Theo báo cáo của Bộ Y tế, năm 2023, Việt Nam có 12,5 bác sĩ trên 10.000 dân, tăng so với mức 9,81 bác sĩ vào năm 2020. Với dân số hơn 100 triệu người, cả nước hiện có khoảng 125.000 bác sĩ, trong khi tỉ lệ giường bệnh đạt 32 giường trên mỗi vạn dân. Bộ Y tế ước tính năng lực đào tạo bác sĩ trên toàn quốc hiện vào khoảng 13.000 bác sĩ tốt nghiệp mỗi năm.
Trong lĩnh vực khám chữa bệnh và phục hồi chức năng, Việt Nam có 34 bệnh viện tuyến trung ương trực thuộc Bộ Y tế, bao gồm 11 bệnh viện đa khoa và 23 bệnh viện chuyên khoa, chiếm 9,4% tổng số giường bệnh cả nước.
Năm 2024, bức tranh kinh doanh bệnh viện tư nhân thể hiện rõ sự trái ngược khi có nơi lãi lớn, nhưng không ít đơn vị, dù có hậu thuẫn mạnh, vẫn chật vật với áp lực chi phí và thua lỗ.
Khu vực tư nhân hiện có 231 bệnh viện, chiếm khoảng 4% tổng số giường bệnh, tập trung chủ yếu tại Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh.
Trong bối cảnh đó, các bệnh viện tư nhân không chỉ cạnh tranh về chất lượng dịch vụ mà còn phải cân đối bài toán kinh doanh – một khía cạnh ít được công chúng để ý. Không nhiều bệnh viện công khai kết quả kinh doanh hàng năm, nhưng một số cái tên đáng chú ý, đặc biệt là những bệnh viện có liên quan đến các tập đoàn lớn hoặc đại gia trên thị trường chứng khoán, đã phần nào hé lộ hiệu quả hoạt động thông qua báo cáo tài chính năm 2024.
Bức tranh trái chiều của 2 bệnh viện niêm yết
Là một trong 2 bệnh viện hiếm hoi niêm yết trên sàn chứng khoán, Công ty Cổ phần Bệnh viện Tim Tâm Đức (UPCoM: TTD) vừa công bố báo cáo tài chính quý IV/2024 ghi nhận tình hình kinh doanh cải thiện đáng kể.
Theo đó, doanh thu thuần của Bệnh viện Tim Tâm Đức trong quý IV/2024 đạt 212 tỷ đồng, tăng 12% so với cùng kỳ.
Ở chiều ngược lại, lần đầu tiên trong năm 2024, Bệnh viện Tim Tâm Đức trích lập 12,5 triệu đồng chi phí tài chính, trong khi cùng kỳ năm trước không ghi nhận. Bên cạnh đó, chi phí quản lý doanh nghiệp tăng 3% lên 18,4 tỷ đồng.
Kết quả, sau khi trừ các chi phí, Bệnh viện Tim Tâm Đức báo lãi 26 tỷ đồng trong quý IV/2024, tăng 44% so với cùng kỳ năm trước.
Lũy kế năm 2024, Bệnh viện Tim Tâm Đức ghi nhận doanh thu đạt 778 tỷ đồng, tăng 5% so với cùng kỳ. Sau khi trừ các chi phí, doanh nghiệp bệnh viện trên báo lãi 84 tỷ đồng, tăng nhẹ so với năm 2023.
Trái lại, Công ty Cổ phần Tập đoàn Bệnh viện TNH (HoSE: TNH) ghi nhận tình hình kinh doanh sụt giảm đáng kể so với cùng kỳ năm trước.
Theo đó, quý IV/2024, Bệnh viện TNH ghi nhận doanh thu thuần đạt 110 tỷ đồng, giảm 5% so với cùng kỳ năm trước. Giá vốn tăng cao đã bào mòn lợi nhuận gộp của công ty xuống còn 17 tỷ đồng, "bốc hơi" 66% so với cùng kỳ.
Ở chiều ngược lại, các khoản chi phí của công ty trong quý IV/2024 đều ghi nhận phát sinh mạnh so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, chi phí quản lý doanh nghiệp ghi nhận tăng gần gấp đôi lên 19 tỷ đồng.
Bên cạnh đó, công ty cũng phát sinh 795 triệu đồng chi phí bán hàng trong khi cùng kỳ năm trước không ghi nhận. Đồng thời, công ty cũng ghi nhận hơn 3,5 tỷ đồng chi phí khác, tăng gấp 4 lần cùng kỳ năm trước.
Kết quả, Bệnh viện TNH lỗ sau thuế hơn 13,5 tỷ đồng trong quý IV/2024, trong khi cùng kỳ năm ngoái công ty có lãi tới 34 tỷ đồng. Đây là lần đầu tiên doanh nghiệp bệnh viện này thua lỗ kể từ khi công bố thông tin đến nay.
Giải trình chênh lệch lợi nhuận, Bệnh viện TNH cho biết, nguyên nhân là do trong kỳ, Bệnh viện TNH Việt yên chính thức đi vào hoạt động nên các chi phí phục vụ cho vận hành bệnh viện, triển khai chương trình khuyến mại, miễn giảm chi phí trong giai đoạn đầu hoạt động cũng ảnh hưởng đến doanh thu chung toàn công ty…
Lũy kế năm 2024, Bệnh viện TNH ghi nhận doanh thu đạt 443 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế đạt 49 tỷ đồng; giảm lần lượt 16% và 64% so với cùng kỳ năm trước.
Bệnh viện của các "ông lớn" hẩm hiu
Tại Công ty Cổ phần Bệnh viện đa khoa tư nhân Triều An (Bệnh viện Triều An) - nơi được xem là bến đỗ sau khi ra tù của ông Trầm Bê vừa công bố báo cáo tài chính quý IV/2024 với tình hình kinh doanh sụt giảm rõ rệt so với đầu năm.
Theo đó, doanh thu về bán hàng và cung cấp dịch vụ của công ty đạt gần 200 tỷ đồng, tăng 6% so với cùng kỳ năm trước. Đây chủ yếu là doanh thu khám chữa bệnh.
Tuy nhiên, do giá vốn hàng bán tăng mạnh, vượt quá cả mức tăng của doanh thu dẫn đến lợi nhuận gộp trong kỳ đi lùi xuống còn 26 tỷ đồng, giảm 43%.
Ở chiều ngược lại, các khoản chi phí của Bệnh viện Triều An đều phát sinh mạnh so với cùng kỳ năm trước. Cụ thể, chi phí tài chính đạt 35 tỷ đồng, chi phí quản lý doanh nghiệp đạt 11,6 tỷ đồng; tăng lần lượt 52% và 12% so với cùng kỳ quý IV/2023.
Đáng nói, các khoản chi phí khác ghi nhận tăng vọt từ 40,9 triệu đồng lên 2,6 tỷ đồng; tăng gấp 63 lần so với cùng kỳ năm trước.
Kết quả là Bệnh viện Triều An lỗ 22 tỷ đồng trong quý IV/2024, trong khi cùng kỳ năm ngoái có lãi 13 tỷ đồng. Đây là kết quả kinh doanh thấp nhất trong lịch sử kinh doanh của doanh nghiệp thuộc sự điều hành của ông Trầm Bê. Đáng nói là trước đó vào quý II/2024, bệnh viện này vừa lập kỷ lục lợi nhuận.
Lũy kế năm 2024, Bệnh viện Triều An ghi nhận doanh thu đạt 809 tỷ đồng; lợi nhuận sau thuế đạt 76 tỷ đồng.
Chung cảnh tình cảnh kinh doanh hẩm hiu, Công ty Cổ phần Bệnh viện Giao thông Vận tải - đơn vị liên quan đến bầu Hiển dù có dấu hiệu cải thiện nhưng vẫn chưa thể thoát khỏi thua lỗ.
Cụ thể, trong quý IV/2024, doanh thu thuần của bệnh viện đạt 62 tỷ đồng, tăng 37% so với cùng kỳ năm trước. Nhờ không còn kinh doanh dưới giá vốn, lợi nhuận gộp trong kỳ đạt 8,6 tỷ đồng.
Ở chiều ngược lại, các khoản chi phí tiếp tục gia tăng. Đáng chú ý, chi phí tài chính phát sinh gần 40 triệu đồng, trong khi cùng kỳ năm trước không ghi nhận khoản này. Bên cạnh đó, chi phí quản lý doanh nghiệp cũng tăng 34%, lên mức 8,2 tỷ đồng.
Sau khi trừ đi các chi phí, công ty ghi nhận lợi nhuận sau thuế 2,5 tỷ đồng trong quý IV/2024, cải thiện đáng kể so với mức lỗ cùng kỳ năm trước.
Lũy kế cả năm 2024, doanh thu thuần đạt 197 tỷ đồng, tăng 23% so với năm trước. Tuy nhiên, do áp lực chi phí, công ty vẫn lỗ 12,1 tỷ đồng sau thuế. Dù vậy, mức lỗ này đã thu hẹp đáng kể so với khoản lỗ 26,5 tỷ đồng cùng kỳ năm ngoái. Do đó, lỗ lũy kế của công ty đạt mức 234 tỷ đồng tại ngày 31/12/2024.
Có thể thấy, những con số trên đã thể hiện bức tranh kinh doanh đầy tương phản của ngành y tế tư nhân, nơi một số bệnh viện vẫn giữ vững được lợi nhuận, trong khi những bệnh viện khác, dù có sự hậu thuẫn từ các "ông lớn", vẫn loay hoay tìm đường thoát lỗ.
Link nội dung: https://doanhnghiepcuocsong.vn/kinh-doanh-benh-vien-tu-ke-lai-lon-nguoi-chat-vat-thoat-lo-a184883.html