Giới trẻ Việt và cách gìn giữ văn hóa độc đáo qua thời trang

() - Với tình yêu sâu đậm dành cho quê hương, Lê Trang và Lê Trọng Hoàng đã kể câu chuyện về văn hóa, con người, vẻ đẹp cố đô thông qua hội họa và thời trang.

Gắn bó với Huế từ thuở ấu thơ, Lê Trang (SN 1993) và Lê Trọng Hoàng (SN 1995) không ngừng tìm cách lan tỏa văn hóa, con người và vẻ đẹp cố đô thông qua từng nét vẽ mộc mạc đến với cộng đồng, đặc biệt là giới trẻ.

Mỗi tác phẩm của hai họa sĩ trẻ là một lát cắt tinh tế về đời sống, ký ức và vẻ đẹp Huế. Không ồn ào hay phô trương, hành trình của họ là những nỗ lực bền bỉ nhằm gìn giữ và lan tỏa giá trị truyền thống.

Giới trẻ Việt và cách gìn giữ văn hóa độc đáo qua thời trang - 1

Hai họa sĩ trẻ mong muốn lan tỏa, lưu giữ giá trị truyền thống của Huế đến giới trẻ.

Từ truyền thống gia đình đến đam mê hội họa

Trọng Hoàng và Lê Trang đều sinh ra trong gia đình có truyền thống nghệ thuật. Ngay từ nhỏ, hai họa sĩ trẻ đã có cơ hội tiếp xúc với nhiều loại hình nghệ thuật khác nhau như hội họa, âm nhạc…

Với Trọng Hoàng, Huế là một phần tâm hồn, thấm vào từng đường nét sáng tạo. Những giá trị văn hóa cung đình, nét đẹp trầm mặc của di sản hay những gam màu truyền thống đều trở thành chất liệu trong tranh vẽ và thiết kế của anh.

Không chọn cách thể hiện hình ảnh Huế theo lối mòn quen thuộc, Trọng Hoàng mang đến góc nhìn mới, tập trung vào những chi tiết tinh tế, giàu bản sắc. Từ những đường nét thêu dệt tinh xảo trên cổ phục, họa tiết khảm sành sứ trên kiến trúc cung đình đến vật dụng đời thường như hoa giấy Thanh Tiên, trống lùng tung hay gối trái dựa.

Trong từng tác phẩm của mình, Trọng Hoàng muốn tôn vinh vẻ đẹp và gửi gắm thông điệp về bảo tồn. Anh mong nghệ thuật trở thành cầu nối, giúp người trẻ hiểu và trân trọng giá trị truyền thống.

Giới trẻ Việt và cách gìn giữ văn hóa độc đáo qua thời trang - 2

Trọng Hoàng lấy cảm hứng từ 3 vật dụng mang đậm dấu ấn Huế.

Sau nhiều năm sinh sống và làm việc tại TPHCM, Lê Trang quyết định quay trở lại Huế. Chính từ đây, cô nhận ra sự khác biệt trong tính cách của mình so với những người bạn ở thành phố lớn, điều mà Trang cho là chịu ảnh hưởng sâu sắc từ văn hóa cố đô.

Lê Trang coi Huế là nguồn cảm hứng bất tận trong các tác phẩm của cô. Nữ họa sĩ sinh năm 1993 bị cuốn hút bởi những góc nhìn bình dị trong cuộc sống như món ăn, địa danh, loài hoa và nhịp sống thường nhật của người dân cố đô.

Tuy nhiên, Lê Trang nhận thấy một số giá trị văn hóa, đặc biệt là các làng nghề truyền thống dần bị mai một. Để lan tỏa nét đẹp xứ Huế, cô hợp tác với các công ty du lịch, giới thiệu hình ảnh vùng đất cố đô và ấp ủ dự án sách minh họa, cung cấp tư liệu trực quan, dễ tiếp cận cho độc giả.

Hành trình bảo tồn và lan tỏa văn hóa Huế

Minh chứng rõ ràng nhất cho điều này chính là sự hợp tác của Lê Trang và Trọng Hoàng với một thương hiệu thời trang trong bộ sưu tập mang tên "Tinh tế hòa nếp Huế".

Trọng Hoàng cho biết: "Chính phong cách sáng tạo độc đáo và cách khai thác tinh tế các yếu tố văn hóa đã giúp tôi trở thành lựa chọn phù hợp trong những dự án mang tính di sản lần này".

Bộ sưu tập của Trọng Hoàng có tên "Bảo" chứa đựng cả hai tầng nghĩa, "bảo vật" quý giá và "bảo tồn" di sản. Lấy cảm hứng từ 3 vật dụng mang đậm dấu ấn Huế, chàng trai sinh năm 1995 đã tái hiện dưới góc nhìn nghệ thuật hiện đại, giúp văn hóa cố đô hiện diện trong đời sống hàng ngày theo cách gần gũi, sáng tạo hơn.

"Bảo" tôn vinh những con người lặng thầm gìn giữ văn hóa Huế, từ nghệ nhân cung đình với kỹ thuật điêu luyện, thợ thủ công đầy nhiệt huyết đến những người làm hoa giấy đang níu giữ hồn làng nghề.

Bên cạnh đó, bộ sưu tập là sự giao thoa giữa quá khứ và hiện tại, nơi nét tinh xảo xưa hòa cùng hơi thở thời đại, để di sản là ký ức và sự tiếp nối.

Giới trẻ Việt và cách gìn giữ văn hóa độc đáo qua thời trang - 3

Bộ sưu tập "Bảo" chứa đựng cả hai tầng nghĩa, vừa là "bảo vật" quý giá, vừa là "bảo tồn" di sản.

Còn với Lê Trang, cô lựa chọn tái hiện lại điều bình dị nhưng đầy ý nghĩa. Những món ăn truyền thống, vật dụng quen thuộc của người dân xứ Huế được khắc họa tinh tế, gần gũi trong tranh của cô nàng.

Trong bộ sưu tập mang tên "Hương", Trang chọn sử dụng màu nước để thể hiện bản sắc Huế. Chất liệu này mang đến sự mộc mạc, gần gũi, nhẹ nhàng, đồng thời tái hiện hương vị, âm thanh và ký ức, tạo sự gắn kết hài hòa giữa các tác phẩm.

Khi sáng tạo trên nền thời trang, Lê Trang gặp không ít khó khăn trong việc định hướng nội dung, điều chỉnh phong cách hội họa để phù hợp với sản phẩm.

Thử thách lớn nhất là chọn lọc hình ảnh và phong cách thể hiện sao cho gần gũi và mang đến góc nhìn mới mẻ, chạm đến cảm xúc của người Huế.

Giới trẻ Việt và cách gìn giữ văn hóa độc đáo qua thời trang - 4

Lê Trang lựa chọn tái hiện lại món ăn và nón lá của Huế.

Lê Trang bộc bạch: "Huế có quá nhiều nét đặc trưng về địa danh, ẩm thực, làng nghề, văn hóa. Chúng tôi phải thảo luận rất nhiều lần để chọn ra biểu tượng tiêu biểu nhất.

Tôi nghiên cứu cách thể hiện tác phẩm trên áo, túi sao cho bắt mắt và dễ ứng dụng hơn. Dù vẫn giữ nét vẽ đặc trưng, tôi phải thay đổi lại một số bố cục, thêm điểm nhấn thú vị để truyền tải nhiều ý nghĩa hơn".

Theo Lê Trang, nghệ thuật là phương tiện biểu đạt cái đẹp và bảo tồn di sản văn hóa. Kết hợp hai yếu tố này giúp những giá trị truyền thống đến gần hơn với công chúng.

Huế là cái nôi văn hóa với nhiều di sản vật thể và phi vật thể nên việc Lê Trang sử dụng nghệ thuật để kể chuyện về văn hóa sẽ giúp mọi người dễ dàng tiếp nhận hơn.

Thông qua dự án lần này, Lê Trang và Trọng Hoàng mong muốn góp phần giữ gìn và lan tỏa bản sắc văn hóa Huế đến đông đảo công chúng.

Hai họa sĩ trẻ hy vọng mỗi tác phẩm sẽ không chỉ là sản phẩm thời trang mà còn là câu chuyện văn hóa, giúp người mặc cảm nhận và trân trọng hơn những giá trị truyền thống.

Ảnh: Nhân vật cung cấp

Link nội dung: https://doanhnghiepcuocsong.vn/gioi-tre-viet-va-cach-gin-giu-van-hoa-doc-dao-qua-thoi-trang-a191773.html