Phó Thủ tướng Bùi Thanh Sơn phát biểu tại Phiên hành động hướng tới các Mục tiêu phát triển bền vững trong khuôn khổ Hội nghị Thượng đỉnh Chính phủ thế giới 2025 - Ảnh: VGP/Hải Minh
Sáng 12/2, Phó Thủ tướng Bùi Thanh Sơn đã tham dự và có bài phát biểu quan trọng tại Phiên hành động hướng tới các Mục tiêu phát triển bền vững (SDG) trong khuôn khổ Hội nghị Thượng đỉnh Chính phủ thế giới 2025 (WGS 2025) tại Các Tiểu vương quốc Arap thống nhất (UAE).
Phó Thủ tướng Bùi Thanh Sơn nhấn mạnh: SDG 2030 và Tuyên bố của Hội nghị Thượng đỉnh tương lai của Liên Hợp Quốc năm 2024 đã xác định tầm nhìn, khẳng định quyết tâm, tạo động lực toàn cầu để thúc đẩy phát triển bền vững vì tương lai thịnh vượng chung cho nhân loại.
Chia sẻ kinh nghiệm của Việt Nam, Phó Thủ tướng khẳng định, Việt Nam hết sức coi trọng và đã nỗ lực hết sức mình để về đích sớm 10 năm trong thực hiện các Mục tiêu phát triển thiên niên kỷ (MDG) và hiện tiếp tục nỗ lực thực hiện SDG.
Từ một nước nghèo, lạc hậu, bị tàn phá nặng nề sau gần 40 năm chiến tranh, 30 năm bị bao vây cấm vận, với đường lối Đổi mới, Việt Nam đã vươn lên trở thành nền kinh tế lớn thứ 33 thế giới, với quy mô nền kinh tế tăng khoảng 60 lần so với giai đoạn trước Đổi mới, thuộc nhóm 20 nước có quy mô thương mại hàng đầu thế giới, là hình mẫu thành công về hàn gắn, khôi phục vết thương chiến tranh, xoá đói, giảm nghèo.
Việt Nam cũng đi đầu trong thực hiện thành công nhiều SDG, nhất là về xóa đói giảm nghèo, y tế, giáo dục. Chỉ số Phát triển bền vững (SDI) của Việt Nam xếp hạng 54/166 quốc gia, cao hơn mức trung bình toàn cầu và đứng thứ hai trong khu vực Đông và Nam Á. Tỉ lệ hộ nghèo theo chuẩn đa chiều giảm còn khoảng 1,9%; thu nhập bình quân người lao động tăng khoảng 7,4%; thu hẹp đáng kể khoảng cách giới trong giáo dục và việc làm; chỉ số hạnh phúc tăng 11 bậc, xếp thứ 54/143.
Nhìn lại chặng đường đã qua, Phó Thủ tướng cho biết, Việt Nam đúc rút được một số bài học kinh nghiệm quý báu: (i) Kiên định độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội; (ii) kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại, không ngừng củng cố, tăng cường đoàn kết; (iii) chủ động lồng ghép SDGs vào các chiến lược, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, các chương trình mục tiêu quốc gia; chính sách linh hoạt với từng địa phương; (iv) đẩy mạnh phát triển khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số; (v) tăng cường hợp tác quốc tế và tài chính bền vững, đẩy mạnh hợp tác công-tư.
Nhân dịp này, Phó Thủ tướng Bùi Thanh Sơn bày tỏ cảm ơn và đánh giá cao sự hỗ trợ, giúp đỡ hiệu quả của cộng đồng quốc tế đối với sự nghiệp xây dựng và phát triển đất nước; khẳng định Việt Nam sẽ tiếp tục thực hiện nghiêm túc các cam kết đã đưa ra, nhất là đạt mức phát thải ròng bằng "0" vào năm 2050 và mong tiếp tục nhận được sự đồng hành của bạn bè quốc tế.
Theo Phó Thủ tướng, thế giới đang chứng kiến những thay đổi mang tính thời đại, cơ hội và thách thức đan xen. Trong bối cảnh đó, chúng ta không có lựa chọn nào khác ngoài một tư duy phát triển mới bền vững và bao trùm, đổi mới, sáng tạo trong quản trị và điều hành, một cách tiếp cận hành động và đột phá vì phát triển bền vững, một quan hệ đối tác mới dựa trên nền tảng đoàn kết quốc tế, đề cao công bằng, chủ nghĩa đa phương và tôn trọng luật pháp quốc tế.
Phó Thủ tướng chia sẻ quan điểm của Việt Nam nhằm hiện thực hóa các Mục tiêu phát triển bền vững - Ảnh: VGP/Hải Minh
Trên tinh thần đó, Phó Thủ tướng đã chia sẻ quan điểm của Việt Nam nhằm hiện thực hóa SDG:
Thứ nhất, hoà bình, ổn định là nền tảng để kiến tạo tương lai thịnh vượng. Vì vậy, cần bảo đảm tuân thủ luật pháp quốc tế và Hiến chương Liên Hợp Quốc; mọi tranh chấp cần được giải quyết bằng biện pháp hòa bình; mọi xung đột cần được hóa giải; mọi sự đối đầu cần thay thế bằng hợp tác và đối thoại. Việt Nam kêu gọi không ngừng củng cố đoàn kết, sự chân thành, lòng tin giữa các quốc gia, đề cao đối thoại và hợp tác.
Thứ hai, có tư duy mới kiến tạo tương lai mang tính chuyển đổi mạnh mẽ, toàn diện, tập trung vào chuyển đổi số, chuyển đổi xanh và chuyển đổi quản trị toàn cầu. Điều này có ý nghĩa quyết định giúp các quốc gia, nhất là các nước đang phát triển tăng cường sức chống chịu, năng lực tự cường, chủ động phòng ngừa trước các cú sốc, vươn mình phát triển bứt phá.
Với mong muốn chung tay thúc đẩy phát triển bền vững, Việt Nam sẽ đăng cai Hội nghị thượng đỉnh Đối tác vì tăng trưởng xanh và các mục tiêu toàn cầu 2030 (P4G) vào 16-17/4/2025 và Hội nghị Bộ trưởng cơ quan Liên Hợp Quốc về thương mại và phát triển (UNCTAD) vào tháng 10/2025. Phó Thủ tướng mong nhận được sự ủng hộ và tham gia tích cực của các nước tại các hội nghị này.
Thứ ba, các chính phủ cần đóng vai trò tiên phong trong kết nối, khơi thông, huy động và sử dụng hiệu quả mọi nguồn lực phục vụ phát triển phù hợp với nhu cầu của mỗi quốc gia.
Các nước đang phát triển thiếu khoảng 4.000 tỷ USD mỗi năm để có thể hoàn thành các SDG vào năm 2030, trong khi đầu tư mới cho phát triển bền vững đã giảm hơn 10% trong năm 2023 và có xu hướng giảm dần.
Phó Thủ tướng nhấn mạnh sự cần thiết phải ưu tiên nguồn lực cho những "vùng trũng" trong triển khai SDG; chú trọng hợp tác tài chính toàn diện, tài chính cho phát triển, hỗ trợ các quốc gia đang phát triển, chậm phát triển, đặc biệt về nguồn vốn ưu đãi, chuyển giao công nghệ tiên tiến, nâng cao năng lực thực hiện cam kết về tăng trưởng xanh, đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, tạo thuận lợi về đầu tư, thương mại, giảm gánh nặng nợ cho các nước nghèo.
Thứ tư, đề cao hợp tác quốc tế, chủ nghĩa đa phương, cách tiếp cận toàn cầu, toàn dân, toàn diện trong giải quyết các thách thức chung, tăng cường năng lực, hiệu quả, sự sẵn sàng cho tương lai và theo kịp một thế giới đang thay đổi.
Thứ năm, con người là trung tâm, là chủ thể, là mục tiêu, là động lực và nguồn lực quan trọng nhất của mọi chính sách, hành động ở tất cả các cấp độ. Các chính phủ cần tăng cường hợp tác trong việc xây dựng các tiêu chuẩn quản trị chung, bảo đảm các công nghệ mới phục vụ con người và vì thịnh vượng chung của toàn thế giới.
Phát triển bền vững là xu thế tất yếu, khách quan và cũng là đích đến của mọi quốc gia. Với phương châm xuyên suốt "không hy sinh tiến bộ, công bằng xã hội và bảo vệ môi trường để chạy theo tăng trưởng kinh tế đơn thuần", Việt Nam cam kết cùng chung tay với các chính phủ và cộng đồng quốc tế thúc đẩy mạnh mẽ việc thực hiện các SDG vì một tương lai hòa bình, ổn định, thịnh vượng và bền vững của tất cả các dân tộc trên thế giới.
WGS là sự kiện thường niên được UAE tổ chức từ năm 2013 dưới sự bảo trợ của Phó Tổng thống, Thủ tướng UAE. Diễn đàn thu hút sự tham gia của các nhà lãnh đạo chính phủ, tập đoàn kinh tế lớn, các học giả để đối thoại về giải pháp, chính sách đối với các vấn đề của chính phủ tương lai, đổi mới công nghệ và quản trị quốc gia.
WGS 2025 là năm thứ 3 liên tiếp có chủ đề "Định hình chính phủ tương lai" nhằm hướng tới tăng cường hợp tác quốc tế để xác định các giải pháp sáng tạo trong tương lai nhằm thúc đẩy và nâng cao sức mạnh cho các thế hệ chính phủ tương lai.
Hội nghị tập trung thảo luận 6 nội dung chính: Quản trị hiệu quả và trách nhiệm giải trình; tài trợ cho tương lai và nền kinh tế toàn cầu; khí hậu, giảm thiểu khủng hoảng và các thành phố có khả năng phục hồi bền vững; tương lai lấy con người làm trung tâm và xây dựng năng lực; chuyển đổi y tế toàn cầu; biên giới mới nổi và tương lai.
Hải Minh
Link nội dung: https://doanhnghiepcuocsong.vn/can-tu-duy-cach-tiep-can-moi-quan-he-doi-tac-moi-de-phat-trien-ben-vung-a184885.html