Sáng 13/2, tiếp tục chương trình làm việc, Quốc hội thảo luận tại tổ về Dự án Luật Tổ chức Chính phủ (sửa đổi), Dự án Luật Tổ chức chính quyền địa phương (sửa đổi) và Dự thảo Nghị quyết của Quốc hội liên quan đến việc sắp xếp tổ chức bộ máy nhà nước.
Tại tổ thảo luận số 16 (gồm các đại biểu tỉnh Yên Bái, Hà Tĩnh, Lâm Đồng, Cà Mau), Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà, đại biểu Quốc hội tỉnh Yên Bái, nhấn mạnh sự cần thiết của việc xây dựng hai dự án luật này trong bối cảnh đặc biệt và cấp bách hiện nay. Việc sắp xếp tổ chức bộ máy nhà nước theo hướng tinh gọn đòi hỏi bảo đảm hiệu lực, hiệu quả, hiệu năng trong hoạt động của hệ thống chính trị, đặc biệt là nền hành chính nhà nước từ Trung ương đến địa phương. Đây là bước đi quan trọng trong cải cách hành chính, hướng tới xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân.
Bộ trưởng cũng nhấn mạnh tính cấp bách của hai dự án luật, được xây dựng trong thời gian ngắn với tinh thần "vừa chạy vừa xếp hàng". Hai dự án luật không chỉ có ý nghĩa chính trị, xã hội và pháp lý, mà còn mang tính lịch sử trong giai đoạn quan trọng của đất nước. Do đó, việc thiết kế luật cần bảo đảm cơ chế vận hành linh hoạt cho nền hành chính, đồng thời nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động từ Trung ương đến địa phương.
Một trong những thay đổi lớn nhất của hai dự thảo luật lần này là đổi mới tư duy trong xây dựng dự án luật, theo hướng luật chỉ quy định các nguyên tắc chung, mang tính nền tảng, nhằm đảm bảo tính ổn định và khả năng thích ứng lâu dài. Đây là một bước đổi mới quan trọng trong tư duy xây dựng luật, tránh việc quy định quá chi tiết gây cản trở khi thực hiện trong thực tiễn.
Về nội dung cụ thể, dự thảo Luật Tổ chức Chính phủ giảm 18 điều và 1 chương so với luật hiện hành, chỉ còn 30 điều, tiệm cận với mô hình của các nước như Trung Quốc (20 điều), Nhật Bản (23 điều), Phần Lan (28 điều). Luật tập trung phân định rõ thẩm quyền của Chính phủ và chính quyền địa phương, xác định vai trò của Chính phủ là cơ quan hành chính Nhà nước cao nhất, thực hiện quyền hành pháp. Đồng thời, dự luật cũng làm rõ mối quan hệ giữa Chính phủ với các cơ quan lập pháp, tư pháp.
Bên cạnh đó, hai dự luật cũng quy định rõ ràng vai trò, quyền hạn của HĐND, UBND, Chủ tịch UBND các cấp, cũng như trách nhiệm của Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ với tư cách thành viên Chính phủ và người đứng đầu cơ quan hành chính. Mục tiêu là xóa bỏ tình trạng chồng chéo, xác định rõ trách nhiệm, tránh việc đẩy các quyết định lên cấp cao hơn không cần thiết.
Phân quyền, phân cấp và ủy quyền: Bước đột phá quan trọng
Một điểm mới quan trọng của hai dự án luật là quy định rõ nguyên tắc phân quyền, phân cấp và ủy quyền. Theo đó, phân quyền được quy định trong luật, phân cấp được điều chỉnh qua các văn bản quy phạm pháp luật, còn ủy quyền được xác định bằng các văn bản hành chính. Đồng thời xác định rõ đối tượng, phạm vi và trách nhiệm của từng cấp chính quyền. Cách tiếp cận này đảm bảo tính minh bạch và hiệu quả trong quản lý nhà nước, theo phương châm "địa phương quyết, địa phương làm, địa phương chịu trách nhiệm".
Đặc biệt, dự thảo luật nhấn mạnh vai trò của Bộ trưởng và Thủ trưởng cơ quan ngang bộ trong việc áp dụng nguyên tắc phân quyền, phân cấp và ủy quyền khi xây dựng các văn bản quy phạm pháp luật. Đây là bước quan trọng để đảm bảo sự thống nhất trong hệ thống pháp luật và cải thiện hiệu quả thực thi.
Theo Bộ trưởng Bộ Nội vụ, rà soát cho thấy, hiện có tới 177 luật quy định thẩm quyền của Bộ trưởng và Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, 152 luật quy định thẩm quyền của Thủ tướng Chính phủ, 141 luật liên quan đến HĐND, UBND và 92 luật quy định thẩm quyền của ba cấp chính quyền địa phương. Điều này dẫn đến nhiều chồng chéo và vướng mắc trong thực thi pháp luật.
Theo Bộ trưởng Bộ Nội vụ, một giải pháp quan trọng đó là thực hiện cơ chế ủy quyền lập pháp – một mô hình phổ biến trên thế giới.
Theo đó, trên cơ sở chủ trương của cấp có thẩm quyền, Chính phủ có thể được ủy quyền ban hành nghị định hoặc các văn bản quy phạm pháp luật để xử lý những vấn đề cụ thể theo nguyên tắc được quy định trong hai dự luật về về phân cấp, phân quyền và ủy quyền. Cơ chế này từng được áp dụng trong giai đoạn đặc biệt của dịch COVID-19 với Nghị quyết 30 của Quốc hội và nay có thể mở rộng nhằm giải quyết những điểm nghẽn trong quản lý nhà nước.
Bộ trưởng Phạm Thị Thanh Trà cho biết, sau khi hai dự luật này được thông qua, Chính phủ dự kiến ban hành ít nhất bốn nghị định hướng dẫn, trong đó có nghị định quy định khung chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ, cơ quan ngang Bộ, thay thế Nghị định 123 hiện nay. Đồng thời, các bộ, cơ quan ngang bộ cũng đã hoàn thiện dự thảo nghị định về chức năng, nhiệm vụ của từng cơ quan để khi hai dự án luật Tổ chức Chính phủ (sửa đổi), Luật Tổ chức chính quyền địa phương (sửa đổi), các Nghị quyết liên quan đến sắp xếp bộ máy được thông quan sẽ có thể đi vào vận hành ngay, đảm bảo hệ thống vận hành thông suốt, không có khoảng trống pháp lý.
Bộ trưởng Phạm Thị Thanh Trà nhấn mạnh rằng quá trình xây dựng hai dự luật đã được tiến hành khẩn trương, với sự tham gia của nhiều chuyên gia, sự phối hợp chặt chẽ với Ủy ban Pháp luật và các Ủy ban của Quốc hội, làm việc xuyên Tết để đảm bảo tiến độ.
Bên cạnh việc thông qua hai dự án luật, Chính phủ sẽ tiếp tục rà soát và điều chỉnh để đảm bảo sự thống nhất, đồng bộ và liên thông giữa các quy định, góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả của hệ thống hành chính nhà nước, tạo điều kiện thuận lợi cho phát triển kinh tế - xã hội trong giai đoạn mới.
Hải Giang
Link nội dung: https://doanhnghiepcuocsong.vn/bo-truong-noi-vu-chia-se-ve-hai-du-luat-quan-trong-trong-sap-xep-to-chuc-bo-may-nha-nuoc-a185007.html