Chủ động tiêm phòng cúm
Sáng 12/2, theo ghi nhận của phóng viên Người Đưa Tin tại Trung tâm Tiêm chủng VNVC Cầu Giấy, số lượng người dân đến tiêm vắc-xin cúm có dấu hiệu giảm nhẹ so với những ngày trước. Dù dịch cúm mùa vẫn diễn biến phức tạp, cảnh chen chúc, chờ đợi không còn nhưng nhiều gia đình vẫn chủ động đưa người thân đi tiêm phòng.
Bà Hồng Ánh (Ba Đình, Hà Nội) chia sẻ: "Bạn bè tôi có nhiều người mắc cúm, thậm chí có người phải nghỉ làm cả tuần vì sốt, ho, mệt mỏi. Họ nói cảm giác giống như bị Covid hành. Lo lắng trước tình hình này, gia đình tôi gồm ba người quyết định đi tiêm phòng ngay. Hôm nay, lượng người đến tiêm ít hơn nên quy trình diễn ra nhanh chóng, không phải chờ lâu".
Chung nỗi lo, chị Hoàng Thị Nhung (Cầu Giấy) cũng đưa mẹ 80 tuổi và các con đến tiêm phòng. "Nghe tin cúm mùa lan rộng, tôi rất lo ngại vì gia đình tiếp xúc với nhiều người. Chúng tôi quyết định tiêm vắc-xin để bảo vệ sức khỏe cả nhà", chị Nhung nói.
Bà Phạm Thị Hương, mẹ của một bé 3 tháng tuổi, theo dõi sát thông tin dịch bệnh và nhận thấy cúm mùa là mối đe dọa lớn.
"Hôm nay, tôi đưa con đi tiêm phòng để chủ động bảo vệ bé. Đây là mũi tiêm cúm thứ ba của con tôi. Cả gia đình tôi cũng đã tiêm phòng đầy đủ và sẽ duy trì hàng năm", bà Hương khẳng định.
Cầm cuốn sổ tiêm phòng trên tay, ông Trần Xuân Thái (Hà Tĩnh) cho biết ông duy trì tiêm phòng cúm mỗi năm và thấy rõ lợi ích của việc này.
"Tôi đã tiêm phòng cúm đều đặn từ nhiều năm trước. Năm nay, khi ra Hà Nội làm việc, tôi quyết định tiêm ngay vì dịch cúm đang diễn biến phức tạp hơn mọi năm", ông Thái chia sẻ.
Ông Trần Xuân Thái (Hà Tĩnh) cho biết ông duy trì tiêm phòng cúm mỗi năm và thấy rõ lợi ích của việc này.
Trái ngược với sự giảm nhẹ tại VNVC Cầu Giấy, tại trung tâm tiêm chủng FPT Long Châu (đường Lạc Long Quân, Cầu Giấy), lượng người đăng ký tiêm vắc-xin vẫn khá đông.
Bà Trần Thị Thu Hải (Tây Hồ, Hà Nội) lo lắng: "Tôi nghe nói cúm năm nay mạnh và nguy hiểm, có thể tấn công phổi và khó nhận biết triệu chứng ban đầu. Tiêm vắc-xin là cách tốt nhất để phòng tránh, giảm nguy cơ diễn biến nặng".
Trao đổi với Người Đưa Tin, bác sĩ Nguyễn Thị Nhung (Trung tâm Tiêm chủng FPT Long Châu) khuyến cáo: "Ngoài tiêm phòng, người dân cần đeo khẩu trang khi đến nơi công cộng, súc miệng bằng nước muối ấm hàng ngày, vệ sinh mũi họng, đặc biệt với trẻ dưới 5 tuổi và người trên 60 tuổi".
Bác sĩ Nhung nhấn mạnh: "Người có bệnh nền như tăng huyết áp, đái tháo đường, bệnh tim mạch có nguy cơ biến chứng nặng gấp 8 - 12 lần. Vì vậy, nhóm đối tượng này càng cần tiêm phòng để bảo vệ sức khỏe".
Mỗi người nên thực hiện các biện pháp phòng tránh, tiêm vaccine cúm đầy đủ, duy trì lối sống lành mạnh và tuân thủ hướng dẫn của bác sĩ để tránh bị cúm mùa.
Trong thời gian mắc cúm, người bệnh nên nghỉ ngơi đầy đủ, giữ ấm cơ thể và hạn chế tiếp xúc với người khác để tránh lây lan virus. Uống nhiều nước ấm, bổ sung nước ép trái cây, trà gừng, trà mật ong giúp tăng cường đề kháng và làm dịu triệu chứng khó chịu.
Người bệnh cần giữ ấm vùng cổ, ngực, tay chân, tránh làm việc quá sức để cơ thể có thời gian phục hồi. Nếu sốt cao, ho kéo dài, đau nhức cơ thể, khó thở hoặc mệt mỏi bất thường, đặc biệt ở trẻ nhỏ, người già và người có bệnh lý nền, cần đến cơ sở y tế thăm khám kịp thời.
Cũng theo bác sĩ, dinh dưỡng hợp lý cũng đóng vai trò quan trọng trong quá trình hồi phục. Người bệnh nên ăn các món dễ tiêu như cháo, súp và tăng cường thực phẩm giàu vitamin C, B, D để hỗ trợ hệ miễn dịch.
Nếu sốt cao, ho kéo dài, đau nhức cơ thể, khó thở hoặc mệt mỏi bất thường, đặc biệt ở trẻ nhỏ, người già và người có bệnh lý nền, cần đến cơ sở y tế để thăm khám và điều trị kịp thời.
Đủ vắc xin cúm mùa
Theo Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật (CDC) Hà Nội, cúm mùa xuất hiện quanh năm tại cả 30 quận, huyện, thị xã, nhưng thường bùng phát mạnh từ tháng 12 đến tháng 5. Trong tháng 1 vừa qua, toàn thành phố ghi nhận 820 ca mắc cúm, tăng 6% so với cùng kỳ năm trước.
Tại Trung tâm Tiêm chủng FPT Long Châu, từ đầu năm 2025, số lượt khách hàng đến tiêm vắc-xin cúm và phế cầu tăng gấp đôi so với giai đoạn cuối năm 2024.
BS.Lê Thanh Khôi - Trưởng hội đồng Y khoa, hệ thống Nhà thuốc và Trung tâm tiêm chủng FPT Long Châu cho biết, trung tâm này đang có hai loại vắc-xin cúm là Vaxigrip Tetra (sản xuất tại Pháp bởi hãng Sanofi) và Influvac Tetra (sản xuất tại Hà Lan bởi hãng Abbott).
Trong tháng 1 vừa qua, toàn thành phố Hà Nội ghi nhận 820 ca mắc cúm, tăng 6% so với cùng kỳ năm trước.
Về nguồn cung vắc-xin cúm, BS.Thanh Khôi chia sẻ số lượng vắc-xin cúm được đảm bảo thông qua các kế hoạch nhập khẩu và phân phối từ nhà sản xuất đến tất cả các cơ sở tiêm chủng của Long Châu trên toàn quốc, đảm bảo đáp ứng nhu cầu tiêm chủng của người dân, đặc biệt trong những giai đoạn cao điểm.
Một số điểm tiêm chủng trọng điểm cũng được tăng cường nhân lực và lượng vắc-xin cúm để tránh tình trạng thiếu hụt.
Còn tại hệ thống Tiêm chủng VNVC, đại diện Hệ thống tiêm chủng VNVC cho biết, ghi nhận từ gần 220 trung tâm tiêm chủng VNVC trên cả nước, số lượt khách chủ động tiêm vắc-xin cúm tăng cao, gấp 10 lần so với ngày thường.
Trong đó, khách đến tiêm gồm trẻ em, người lớn tuổi và người có bệnh nền chiếm tỷ trọng lớn. Đây là nhóm có nguy cơ cao mắc bệnh, biến chứng, tăng khả năng nhập viện và tử vong, cần được ưu tiên bảo vệ. Đặc biệt, có nhiều gia đình và đại gia hơn 20 thành viên cùng đến tiêm vắc-xin cúm.
Trước lo ngại về nguồn cung, VNVC khẳng định đảm bảo đủ vắc-xin cho cả trẻ em và người lớn, không tăng giá và áp dụng nhiều chính sách hỗ trợ.
Ngoài ra, để đáp ứng nhu cầu tăng cao của người dân, VNVC đã mở rộng thời gian hoạt động đến 18 giờ, làm việc xuyên trưa tại 108 trung tâm trên toàn quốc. Trước lo ngại về nguồn cung, VNVC khẳng định đảm bảo đủ vắc-xin cho cả trẻ em và người lớn, không tăng giá và áp dụng nhiều chính sách hỗ trợ.
Với diễn biến phức tạp của dịch bệnh, các chuyên gia y tế khuyến cáo người dân nên chủ động tiêm phòng định kỳ, đồng thời thực hiện các biện pháp phòng ngừa để giảm nguy cơ mắc bệnh và biến chứng nguy hiểm.
Việc bảo vệ sức khỏe cá nhân không chỉ giúp mỗi người an toàn mà còn góp phần ngăn chặn sự lây lan của dịch bệnh trong cộng đồng.
Link nội dung: https://doanhnghiepcuocsong.vn/tu-tre-nho-den-cu-gia-ca-nha-keo-nhau-di-tiem-phong-cum-a184937.html