình Long - Chủ tịch Tập đoàn Hòa Phát khẳng định không sợ cạnh tranh (Ảnh: HT).
Trả lời cổ đông về lo ngại dự án mới của nhà máy thép ở tỉnh Nam Đình của Tập đoàn Xuân Thiện sẽ làm thị trường thêm cạnh tranh, ông Trần Đình Long khẳng định: "Hòa Phát không sợ cạnh tranh, chưa sợ cái gì cả, chúng tôi đã mất dây thần kinh sợ lâu rồi".
"Câu chuyện của Thép Xanh Nam Định không đơn giản, có nhiều yếu tố ảnh hưởng bao gồm cả yếu tố giá thành. E ngại thì lúc nào cũng e ngại, thời nào cũng có đối thủ. Nói như thế không phải là chủ quan song chúng ta cần bình tĩnh đối phó. Để cạnh tranh với Hòa Phát không phải chuyện dễ đâu", ông Long nói.
Bên cạnh đó, Chủ tịch Trần Đình Long cho biết, nhà ở xã hội là một đầu ra tốt cho Hòa Phát dù lãi ít. "Chúng ta đang thí điểm tại KCN Yên Mỹ và tiếp tục nghiên cứu. Tuy nhiên, tất cả mảng bất động sản gồm nhà ở, nghỉ dưỡng, KCN sẽ chiếm không quá 5% trọng số của tập đoàn", ông Long nói thêm.
Cam kết cung cấp các loại thép làm đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam
Trả lời câu hỏi của cổ đông về việc cung cấp thép cho các dự án trọng điểm quốc gia ngành đường sắt như dư án đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam, ông Long cho biết, trong cuộc họp tháng 9/2024 khi Thủ tướng Chính phủ mời các doanh nghiệp lớn đến tham gia đóng góp ý kiến và giao nhiệm vụ thì Thủ tướng có đề nghị Hòa Phát tham gia vào sản xuất đường ray tàu.
Theo ông Long, với đường sắt thông thường và đường cao tốc thì Hòa Phát có thể cung cấp sắt thép đường ray từ phần nền trở xuống. Với đầu máy toa xe, Hòa Phát có thể không làm nhưng có thể cung cấp nguyên vật liệu.
Thủ tướng Phạm Minh Chính làm việc với Công ty Cổ phần Thép Hòa Phát Dung Quất hồi tháng 2/2025, đề nghị nghiên cứu sản xuất ray thép phục vụ đường sắt cao tốc Bắc - Nam (Ảnh: VGP).
Vị Chủ tịch cũng thông báo với cổ đông về việc tập đoàn đang làm nhà máy sản xuất ray đặt tại Dung Quất 2 với tổng mức đầu tư 14.000 tỷ đồng.
"Đây là dự án mới và rất khó, chưa sản xuất ở Việt Nam bao giờ. Với quyết tâm của Hòa Phát, tôi tin tưởng sẽ sản xuất thành công đường ray này. Tôi cam kết tất cả các loại thép cho phần nền của đường sắt là Hòa Phát cung cấp được hết", Chủ tịch Hòa Phát nhấn mạnh.
Link nội dung: https://doanhnghiepcuocsong.vn/ty-phu-tran-dinh-long-hoa-phat-khong-so-canh-tranh-chua-so-cai-gi-ca-a192946.html