Thứ trưởng Bộ NN&MT: Không để xảy ra tình trạng bỏ trống vùng chăn nuôi

Để phát triển bền vững, ngành chăn nuôi phải đảm bảo an toàn dịch bệnh, bảo vệ môi trường, kiểm soát chất lượng con giống và thức ăn chăn nuôi

Nhằm đánh giá tình hình dịch bệnh, công tác phòng chống dịch bệnh trong chăn nuôi và dự báo thị trường, xuất nhập khẩu thịt lợn trong và ngoài nước trong thời gian qua, Bộ Nông nghiệp và Môi trường đã tổ chức Hội nghị Phòng chống dịch bệnh và Phát triển chăn nuôi lợn trong tình hình mới.

"Dĩ bất biến, ứng vạn biến"

Phát biểu tại sự kiện, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Môi trường Phùng Đức Tiến nhấn mạnh: "Năm 2024, ngành nông nghiệp đạt được những kết quả ấn tượng, trong đó, kim ngạch xuất khẩu sang Trung Quốc đạt 13,6 tỷ USD, chiếm 21,6% tổng giá trị xuất khẩu, còn thị trường Mỹ đóng góp 13,8 tỷ USD, tương đương 21,8%.

Bước sang năm 2025, trong 3 tháng đầu năm, ngành nông nghiệp tiếp tục ghi nhận nhiều dấu ấn quan trọng. Dự kiến 3 tháng đầu năm, toàn ngành tăng trưởng 4,69%, sản lượng lúa gạo đạt gần 10 triệu tấn, năng suất trung bình 71 tạ/ha.

Đàn lợn tăng 3,2%, đàn gia cầm tăng 3,4%, tổng sản lượng thủy sản đạt 1,99 triệu tấn, tăng 2,8%. Kim ngạch xuất khẩu nông sản trong quý I đạt 15,77 tỷ USD, duy trì đà tăng trưởng ổn định.

Tuy nhiên còn nhiều khó khăn, thách thức, song Thứ trưởng Phùng Đức Tiến nhấn mạnh cần phải "dĩ bất biến ứng vạn biến" để vượt qua, tính toán các giải pháp để đảm bảo đà tăng trưởng.

Thứ trưởng Bộ NN&MT: Không để xảy ra tình trạng bỏ trống vùng chăn nuôi- Ảnh 1.

Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Môi trường Phùng Đức Tiến. (Ảnh: Khương Trung)

Bên cạnh tăng trưởng, kiểm soát chỉ số giá tiêu dùng (CPI) cũng là yếu tố quan trọng để đảm bảo sự ổn định của nền kinh tế. Giá thịt lợn đã có thời điểm tăng mạnh tới 82%, trái với quy luật thường thấy sau Tết. Nếu như trước đây, người chăn nuôi thường có tâm lý bán hết lợn trước Tết vì lo giá giảm, thì năm nay, giá thịt lợn sau Tết lại tăng cao. Đây là một diễn biến bất thường cần được theo dõi chặt chẽ để có giải pháp điều tiết kịp thời.

"Trong bối cảnh Mỹ áp thuế và việc sáp nhập đơn vị hành chính đang được triển khai, tôi đề nghị các địa phương không để xảy ra tình trạng bỏ trống vùng chăn nuôi. Hiện nay, ngành chăn nuôi đóng góp khoảng 33 tỷ USD, đứng thứ 5 trong tổng GDP toàn ngành nông nghiệp. Để phát triển bền vững, ngành phải đảm bảo an toàn dịch bệnh, bảo vệ môi trường, kiểm soát chất lượng con giống và thức ăn chăn nuôi", Thứ trưởng Tiến nói.

Chia sẻ tại sự kiện, ông Phạm Kim Đăng - Phó Cục trưởng Cục Chăn nuôi và Thú y cho biết: "Trong bối cảnh thế giới có nhiều sự thay đổi về cách thức tiếp cận mới trong chăn nuôi đã tác động trực tiếp đến hoạt động chăn nuôi lợn của Việt Nam. Ngành chăn nuôi lợn Việt Nam đã và đang chuyển dịch nhanh từ chăn nuôi quy mô nhỏ sang chăn nuôi tập trung, hàng hóa, quy mô lớn, chăn nuôi an toàn sinh học và giảm phát thải".

Thứ trưởng Bộ NN&MT: Không để xảy ra tình trạng bỏ trống vùng chăn nuôi- Ảnh 2.

Ông Phạm Kim Đăng - Phó Cục trưởng Cục Chăn nuôi và Thú y.

Về diễn biến giá thịt lợn, ông Đăng cho biết giá chăn nuôi lợn thường có chu kỳ giảm sau Tết, sau đó phục hồi. Tuy nhiên, bước sang quý I/2025, nhu cầu thịt lợn tăng cao dịp Tết Nguyên đán khiến giá lợn hơi xuất chuồng đạt đỉnh, trung bình 76.500 đồng/kg, thậm chí có thời điểm vượt 80.000 đồng/kg trong tháng 3/2025.

Tuy nhiên, mức giá này chỉ duy trì trong thời gian ngắn. Cuối tháng 3/2025, giá lợn hơi bắt đầu giảm, dao động 66.000 - 76.000 đồng/kg tùy địa phương và nguồn cung từ công ty hay hộ chăn nuôi nhỏ lẻ. Đến ngày 31/3/2025, giá trung bình trên cả nước ở mức 69.000 đồng/kg.

"Cơn sốt" giá lợn hơi: Động lực thay đổi ngành chăn nuôi

Theo đại diện Cục Chăn nuôi và Thú y, diễn biến giá thịt lợn tăng trong thời gian qua là hệ quả của nhiều yếu tố, trong đó có dịch bệnh, đặc biệt là dịch tả lợn châu Phi. "Dịch bệnh dù đã giảm mức độ nghiêm trọng nhờ vắc-xin và biện pháp an toàn sinh học nhưng lại luôn dai dẳng, âm ỉ gây tâm lý lo ngại khi tái đàn dẫn đến giảm số lượng đàn lợn, từ đó hạn chế nguồn cung cấp thịt lợn và thúc đẩy giá tăng cao", ông Đăng đề cập.

Đồng thời, việc kiểm soát nhập lậu cũng được siết chặt với 229 vụ vi phạm bị bắt giữ trong năm 2024, riêng tháng 1/2025, lực lượng chức năng đã xử lý hơn 11,6 tấn sản phẩm động vật nhập lậu.

"Ngoài ra, chi phí chăn nuôi tiếp tục gia tăng do yêu cầu về an toàn sinh học, đầu tư hệ thống kiểm soát môi trường và nhân công, đẩy giá lợn hơi lên cao. Đặc biệt, cơn bão số 3 vào tháng 9/2024 đã ảnh hưởng lớn đến đàn lợn nái sinh sản tại các tỉnh phía Bắc, gây thiếu hụt con giống và làm giảm nguồn cung lợn thịt xuất chuồng trong thời gian gần đây", ông Đăng nói.

Ngành chăn nuôi cần những giải pháp đồng bộ

Ông Trần Lâm Sinh - Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Môi trường Đồng Nai cho biết, chăn nuôi là lĩnh vực chiếm tỉ trọng cao nhất trong giá trị sản xuất nông nghiệp của tỉnh, đạt 61,83%. Tuy nhiên, ngành này đang gặp nhiều khó khăn, đặc biệt trong phòng chống dịch bệnh, khai báo tổng đàn, kiểm soát vận chuyển và di dời trang trại.

Thứ trưởng Bộ NN&MT: Không để xảy ra tình trạng bỏ trống vùng chăn nuôi- Ảnh 3.

Ông Trần Lâm Sinh - Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Môi trường Đồng Nai (Ảnh: Khương Trung).

Hiện nay, tổng đàn heo của Đồng Nai giảm 5,23% so với cùng kỳ, còn khoảng 1,9 triệu con. Riêng năm qua, địa phương này đã phải tiêu hủy 1.300 con do dịch bệnh. Việc di dời các trang trại ra khỏi khu dân cư đã đạt 80%, nhưng 20% còn lại vẫn gặp trở ngại.

Trước thực trạng trên, ông Sinh kiến nghị cần đẩy mạnh các giải pháp về truy xuất nguồn gốc, quản lý tổng đàn; hệ thống quản lý số hóa.

Còn tại Hà Nội, ông Nguyễn Đình Đảng - Chi Cục trưởng Chi cục Chăn nuôi, Thú y và Thủy sản Hà Nội chia sẻ: "Thành phố đang mở rộng không gian đô thị, khiến diện tích đất nông nghiệp dần thu hẹp. Tuy nhiên, chăn nuôi vẫn giữ vai trò quan trọng trong đảm bảo an ninh thực phẩm cho hơn 10 triệu dân và đóng góp vào tăng trưởng nông nghiệp".

Thứ trưởng Bộ NN&MT: Không để xảy ra tình trạng bỏ trống vùng chăn nuôi- Ảnh 4.

Để phát triển bền vững, ngành chăn nuôi phải đảm bảo an toàn dịch bệnh, bảo vệ môi trường, kiểm soát chất lượng con giống và thức ăn chăn nuôi.

Dù vậy, việc triển khai chính sách hỗ trợ theo Nghị định 02/2017/NĐ-CP gặp nhiều vướng mắc do một số quy định không còn phù hợp. Ông Đảng nhấn mạnh, hệ thống thú y cấp xã đóng vai trò then chốt trong phòng chống dịch bệnh, nhưng hiện đang chịu ảnh hưởng bởi quá trình sắp xếp lại tổ chức địa phương. Do đó, cần nghiên cứu thêm chính sách hỗ trợ lực lượng này nhằm đảm bảo hiệu quả hoạt động.

Còn tại Thanh Hóa, để hướng tới phát triển ngành chăn nuôi lợn trong tình hình mới, ông Đặng Văn Hiệp - Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Môi trường kiến nghị cần áp dụng công nghệ tiên tiến, chuyển đổi số, xây dựng cơ sở dữ liệu trong chăn nuôi để tự động hóa các khâu trong sản xuất.

Ngoài ra, trong bối cảnh cả nước đang xây dựng chính quyền 2 cấp và sẽ triển khai vào 1/7 sắp tới, đề nghị Bộ Nông nghiệp và Môi trường quan tâm chỉ đạo, hướng dẫn tỉnh trong công tác quản lý trong lĩnh vực chăn nuôi và thú y.

Link nội dung: https://doanhnghiepcuocsong.vn/thu-truong-bo-nnmt-khong-de-xay-ra-tinh-trang-bo-trong-vung-chan-nuoi-a191364.html