Hệ thống các TCTD không áp lực về thanh khoản
Theo Phó Thống đốc NHNN Phạm Thanh Hà, thời gian qua, thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, NHNN đã chỉ đạo các tổ chức tín dụng (TCTD) triển khai đồng bộ các giải pháp để ổn định lãi suất tiền gửi, yếu tố quan trọng tác động tới lãi suất cho vay. Tuy nhiên, cũng còn một số NHTM tăng lãi suất tiền gửi, có thể ảnh hưởng đến khả năng tăng lãi suất cho vay.
“Do đó, việc tiếp tục triển khai quyết liệt các biện pháp giảm lãi suất cho vay là rất quan trọng”, Phó Thống đốc nhấn mạnh.
Báo cáo về diễn biến tình hình lãi suất thời gian qua, ông Phạm Chí Quang, Vụ trưởng Vụ Chính sách tiền tệ (NHNN) thông tin, tại Nghị quyết Kỳ họp thường kỳ Chính phủ tháng 1/2025, Chính phủ tiếp tục yêu cầu NHNN chỉ đạo các TCTD tiết giảm lãi suất cho vay, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số và các giải pháp khác, phấn đấu hạ lãi suất cho vay. Gần đây nhất ngày 24/2 là Công điện số 19 về tăng cường các giải pháp giảm lãi suất.
Trong đó, hệ thống ngân hàng cần chia sẻ một phần lợi nhuận để giảm lãi suất cho vay, hỗ trợ người dân, doanh nghiệp tiếp cận nguồn vốn tín dụng, thúc đẩy phát triển sản xuất kinh doanh và tạo tích cực tới hoạt động ngân hàng.
Để thúc đẩy mạnh mẽ tăng trưởng kinh tế, đảm bảo mục tiêu tăng trưởng GDP năm 2025 đạt 8% trở lên theo Kết luận của Trung ương, Nghị quyết của Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, theo ông Phạm Chí Quang, hệ thống ngân hàng nỗ lực ổn định, kiểm soát chặt chẽ lãi suất tiền gửi kiểm soát chặt chẽ lãi suất, tăng cường không gian minh bạch lãi suất cho vay trên website, giảm bớt khó khăn, tăng khả năng tiếp cận nguồn vốn của người dân, doanh nghiệp.
“Trong 2 tháng đầu năm 2025, nhìn chung thanh khoản của các TCTD được đảm bảo và có dư thừa, thị trường tiền tệ ổn định, NHNN tiếp tục điều hành linh hoạt nghiệp vụ thị trường mở: Chào mua giấy tờ có giá hàng ngày, khối lượng kỳ hạn phù hợp để hỗ trợ thanh khoản các TCTD. Từ đó ổn định thị trường tiền tệ, đảm bảo các TCTD sẵn sàng cung ứng vốn cho nền kinh tế, hỗ trợ thúc đẩy tăng trưởng kinh tế”, ông Phạm Chí Quang chia sẻ.
Ngoài ra, NHNN điều hành tín dụng bám sát Nghị quyết của Quốc hội, chỉ đạo Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ để tạo điều kiện thuận lợi cho TCTD cung ứng vốn cho nền kinh tế, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.
Ngay từ ngày 30/12/2024, NHNN đã thông báo gửi các TCTD công khai minh bạch giao mục tiêu tăng trưởng tín dụng 2025 để các TCTD tự chủ động triển khai thực hiện. Theo đó, chỉ tiêu tăng trưởng tăng trưởng tín dụng 2025 được giao là 16%.
Tính đến ngày 18/2, dư nợ tín dụng toàn hệ thống đạt 15,62 triệu tỷ đồng, tăng 0,02% so với tháng 12/2024, tăng 16,35% so với cùng kỳ, trong khi cùng kỳ 2024 lại giảm 1,01% so với tháng 12/2023.
“Với tốc độ tăng trưởng tín dụng còn chưa cao, trong cảnh NHNN thường xuyên cung cấp thanh khoản cho hệ thống TCTD, cho thấy hệ thống các TCTD không áp lực về thanh khoản để dẫn đến việc tăng lãi suất huy động trong thời gian qua”, đại diện Vụ trưởng Vụ Chính sách tiền tệ thông tin.
Công khai lãi suất cho vay bình quân
Tuy nhiên, vừa qua đã xuất hiện xu hướng tăng lãi suất ở một số NHTM. Bên cạnh đó, một số NHTM cũng đưa ra nhiều sản phẩm tiết kiệm mới với lãi suất hấp dẫn để thu hút khách hàng mở tài khoản tiền gửi tiết kiệm dưới hình thức online, các sản phẩm tiết kiệm với mức lãi suất nhưng kèm theo một số điều kiện khách hàng phải có số dư tiền gửi lớn ở mức 300 tỷ đồng, thậm chí 2.000 tỷ đồng trở lên.
Chia sẻ tại cuộc họp chiều 25/2, lãnh đạo một số NHTM cho biết, thời gian qua chấp hành nghiêm túc các chỉ đạo của Chính phủ, NHNN, duy trì mặt bằng lãi suất ổn định. Lãi suất huy động tăng chỉ ở một số NHTM Cổ phần quy mô nhỏ, mức tăng cũng không đáng kể. Cũng có ngân hàng quy mô lớn tăng lãi suất nhưng chỉ diến ra một vài kỳ hạn chẳng hạn như BIDV chỉ tăng nhẹ 0,1%/năm ở kỳ hạn 24 tháng...
Thời gian tới, NHNN sẽ điều hành công cụ chính sách tiền tệ phù hợp, hiệu quả để hỗ trợ các TCTD chuyển hóa nguồn vốn huy động thành vốn tín dụng, tập trung cho đầu tư phát triển và hoạt động sản xuất kinh doanh, đảm bảo thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, ổn định kinh tế vĩ mô và kiểm soát lạm phát.
Cụ thể, điều hành nghiệp vụ các công cụ chính sách tiền tệ nhằm ổn định thị trường, tiền tệ, đảm bảo thanh khoản cho các TCTD, cung ứng vốn cho nền kinh tế, điều tiết tiền tệ chủ động, linh hoạt, hỗ trợ ổn định tỷ giá trong trường hợp cần thiết, điều hành linh hoạt, phù hợp với diễn biến thị trường, chủ động can thiệp thị trường nhằm ổn định thị trường trước những biến động của nền kinh tế thế giới cũng như cạnh tranh thương mại toàn cầu leo thang, đồng thời củng cố niềm tin của người dân, doanh nghiệp vào đồng nội tệ.
"NHNN cam kết luôn đồng hành với NHTM, theo dõi sát sao cung ứng vốn qua các nghiệp vụ thị trường mở, tái cấp vốn không để các ngân hàng thiếu thanh khoản, đảm bảo đủ vốn cho nền kinh tế", ông Phạm Chí Quang khẳng định.
Ngoài ra, NHNN sẽ tập trung theo dõi sát động thái của các TCTD, điều hành lãi suất phù hợp với diễn biến thị trường, nền kinh tế vĩ mô cũng như lạm phát; tiếp tục chỉ đạo các TCTD tăng cường, đẩy mạnh tiết giảm chi phí hơn nữa, thúc đẩy sử dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số và các giải pháp khác, phấn đấu giảm lãi suất cho vay; đồng thời, yêu cầu các TCTD thực hiện nghiêm túc công bố công khai lãi suất cho vay bình quân theo đúng chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.
Trong thời gian tới, NHNN tiếp tục đổi mới biện pháp điều hành tăng trưởng tín dụng và triển khai triển khai lộ trình giảm dần, tiến tới xóa bỏ điều hành phân bổ chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng; đồng thời chủ động, kịp thời điều chỉnh tăng trưởng tín dụng cho các TCTD trên cơ sở kinh tế vĩ mô và tình hình thực tế tăng trưởng kinh tế tại Việt Nam theo mục tiêu của Quốc hội, Chính phủ đề ra từ đầu năm.
Link nội dung: https://doanhnghiepcuocsong.vn/ngan-hang-thuong-mai-giam-lai-de-ho-tro-doanh-nghiep-a186590.html