Sắp xếp tổ chức bộ máy các cơ quan tư pháp cần lưu ý làm tốt "3 bảo đảm và 1 yêu cầu"

Theo Chủ tịch Hội Luật gia Việt Nam Nguyễn Khánh Ngọc, việc thực hiện sắp xếp tổ chức bộ máy các cơ quan tư pháp –Tòa án và Viện kiểm sát đợt này là đúng đắn, phù hợp và có sự thống nhất với các định hướng và mục tiêu cải cách tư pháp và xây dựng Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam mà Đảng đã đặt ra.

Sắp xếp bộ máy các cơ quan tư pháp là đúng đắn, phù hợp

Theo Kế hoạch về tiếp tục sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị, việc sắp xếp hệ thống tòa án, viện kiểm sát ở địa phương phải hoàn thành trước ngày 30/6/2025.

Theo đó, Đảng ủy Tòa án nhân dân tối cao, Đảng ủy Viện Kiểm sát nhân dân tối cao chủ trì, phối hợp với các cấp ủy, tổ chức đảng liên quan triển khai sắp xếp hệ thống tòa án, viện kiểm sát ở địa phương (hoàn thành trước ngày 30/6/2025).

Sắp xếp tổ chức bộ máy các cơ quan tư pháp cần lưu ý làm tốt

Bí thư Đảng uỷ, Chủ tịch Hội Luật gia Việt Nam Nguyễn Khánh Ngọc (Ảnh: Hữu Thắng).

Đánh giá về việc sắp xếp tổ chức bộ máy các cơ quan tư pháp – Tòa án và Viện kiểm sát, trong đợt này và những điểm cần lưu ý, trao đổi với Người Đưa Tin, Bí thư Đảng uỷ, Chủ tịch Hội Luật gia Việt Nam Nguyễn Khánh Ngọc cho biết, việc sắp xếp tổ chức bộ máy các cơ quan tư pháp – Tòa án và Viện kiểm sát đợt này nằm trong tổng thể thực hiện Nghị quyết số 18 ngày 25/10/2017 của Ban chấp hành Trung ương khóa XII về "Một số vấn đề về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả"; các Kết luận của Trung ương và đang được triển khai rất khẩn trương và quyết liệt.

Theo Chủ tịch Nguyễn Khánh Ngọc về sự cần thiết, một số định hướng lớn của Đảng và Nhà nước về đổi mới, sắp xếp lại tổ chức bộ máy các cơ quan tư pháp và đi cùng với đó là nâng cao hiệu quả hoạt động của các cơ quan này để đáp ứng yêu cầu của công cuộc đổi mới và hội nhập quốc tế sâu rộng của đất nước đã được đặt ra từ khá lâu, nhất là kể từ khi chúng ta thực hiện Chiến lược cải cách tư pháp được Bộ Chính trị thông qua năm 2005, và đi vào xây dựng Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam.

Nhiều nghiên cứu, đề án... liên quan tới cải cách tư pháp đã được thực hiện trong thời gian qua và đã đem lại không ít các kết quả tích cực trên thực tế, trở thành các quy định pháp luật hiện hành.

"Qua đó, có thể thấy việc thực hiện sắp xếp tổ chức bộ máy các cơ quan tư pháp –Tòa án và Viện kiểm sát đợt này là đúng đắn, phù hợp và có sự thống nhất với các định hướng và mục tiêu cải cách tư pháp và xây dựng Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam mà Đảng đã đặt ra", Chủ tịch Hội Luật gia Việt Nam nhấn mạnh.

Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Khánh Ngọc, sự khác biệt so với trước đây chính là các yêu cầu về tiến độ khẩn trương và quyết liệt hơn, mức độ đổi mới, cải cách mạnh mẽ hơn và có sự đồng bộ, nhịp nhàng của cả hệ thống chính trị từ cơ quan Đảng, các cơ quan Nhà nước, MTTQ Việt Nam, các tổ chức chính trị-xã hội, các đoàn thể và được tiến hành ở cả Trung ương và địa phương nên về tổng thể có nhiều thuận lợi và sự đồng tình chung.

Sắp xếp tổ chức bộ máy các cơ quan tư pháp cần lưu ý làm tốt

Trụ sở Viện Kiểm sát nhân dân tối cao.

"Với đặc thù của các cơ quan tư pháp, nhất là tòa án có sứ mệnh bảo vệ công lý, bảo vệ quyền con người, quyền công dân, bảo vệ chế độ XHCN, bảo vệ lợi ích công thì theo tôi việc sắp xếp tổ chức bộ máy các cơ quan tư pháp mặc dù có nhiều thuận lợi đợt này nhưng cần lưu ý làm tốt 3 bảo đảm và 1 yêu cầu", ông Nguyễn Khánh Ngọc nêu.

Theo đó, bảo đảm thứ nhất là bảo đảm sự lãnh đạo của Đảng trong sắp xếp tổ chức, bộ máy các cơ quan tư pháp.

Bảo đảm thứ hai là trong sắp xếp tổ chức bộ máy phải bảo đảm quyền lực Nhà nước là thống nhất, có sự phân công, phối hợp, kiểm soát giữa các cơ quan Nhà nước thực hiện các quyền lập pháp, hành pháp và tư pháp.

Bảo đảm thứ ba là bảo đảm sự độc lập xét xử và chỉ tuân theo pháp luật, đi cùng với bảo đảm quyền tiếp cận công lý thuận lợi, dễ dàng, nhanh chóng, hiệu quả của người dân.

UBTVQH sẽ cho ý kiến về sửa Hiến pháp, sắp xếp đơn vị hành chính

"Một yêu cầu là việc đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của các cơ quan tư pháp phải được tiến hành đồng thời, đồng bộ với việc sửa đổi, hoàn thiện quy trình tố tụng vì công việc của cơ quan tư pháp được thực hiện trên cơ sở các bước của thủ tục tố tụng chặt chẽ, khoa học và tất nhiên là để thành công trong đổi mới và cải cách cũng cần có các điều kiện bảo đảm thực hiện phù hợp", Chủ tịch Hội Luật gia Việt Nam Nguyễn Khánh Ngọc lưu ý.

Tổ chức tòa án, viện kiểm sát khu vực là hợp lý

Cũng đồng tình với chủ trương sắp xếp tổ chức bộ máy các cơ quan tư pháp - Tòa án, Viện kiểm sát, trao đổi với Người Đưa Tin, ĐBQH Trương Xuân Cừ (Đoàn Hà Nội) cho biết, trước đây hệ thống tòa án được tổ chức theo ba cấp: Trung ương, tỉnh và huyện. Trong đó, đã có đề xuất thành lập các tòa án cấp khu vực.

Sắp xếp tổ chức bộ máy các cơ quan tư pháp cần lưu ý làm tốt

ĐBQH Trương Xuân Cừ.

"Tới đây, khi không còn tổ chức tòa án cấp huyện thì việc thành lập các tòa án khu vực càng cần được quan tâm và đầu tư. Đây là một mô hình hợp lý," ông Cừ nhận định.

Đại biểu đoàn Hà Nội cũng dẫn chứng, trong thời gian qua, nhiều cơ quan như thuế và hải quan đã triển khai mô hình tổ chức theo cấp khu vực.

Theo ông Cừ, việc thành lập các tòa án và viện kiểm sát khu vực thay thế cho cấp huyện là hướng đi hợp lý, giúp tinh gọn bộ máy, đồng thời nâng cao hiệu năng, hiệu lực hoạt động.

"Nếu bỏ cấp huyện mà các việc của tòa án, viện kiểm sát chuyển thẳng về cấp tỉnh sẽ tạo ra áp lực lớn cho tỉnh," ông Cừ nhấn mạnh.

Về mô hình tổ chức cụ thể của tòa án và viện kiểm sát khu vực, ông cho rằng các cơ quan chức năng sẽ cần nghiên cứu kỹ lưỡng để vừa đảm bảo tính hợp lý, vừa đáp ứng yêu cầu tinh gọn, hiệu quả trong vận hành.

Sáng 10/4, Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng lần thứ 11, khóa XIII đã khai mạc tại Thủ đô Hà Nội. Trong ngày làm việc thứ nhất, Ban Chấp hành Trung ương Đảng làm việc tại tổ, thảo luận các nội dung về tiếp tục sắp xếp, tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị, sắp xếp đơn vị hành chính và tổ chức chính quyền địa phương 2 cấp, gồm 8 đề án và báo cáo: Trong đó có Đề án tiếp tục sắp xếp, tinh gọn bộ máy Tòa án nhân dân hoạt động hiệu lực, hiệu quả, đáp ứng yêu cầu cải cách tư pháp trong tình hình mới. Đề án tiếp tục sắp xếp, tinh gọn bộ máy Viện Kiểm sát nhân dân theo định hướng không tổ chức cấp huyện.

Trước đó, Kết luận 127-KL/TW của Bộ Chính trị, Ban Bí thư nêu rõ nhiệm vụ xây dựng đề án về hệ thống tòa án, viện kiểm sát ở địa phương theo định hướng không tổ chức cấp huyện.

Bộ Chính trị, Ban Bí thư giao Đảng ủy Tòa án nhân dân tối cao, Đảng ủy Viện Kiểm sát nhân dân tối cao chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan nghiên cứu, xây dựng các để án, tờ trình Bộ Chính trị về hệ thống tòa án, viện kiểm sát ở địa phương theo định hướng không tổ chức cấp huyện, báo cáo Bộ Chính trị cho chủ trương trước khi xin ý kiến các cấp ủy, tổ chức đảng chậm nhất ngày 9/3/2025.

Đảng ủy Tòa án nhân dân tối cao, Đảng ủy Viện Kiểm sát nhân dân tối cao khẩn trương triển khai thực hiện, bảo đảm tiến độ cụ thể như sau: Báo cáo Bộ Chính trị cho chủ trương trước khi xin ý kiến các cấp ủy, tổ chức đảng chậm nhất ngày 9/3/2025.

Tiếp thu ý kiến Bộ Chính trị, Ban Bí thư, hoàn thiện đề án gửi xin ý kiến các tỉnh ủy, thành ủy, đảng ủy trực thuộc Trung ương, các cơ quan, tổ chức, ban đảng Trung ương chậm nhất ngày 12/3/2025.

Tiếp thu ý kiến góp ý của các tỉnh ủy, thành ủy, đảng ủy trực thuộc Trung ương, các cơ quan, tổ chức, ban đảng Trung ương, hoàn thiện đề án, báo cáo Bộ Chính trị, Ban Bí thư trước ngày 27/3/2025.

Tiếp thu ý kiến Bộ Chính trị, Ban Bí thư, ý kiến các cơ quan, hoàn thiện đề án, tờ trình; trình Ban Chấp hành Trung ương Đảng (qua Ban Tổ chức Trung ương) trước ngày 7/4/2025.

Link nội dung: https://doanhnghiepcuocsong.vn/sap-xep-to-chuc-bo-may-cac-co-quan-tu-phap-can-luu-y-lam-tot-3-bao-dam-va-1-yeu-cau-a192314.html