GS.TS Nguyễn Viết Tiến không ngừng cống hiến cho lĩnh vực sản khoa của Việt Nam với niềm tự hào rằng: "Tôi có rất nhiều con" - Ảnh: VGP/TH
"Tìm đường" cho lĩnh vực điều trị hiếm muộn
GS.TS Nguyễn Viết Tiến nổi tiếng với đôi bàn tay vàng trong "bản đồ" ngành y tế Việt Nam, đặc biệt trong lĩnh vực sản phụ khoa và điều trị vô sinh hiếm muộn. Giáo sư chính là người xây dựng và phát triển Trung tâm Hỗ trợ sinh sản Quốc gia – nơi ghi dấu nhiều mảnh đời hạnh phúc và những câu chuyện kỳ diệu về sự ra đời của những đứa trẻ từ phương pháp thụ tinh trong ống nghiệm (IVF).
Lĩnh vực y học hiếm muộn tại Việt Nam phát triển khá muộn so với các nước. Trong khi "em bé ống nghiệm" đầu tiên trên thế giới chào đời năm 1978 thì đến năm 1998 - sau 20 năm, nền Y tế nước nhà mới chào đón "em bé" đầu tiên ra đời bằng phương pháp IVF tại TPHCM.
Lúc này, khái niệm IVF tại Việt Nam nói chung và miền Bắc nói riêng vẫn còn rất mới mẻ, xa lạ. Đứng trước những khó khăn trong việc tiếp thu công nghệ mới cùng với sự phát triển không ngừng của thế giới, GS Nguyễn Viết Tiến không cho phép mình "ngồi im", ung dung, tự tại với những thành quả bấy giờ, ông đã quyết tâm theo học chuyên ngành Thụ tinh trong ống nghiệm tại Đại học Michigan (Mỹ) và trở thành bác sĩ đầu tiên của Việt Nam tu nghiệp tại Mỹ ngành Thụ tinh trong ống nghiệm.
Khi ấy, Mỹ được mệnh danh là "vùng đất vàng" trong thực hiện IVF do sở hữu kỹ thuật hàng đầu cùng hệ thống cơ sở vật chất tiến bộ.
GS Tiến chia sẻ, khoảng thời gian học tập và nghiên cứu tại một trong những trung tâm hàng đầu thế giới về Hỗ trợ sinh sản đã giúp ông tiếp cận những kỹ thuật hiện đại và càng củng cố thêm quyết tâm của ông với mong muốn thay đổi cuộc sống của những cặp vợ chồng hiếm muộn thông qua phương pháp IVF.
GS, TS Nguyễn Viết Tiến (ngoài cùng, bên trái) cùng GS Edward (ngoài cùng, bên phải)-người đầu tiên thực hiện thành công kỹ thuật thụ tinh trong ống nghiệm trên thế giới, tại Hội nghị hỗ trợ sinh sản châu Âu, Geneva, Thụy Sĩ.
Trở lại Việt Nam, mang theo những kiến thức vô giá được học tập tại nước bạn, ngày 29/10/2000, người con của quê hương Cẩm Thạch, huyện Cẩm Xuyên, tỉnh Hà Tĩnh - mảnh đất miền Trung giàu truyền thống lịch sử, cách mạng đã thực hiện thành công ca thụ tinh trong ống nghiệm đầu tiên ở miền Bắc tại Bệnh viện Phụ sản Trung ương. Đây chính là "viên gạch đầu tiên", đặt nền móng cho sự ra đời của Đơn nguyên Hỗ trợ sinh sản thuộc khoa phụ II, Bệnh viện Phụ sản Trung ương, tiền thân của Trung tâm Hỗ trợ sinh sản Quốc gia.
Từ một Đơn nguyên trực thuộc Khoa Phụ (năm 2000) cho tới Trung tâm Hỗ trợ sinh sản Quốc gia (năm 2006), cả một chặng đường phát triển của chuyên ngành sản phụ khoa do GS.TS Nguyễn Viết Tiến trực tiếp dẫn dắt.
Thời gian này, GS Nguyễn Viết Tiến cùng các cộng sự liên tục chuyển giao các kỹ thuật hiện đại trên thế giới để nâng cao trình độ điều trị trong nước. Liên tục những dấu mốc tiếp nhận chuyển giao kỹ thuật và các công trình mới mang đến sự phát triển rực rỡ cho trình độ IVF nước nhà.
Năm 2001, GS Nguyễn Viết Tiến và cộng sự lần đầu tiên áp dụng thành công kỹ thuật giảm thiểu phôi chọn lọc. Tiếp đó, những kỹ thuật cao khác cũng được áp dụng thành công như: xin noãn, kỹ thuật ICSI, trữ đông tinh trùng, đông lạnh/rã đông phôi, noãn, lấy tinh trùng từ mào tinh (PESA/ICSI), chuyển phôi nang (Blastocyst), tinh trùng đông lạnh chuyển về từ nước ngoài, kỹ thuật hỗ trợ phôi thoát màng (AH).
Nhiều cặp vợ chồng đã "tìm thấy con" trong niềm vui vô bờ - Ảnh: VGP/TH
Đặc biệt, năm 2014, lần đầu tiên tại Việt Nam, GS Nguyễn Viết Tiến và cộng sự đã áp dụng thành công kỹ thuật chẩn đoán di truyền tiền làm tổ (PGD), sàng lọc lệch bội nhiễm sắc thể bố mẹ và sàng lọc 24 cặp nhiễm sắc thể.
Kể từ khi thành lập đến nay, Trung tâm Hỗ trợ sinh sản Quốc gia. không ngừng phát triển và nâng cao chất lượng dịch vụ hỗ trợ sinh sản.
Đây không chỉ là nơi mang lại hy vọng cho các cặp vợ chồng hiếm muộn mà còn là biểu tượng của sự phát triển vượt bậc trong lĩnh vực vô sinh hiếm muộn tại Việt Nam. Từ một đất nước có xuất phát điểm chậm hơn nhiều so với các nước bạn, đến nay, Việt Nam đang là nước dẫn đầu khu vực Đông Nam Á về số ca thực hiện IVF thành công với tỷ lệ thành công trung bình đạt 50-60%.
Trung tâm Hỗ trợ sinh sản Quốc gia đã trở thành nơi đón nhận hy vọng cuối cùng của hàng nghìn cặp đôi chưa may mắn, giúp họ vượt qua nỗi đau hiếm muộn và thực hiện ước mơ làm cha, làm mẹ. Dưới sự lãnh đạo của GS Tiến, Trung tâm Hỗ trợ sinh sản Quốc gia liên tục cập nhật những kỹ thuật mới nhất để nâng cao tỷ lệ thành công của mỗi ca IVF.
Hàng vạn đứa trẻ đã chào đời, mang theo hy vọng mới, niềm vui và tình yêu thương trọn vẹn tới các mái ấm nhỏ.
Nhiều cặp vợ chồng đã "tìm thấy con" trong bế tắc
Sau hành trình dài đi "tìm con" trong bế tắc, có cặp vợ chồng tìm đến GS Nguyễn Viết Tiến sau 18 năm không có con. Bệnh nhân có tiền sử sảy thai hơn chục lần, niêm mạc tử cung đã xơ hóa gần như toàn bộ, hàng chục lần chuyển phôi không thành công. Tuy nhiên, khi tìm đến GS Nguyễn Viết Tiến, ông động viên người bệnh "Làm được". Ít lâu sau, gia đình bệnh nhân đã thoả ước nguyện, đón được đứa con trai đầu lòng, rất kháu khỉnh.
Hơn 25 năm cống hiến trong lĩnh vực điều trị hiếm muộn, hơn ai hết, GS Nguyễn Viết Tiến luôn thấu hiểu nỗi niềm khát khao của người làm cha, làm mẹ mong có một mụn con. Từ một khái niệm mới mẻ và mang nhiều định kiến, hoài nghi của xã hội, cho tới hôm nay, thụ tinh trong ống nghiệm đã trở thành một phương pháp quen thuộc và được nhiều gia đình hiếm muộn tìm đến bởi chi phí hợp lý, hiệu quả tối ưu không khác so với nước ngoài.
Hàng vạn đứa trẻ đã chào đời, mang theo hy vọng mới, niềm vui và tình yêu thương trọn vẹn tới các mái ấm nhỏ. GS Nguyễn Viết Tiến vẫn tiếp tục sự nghiệp cống hiến để giúp đỡ ngày càng nhiều người bệnh hơn.
Hành trình kiến tạo "kiềng ba chân" vững chắc
Ngoài công tác chuyên môn, GS Nguyễn Viết Tiến còn là người thầy, người truyền lửa cho nhiều thế hệ bác sĩ trẻ, không chỉ về nghề nghiệp mà còn là lòng yêu nghề, sự tận tâm, cống hiến vì người bệnh. Giáo sư đã dành rất nhiều thời gian để giảng dạy, đào tạo các bác sĩ trong lĩnh vực sản phụ khoa và hỗ trợ sinh sản, tạo ra những thế hệ kế cận có trình độ chuyên môn cao, có khả năng ứng dụng các kỹ thuật hiện đại, mở ra tương lai rực rỡ hơn nữa cho lĩnh vực điều trị vô sinh hiếm muộn tại Việt Nam.
Hiện tại, GS Nguyễn Viết Tiến còn là người tiên phong đưa kỹ thuật tiên tiến trên thế giới lần đầu tiên về Việt Nam để điều trị các khối u - Ảnh: VGP/TH
Với những đóng góp to lớn cho nền y học nước nhà, GS.TS Nguyễn Viết Tiến đã được Đảng, Nhà nước trao tặng nhiều danh hiệu cao quý: Anh hùng Lao động (2009); Nhà giáo Nhân dân (2012); Danh hiệu Nhân tài Đất Việt (2013); Huân chương Độc lập hạng Nhất, Nhì, Ba; cùng nhiều bằng khen, huân chương cao quý khác…
Hiện nay, GS Nguyễn Viết Tiến đang công tác tại Bệnh viện Phụ sản Thiện An - là 1 trong 3 cơ sở bệnh viện tư nhân được Sở Y tế Hà Nội công nhận là "bệnh viện chuyên khoa cấp chuyên sâu, có đủ năng lực thực hiện các kỹ thuật khó, phức tạp". Trong đó, thụ tinh trong ống nghiệm là lĩnh vực mũi nhọn, sở hữu tỉ lệ thành công lên tới gần 80% với nhiều ca bệnh lý khó.
Đặc biệt, mới đây, Bệnh viện Thiện An đã đưa vào sử dụng kỹ thuật sóng siêu âm hội tụ cường độ cao để điều trị khối u bằng kỹ thuật mổ không xâm lấn. Đây là kỹ thuật tiên tiến trên thế giới, lần đầu tiên được đưa vào Việt Nam bởi GS.TS Nguyễn Viết Tiến.
"Theo kết quả trên thế giới, sau khi sử dụng công nghệ này, các khối u nhỏ có thể tự tiêu trong vài tháng, khối u to tự tiêu trong khoảng từ 1-1,5 năm", GS Nguyễn Viết Tiến cho biết.
Đặc biệt, khi điều trị khối u bằng sóng siêu âm hội tụ cường độ cao, các bác sĩ không cần sử dụng các biện pháp gây mê sâu, không sử dụng dao, người bệnh vẫn tỉnh táo, không bị xuất huyết, không đau đớn.
Chặng đường 25 năm đồng hành cùng IVF, hơn 40 năm trong lĩnh vực sản phụ khoa của AHLĐ. NGND.GS.TS.BS Nguyễn Viết Tiến vẫn chưa dừng bước - Ảnh: VGP/TH
Đồng thời, kỹ thuật này còn mang lại hiệu quả to lớn cho người bệnh khi bảo tồn chức năng sinh sản, bệnh nhân có thể ra viện trong ngày, tiết kiệm chi phí.
Sóng siêu âm hội tụ cường độ cao đã được ứng dụng để điều trị cho nhiều loại u bướu, cả lành tính và ác tính, trở thành một công nghệ nổi bật trên thế giới, đem lại hiệu quả điều trị đột phá, loại bỏ chính xác vùng tổn thương mà không làm ảnh hưởng tới các mô và cơ quan lân cận, nhất là đối với u vú, u xơ tử cung, lạc nội mạc tử cung, thai bám sẹo mổ lấy thai, u gan, u tụy, u tuyến tiền liệt. Đến nay, Bệnh viện Thiện An đã điều trị thành công cho hơn 60 bệnh nhân.
Theo GS Nguyễn Viết Tiến, thành công của IVF Thiện An chính là "bí quyết" để phát triển y tế tư nhân. Thành công này đến từ 3 yếu tố cốt lõi được ví như kiềng 3 chân vững chắc, gồm: đội ngũ chuyên gia giỏi, hệ thống phòng Lab hiện đại và phác đồ điều trị chặt chẽ.
Hiện nay, trong quá trình chuyển giao kỹ thuật cho các bệnh viện khác, GS Nguyễn Viết Tiến luôn nhấn mạnh các yếu tố liên quan đến việc ưu tiên sức khỏe người bệnh khi thực hiện IVF. Các phác đồ điều trị cần tuân theo tình trạng sức khỏe của người bệnh, từ liều kích trứng đến tình trạng đáp ứng thuốc cần được theo dõi để điều chỉnh kịp thời.
Trong suốt chiều dài sự nghiệp, không chỉ thành công với kỹ thuật thụ tinh trong ống nghiệm, GS Nguyễn Viết Tiến còn làm chủ và tiên phong trong nhiều kỹ thuật điều trị vô sinh khác như phẫu thuật nội soi tạo hình tử cung, bóc tách các khối u lớn, nằm ở vị trí phức tạp, phẫu thuật nối vòi tử cung...
Tại Bệnh viện Phụ sản Thiện An, dưới đôi bàn tay vàng của GS Tiến, hàng nghìn thiên thần nhỏ chào đời mỗi năm với những nụ cười ấm áp, mang trọn niềm vui, hạnh phúc đến với các gia đình.
Chặng đường 25 năm đồng hành cùng IVF, hơn 40 năm trong lĩnh vực sản phụ khoa của AHLĐ. NGND.GS.TS.BS Nguyễn Viết Tiến vẫn chưa dừng bước. Ông vẫn mong muốn được cống hiến với niềm tự hào rằng: "Tôi có rất nhiều con".
Hiền Minh
Link nội dung: https://doanhnghiepcuocsong.vn/nguoi-xay-hanh-phuc-tron-ven-den-hang-trieu-gia-dinh-hiem-muon-a186622.html