OpenAI huy động thành công 40 tỷ USD tại SoftBank

Khoản đầu tư trên đã khiến OpenAI được định giá ở mức 300 tỷ USD, đồng thời giúp công ty trí tuệ nhân tạo này mở rộng hạ tầng tính toán, nâng cấp các công cụ để đẩy mạnh nghiên cứu AI cho 500 triệu người dùng Chat GPT hàng tuần. Sau vòng gọi vốn mới, OpenAI sẽ gia nhập hàng ngũ những công ty tư nhân giá trị nhất thế giới, bên cạnh SpaceX, ByteDance và Stripe.

Tập đoàn đầu tư công nghệ Nhật Bản từng tuyên bố rằng sẽ đồng ý đầu tư 10 tỷ USD cho OpenAI vào giữa tháng 4 và sẽ đầu tư thêm 30 tỷ USD vào tháng 12, với điều kiện công ty AI này phải chuyển sang mô hình vì lợi nhuận trước khi kết thúc năm. SoftBank cho biết tổng số tiền họ đầu tư sẽ giảm xuống còn 20 tỷ USD nếu như việc tái cơ cấu của OpenAI thất bại.

Thông báo gọi vốn của OpenAI nhấn mạnh mục tiêu của startup này là xây dựng “trí tuệ nhân tạo tổng quát (AGI) vì lợi ích của toàn nhân loại”. Altman đã nhiều lần khẳng định rằng để hiện thực hóa điều đó sẽ cần rất nhiều yếu tố - năng lực tính toán, năng lượng, hạ tầng toàn cầu, và đúng vậy, một lượng tiền khổng lồ. Theo tuyên bố của công ty, vòng gọi vốn lần này đưa họ tiến thêm một bước tới mục tiêu đó. 

SoftBank dự kiến sẽ chuyển nhượng 10 tỷ USD trong tổng số vốn đầu tư cho các nhà đầu tư đồng hành khác (chưa được nêu tên). Một nguồn tin thân cận cho biết phần vốn còn lại sẽ đến từ Microsoft, Coatue Management, Altimeter Capital và Thrive Capital.

Sự quan tâm của các nhà đầu tư đối với lĩnh vực trí tuệ nhân tạo đã tăng mạnh trong những năm gần đây, được thúc đẩy bởi việc ứng dụng rộng rãi chatbot và sự xuất hiện của các tác nhân AI ngày càng tinh vi. Các doanh nghiệp đã tích hợp giải pháp AI để tinh giản hoạt động và nâng cao trải nghiệm khách hàng, trong khi các quỹ đầu tư mạo hiểm cạnh tranh để rót vốn vào các startup AI tiềm năng.

OpenAI có trụ sở tại San Francisco trước đó đã hoàn tất một vòng gọi vốn trị giá 6,6 tỷ USD vào tháng 10. Điều đó đã nâng định giá công ty lên 157 tỷ USD. Theo đó, với vòng gọi vốn mới này sẽ khiến OpenAI tăng gần gấp đôi mức định giá.

Chuyên gia phân tích Gil Luria từ D.A. Davidson & Co nhận định: “OpenAI có những kế hoạch đầy tham vọng trên nhiều mặt trận và cần một lượng vốn rất lớn để hiện thực hóa các mục tiêu đó.” Tuy nhiên, ông cũng lưu ý rằng “danh sách các nhà đầu tư sẵn sàng hỗ trợ ở quy mô đó đang thu hẹp, và có thể phần lớn chỉ còn lại SoftBank - vốn chính họ cũng có thể thiếu nguồn lực cần thiết.”

SoftBank có kế hoạch tài trợ khoản 10 tỷ USD đầu tiên thông qua các khoản vay từ Ngân hàng Mizuho và các tổ chức tài chính khác. OpenAI cũng đang hợp tác với SoftBank và Oracle để xây dựng mạng lưới trung tâm dữ liệu trong khuôn khổ dự án Stargate trị giá 500 tỷ USD, nhằm cung cấp hạ tầng cho các tác vụ AI tại Hoa Kỳ.

Ngoài ra, OpenAI được Microsoft hậu thuẫn cũng với kế hoạch cải tổ cơ cấu của mình, cho biết họ sẽ thành lập một công ty vì lợi ích công cộng để thu hút thêm đầu tư và nguồn lực, đồng thời cân bằng lợi ích của cổ đông với lợi ích công cộng. Công ty luật Morrison Foerster của Hoa Kỳ là đơn vị tư vấn cho SoftBank cho biết.

Mặc dù tăng trưởng bùng nổ, OpenAI vẫn đang tiêu tốn một lượng lớn tiền mặt. Theo Bloomberg, công ty này dự kiến đạt 12,7 tỷ USD doanh thu trong năm 2025, tăng mạnh so với 3,7 tỷ USD của năm trước. Tuy nhiên, OpenAI không kỳ vọng có lãi trước năm 2029, khi dự báo doanh thu có thể đạt 125 tỷ USD.

Link nội dung: https://doanhnghiepcuocsong.vn/openai-huy-dong-thanh-cong-40-ty-usd-tai-softbank-a191994.html