EU hôm 24/2 thông báo sẽ đình chỉ các lệnh trừng phạt đối với các lĩnh vực năng lượng, giao thông và ngân hàng của Syria để hỗ trợ công cuộc tái thiết đất nước sau sự sụp đổ của chính quyền cựu Tổng thống Bashar al-Assad.
Song song với đó, các hạn chế liên quan đến chính quyền ông Assad vẫn được khối này duy trì.
Các Ngoại trưởng EU đã quyết định sẽ đình chỉ một loạt các lệnh trừng phạt sâu rộng đối với Syria để giúp quốc gia Trung Đông phục hồi và tái thiết kinh tế sau gần 14 năm nội chiến.
Theo đó, Hội đồng châu Âu đã quyết định xóa 5 tổ chức tài chính (Ngân hàng Công nghiệp, Ngân hàng Tín dụng Phổ thông, Ngân hàng Tiết kiệm, Ngân hàng Hợp tác Nông nghiệp và Hãng hàng không Ả Rập Syria) khỏi danh sách các tổ chức phải chịu lệnh đóng băng tiền và nguồn lực kinh tế.
Đại diện cấp cao của EU về chính sách đối ngoại và an ninh Kaja Kallas. Ảnh: France24
Động thái này cũng tạo điều kiện thuận lợi cho các giao dịch tài chính với Ngân hàng Trung ương Syria cho mục đích nhân đạo và tái thiết.
EU cũng đã đình chỉ các biện pháp theo ngành trong các lĩnh vực dầu khí, điện và giao thông vận tải và đưa ra các miễn trừ đối với lệnh cấm quan hệ ngân hàng giữa các ngân hàng Syria và các tổ chức tài chính trong EU để tạo điều kiện thuận lợi cho các giao dịch vì mục đích nhân đạo và tái thiết, cũng như cho các lĩnh vực năng lượng và giao thông vận tải.
Khối này sẽ theo dõi tình hình của đất nước để đảm bảo rằng các lệnh đình chỉ vẫn phù hợp. Bà Kaja Kallas, nhà ngoại giao hàng đầu của EU, đưa ra cảnh báo quan trọng: "Nếu mọi thứ không diễn ra đúng như mong đợi, thì chúng tôi cũng sẵn sàng tái áp đặt các lệnh trừng phạt".
"Bất kỳ chính phủ nào cũng cần phải bao gồm tất cả và tính đến tất cả các nhóm khác nhau ở Syria", bà Kallas nói.
Hầu hết các lệnh trừng phạt của EU được áp dụng sau khi nội chiến bắt đầu ở Syria vào năm 2011, bao gồm các hạn chế rộng rãi về thương mại, giao dịch tài chính và các ngành công nghiệp quan trọng như năng lượng và vận tải.
Các lệnh trừng phạt đã dẫn đến sự sụp đổ của quan hệ kinh tế EU-Syria, với dòng chảy thương mại trị giá 396 triệu Euro vào năm 2023.
Chính quyền của ông Assad đã bị lật đổ vào tháng 12 năm ngoái bởi nhóm Hồi giáo Hayat Tahrir al-Sham (HTS)., Nhóm này kể từ đó đã kêu gọi dỡ bỏ các lệnh trừng phạt rộng rãi để giúp vực dậy nền kinh tế của đất nước.
Cũng có những lời kêu gọi xóa HTS và thủ lĩnh Ahmed al-Sharaa khỏi danh sách khủng bố quốc tế, nhưng Hội đồng EU đã quyết định duy trì các danh sách như vậy liên quan đến chính quyền cũ, cũng như các hạn chế nhằm vào buôn bán vũ khí, hàng hóa lưỡng dụng, ma túy…
"Danh sách đen" của EU đối với Syria, được gia hạn vào tháng 11 năm ngoái, bao gồm 318 cá nhân và 86 thực thể. Tất cả đều phải chịu lệnh đóng băng tài sản và lệnh cấm đi lại.
Theo báo cáo của Văn phòng Điều phối các vấn đề nhân đạo của Liên hợp quốc (OCHA), hơn 90% người Syria sống dưới mức nghèo khổ và ít nhất 16,5 triệu người trên khắp Syria phải dựa vào một số hình thức hỗ trợ nhân đạo để đáp ứng các nhu cầu cơ bản của họ.
Tuần trước, các tổ chức quốc tế đã cảnh báo rằng các lệnh trừng phạt toàn diện của EU, Mỹ và Vương quốc Anh đối với Syria đang cản trở quá trình phục hồi kinh tế của quốc gia này và ngăn cản hàng triệu người Syria tiếp cận các dịch vụ thiết yếu như điện, chăm sóc sức khỏe, nước và giáo dục.
Minh Đức (Theo Euronews, TRT World)
Link nội dung: https://doanhnghiepcuocsong.vn/eu-do-bo-trung-phat-syria-dua-ra-canh-bao-quan-trong-a186471.html