Giảm thiểu tác động của rác thải nhựa đến cộng đồng ven biển

Rác thải nhựa không tích tụ ở một chỗ mà có sự di chuyển từ trong đất liền ra bờ biển. Ô nhiễm nhựa đang gây ra những tác động về kinh tế đối với cộng đồng sinh sống ven biển, nặng nhất là thiệt hại trong khai thác và du lịch ven bờ.

Chú thích ảnh Thu gom rác thải nhựa tại bãi biển Dinh Cậu, huyện Phú Quốc (Kiên Giang). Ảnh: Lê Huy Hải/TTXVN

Đây là kết quả nghiên cứu bước đầu của dự án “Nguồn phát thải, nơi tích tụ và các giải pháp nhằm giảm thiểu tác động của rác thải nhựa đến cộng đồng ven biển ở Việt Nam” (Dự án 3SIP2C) do Quỹ Nghiên cứu thách thức toàn cầu của Chính phủ Anh tài trợ.

Triển khai từ năm 2022 đến nay, Dự án được thực hiện bởi Đại học Heriot-Watt (Vương quốc Anh) và các đối tác Việt Nam gồm: Trường Đại học Phenikaa; Viện Môi trường và Tài nguyên (Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh); Viện Việt Nam học và Khoa học phát triển (Đại học Quốc gia Hà Nội), Trường Đại học Khoa học và Công nghệ Hà Nội; Trường Cao đẳng Kinh tế, Kỹ thuật và Thủy sản; Viện Kinh tế và Quy hoạch Thủy sản và Viện Chiến lược, chính sách tài nguyên và môi trường.

Dự án nhằm đánh giá nguồn phát sinh rác thải nhựa, tác động của ô nhiễm nhựa đến các hoạt động kinh tế - xã hội, hệ sinh thái và sức khỏe con người. Từ đó, đề xuất chính sách và giải pháp nhằm giảm thiểu tác động của rác thải nhựa đến các cộng đồng và các ngành kinh tế liên quan như thủy sản, du lịch... tại Việt Nam.

Theo Giáo sư Lưu Ngọc Hoạt, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Phenikaa, với đường bờ biển dài hơn 3.200 km trải qua 28 tỉnh, thành phố, vùng ven biển Việt Nam có vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế và sinh kế cộng đồng. Tuy nhiên, ô nhiễm nhựa đã và đang đe dọa nghiêm trọng hệ sinh thái, sức khỏe cộng đồng và tính bền vững kinh tế quốc gia. Hằng năm, khoảng 730.000 tấn rác thải nhựa xâm nhập vào môi trường biển, đặt ra nhu cầu cấp thiết về hành động phối hợp giữa các bên liên quan.

Từ khi triển khai dự án đến nay, các bên liên quan đã thực hiện 5 hợp phần: Thu và phân tích mẫu môi trường tại các loại hình thủy vực khác nhau để đánh giá nồng độ, hàm lượng và chủng loại rác thải nhựa; phát triển các công cụ mô hình hóa về sự vận chuyển và tích tụ của rác thải nhựa; thí nghiệm trong phòng thí nghiệm và ngoài thực địa; đánh giá tác động của rác thải nhựa về mặt kinh tế - xã hội đối với nghề khai thác, nuôi trồng thủy hải sản và du lịch tại một số địa phương. Dự án cũng tổ chức tham vấn các bên liên quan thông qua các hội nghị, hội thảo và các hoạt động thúc đẩy sự tham gia của cộng đồng để thu thập thông tin, trao đổi và chia sẻ về các giải pháp giảm thiểu rác thải nhựa ở Việt Nam.

Chia sẻ về kết quả của Dự án, Tiến sĩ Ngô Thị Thúy Hường, Trường Đại học Phenikaa cho biết, qua tiến hành nghiên cứu ở đồng bằng sông Hồng và khu vực ven biển, đảo Cát Bà (Hải Phòng) đã xác định gió mùa và bão ảnh hưởng đáng kể đến sự phân bố và đường đi của rác nhựa nổi. Vào mùa khô (gió Đông Bắc), 76,1% rác thải nhựa lớn chuyển về phía Nam; 23% tích tụ ở gần bờ biển thuộc đồng bằng sông Hồng, trong đó khoảng 7,04% tích tụ trong phạm vi 25 km về phía Bắc và 15,96% trong phạm vi 75 km về phía Nam cửa sông Ba Lạt.

Trong khi đó, vào mùa mưa (gió Tây Nam), 42% rác nhựa được đưa ra vùng ngoài khơi vịnh Bắc Bộ. Các mô hình vận chuyển dọc bờ biển về phía Bắc (24,8%) và phía Nam (11,7%) thay đổi nhiều do thường xuyên bị bão làm thay đổi và phá vỡ. Đặc biệt, trong thời gian này, hình thành các quỹ đạo vận chuyển nhựa riêng biệt trước và sau bão. Rác thải nhựa lớn tác động trực tiếp đến việc đánh bắt và nuôi trồng thủy, hải sản vì làm giảm hiệu suất đánh bắt, hiệu quả kinh tế. Chân vịt của các tàu mắc vào rác thải nhựa lớn cũng như những ngư cụ bỏ lại ngư trường, gây nguy hiểm cho người lao động.

Kết quả nghiên cứu cũng cho thấy ô nhiễm vi nhựa là vấn đề đáng báo động. Vi nhựa có tác động rất lớn đến sức khỏe của con người bởi chúng mang theo rất nhiều chất độc; trong đó có kim loại nặng, ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe, hệ thần kinh và các chất hữu cơ khó phân hủy như thuốc trừ sâu, dư lượng kháng sinh. Nhận thức về vi nhựa và tác động của vi nhựa của phần lớn ngư dân, người nuôi trồng thủy sản và khách du lịch còn hạn chế.

Theo Tiến sĩ Ngô Thị Thúy Hường, trong quá trình thực hiện dự án, nhóm các nhà khoa học đến từ trường Đại học Phenikaa và Đại học Heriot-Watt đã phát triển một công nghệ thu mẫu để có được số liệu chính xác nhất, phản ánh đúng hàm lượng vi nhựa trong môi trường. Về mức độ phân bổ vi nhựa, nồng độ vi nhựa được ghi nhận cao hơn trong các mẫu phân tích thu vào mùa khô (3,2 mg/m³) so với mùa mưa (2,3 mg/m³), chủ yếu là vi nhựa dạng sợi. Các điểm tích tụ nhiều rác thải nhựa gồm đảo Cát Bà (ngoài biển khơi) và vịnh Cát Bà. Trên sông Hồng, nồng độ giảm dần về phía thượng nguồn, hạ nguồn và các khu vực cửa sông. Nồng độ của vi nhựa gần cửa sông bị ảnh hưởng bởi thủy triều.

Nhóm nghiên cứu đánh giá ngư dân và nông dân sẵn sàng tham gia các nỗ lực của cộng đồng để thu gom và tái chế rác thải nhựa. Vì vậy, để tăng cường hiệu quả các hoạt động trên, cần có thêm các biện pháp khích lệ tham gia của cộng đồng; đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phân tích những tác động của rác thải nhựa lớn cũng như vi nhựa đến hoạt động đánh bắt, khai thác hải sản và sức khỏe con người. Đồng thời có cơ chế khuyến khích ngư dân mang rác về bờ, có quy trình, công nghệ xử lý hiệu quả thay vì các biện pháp chôn lấp.

Ông Fergus McBea, Bí thư thứ Nhất phụ trách vấn đề Khí hậu và Thiên nhiên của Đại sứ quán Anh cho biết, đồng hành cùng Việt Nam trên hành trình giải quyết ô nhiễm nhựa, từ năm 2020, Quỹ nghiên cứu thách thức toàn cầu của Chính phủ Anh đã khởi động chương trình nghiên cứu trị giá 20 triệu bảng Anh. “Nguồn phát thải, nơi tích tụ và các giải pháp nhằm giảm thiểu tác động của rác thải nhựa đến cộng đồng ven biển ở Việt Nam” là một trong 5 dự án nhận được tài trợ của Quỹ. Ông Fergus McBea kỳ vọng kết quả nghiên cứu của dự án sẽ tiếp tục được ứng dụng để mở đường cho các giải pháp giảm nhựa khu vực ven biển Việt Nam trong thời gian tới.

Link nội dung: https://doanhnghiepcuocsong.vn/giam-thieu-tac-dong-cua-rac-thai-nhua-den-cong-dong-ven-bien-a185772.html