Sẽ trình Quốc hội điều chỉnh chỉ tiêu GDP năm 2025 tại Kỳ họp bất thường

Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã chuẩn bị các nội dung, hồ sơ cần thiết để Chính phủ trình Quốc hội xem xét, thông qua tại Kỳ họp bất thường sắp tới, trong đó điều chỉnh một số chỉ tiêu tăng trưởng kinh tế - xã hội năm 2025.

Chiều 5/2, Văn phòng Chính phủ tổ chức họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 1/2025. Tại cuộc họp, báo chí đặt câu hỏi đến lãnh đạo Bộ Kế hoạch và Đầu tư về giải pháp mang tính đột phá để đạt mục tiêu tăng trưởng GDP 8% trở lên trong năm 2025.

Trả lời nội dung này, ông Trần Quốc Phương - Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, tại Kỳ họp thứ 8, Quốc hội thông qua Nghị quyết về Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2025 với tốc độ tăng tổng sản phẩm trong nước (GDP) khoảng 6,5-7% và phấn đấu khoảng 7-7,5%. Tốc độ tăng chỉ số giá tiêu dùng (CPI) bình quân khoảng 4,5%.

Tuy nhiên, vừa qua Trung ương đã có quyết nghị chỉ đạo điều chỉnh mục tiêu tăng trưởng năm 2025 là 8% trở lên. Ông Phương cho biết, đây là mục tiêu rất quan trọng, sẽ góp phần tạo nền tảng vững chắc để đạt tốc độ tăng trưởng 2 con số (trên 10%) trong thời gian liên tục trong nhiều năm tới, nhất là trong bối cảnh đất nước có nhiều sự kiện quan trọng.

Sẽ trình Quốc hội điều chỉnh chỉ tiêu GDP năm 2025 tại Kỳ họp bất thường- Ảnh 1.

Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương (Ảnh: HT).

Trước yêu cầu đó, Thứ trưởng Trần Quốc Phương cho biết, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã chuẩn bị các nội dung, hồ sơ cần thiết để Chính phủ trình Quốc hội xem xét, thông qua tại Kỳ họp bất thường sắp tới, trong đó sẽ điều chỉnh một số chỉ tiêu tăng trưởng kinh tế - xã hội năm 2025, đặc biệt là một số cân đối liên quan đến đầu tư, ngân sách, lạm phát…

Đồng thời, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã chuẩn bị nghị quyết riêng để trình Chính phủ triển khai việc cụ thể hóa nhiệm vụ tăng trưởng 8%, trong đó giao chỉ tiêu tăng trưởng trung bình cho các địa phương từ 8% trở lên trong năm 2025.

Nói về giải pháp để hiện thực hóa các mục tiêu đã đề ra, ông Phương cho biết cần "quyết tâm rất cao, nỗ lực rất lớn", điều này đã được thể hiện trong Nghị quyết 01.

"Đối với mục tiêu tăng trưởng 8%, liều lượng về giải pháp trong Nghị quyết 01 của các bộ ngành, địa phương với quyết tâm thực hiện được đề ra ở mức độ cao hơn", ông Phương nói.

Theo Thứ trưởng Trần Quốc Phương, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã tham mưu cho Chính phủ một số nhóm nhiệm vụ, giải pháp chính. Trong đó, tập trung ưu tiên nguồn lực cho công tác hoàn thiện thể chế, pháp luật, xác định thể chế là "đột phá của đột phá" cho phát triển.

"Việc tháo gỡ điểm nghẽn thể chế đối với các dự án đầu tư là thực sự cần thiết để sớm khơi thông nguồn lực mà bấy lâu nay bị tắc nghẽn, đây là nhiệm vụ rất lớn và quan trọng", ông Phương nói.

Sẽ trình Quốc hội điều chỉnh chỉ tiêu GDP năm 2025 tại Kỳ họp bất thường- Ảnh 2.

Thủ tướng yêu cầu tiết kiệm thêm khoảng 10% chi thường xuyên năm 2025 để bổ sung đầu tư cho tuyến đường sắt Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng (Ảnh: PT).

Về phía cầu, ông Phương cho biết cần tăng cường đầu tư công. Ông cũng nhắc lại tại cuộc họp sáng nay (5/2), Thủ tướng đã yêu cầu đưa tỉ trọng chi thường xuyên xuống dưới 60% trong tổng chi ngân sách, tiết kiệm thêm khoảng 10% chi thường xuyên năm 2025 để bổ sung đầu tư cho tuyến đường sắt Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng.

Đối với khối doanh nghiệp Nhà nước, ông Phương cho biết sau sắp xếp tinh gọn theo Nghị quyết 18 sẽ tạo không gian, cơ hội cho doanh nghiệp phát triển, nhất là doanh nghiệp đầu đàn có các dự án lớn mang tính lan toả, dẫn dắt, từ đó thúc đẩy phát triển cho nền kinh tế.

Về thu hút đầu tư của doanh nghiệp tư nhân trong nước, Thứ trưởng cho hay bên cạnh việc cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, thì sẽ thúc đẩy việc gia tăng doanh nghiệp thành lập mới trong năm 2025, đồng thời tháo gỡ các vướng mắc để khơi thông thị trường trái phiếu, bất động sản, chứng khoán…

Tiết kiệm 10% chi thường xuyên để làm đường sắt Lào Cai - Hà Nội - Hải PhòngTiết kiệm 10% chi thường xuyên để làm đường sắt Lào Cai - Hà Nội - Hải PhòngĐỌC NGAY

Về xuất khẩu, ông Phương cho biết năm 2025 sẽ gặp nhiều thách thức lớn liên quan đến các chính sách bảo hộ, chính sách thuế của Mỹ. Do đó, cần phải phân tích kỹ tình hình, tận dụng tối đa các hiệp định thương mại tự do (FTA) đã ký kết, khơi thông các thị trường mới. Đồng thời, đảm bảo kết cấu giữa đầu vào, đầu ra.

Đối với tiêu dùng, cần thúc đẩy sức mua của thị trường trong nước. Tháng 1/2025 chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 1 tăng 3,63% so với cùng kỳ; cung cầu, giá cả hàng hóa ổn định, không có hiện tượng tăng giá đột biến, lợi dụng khan hiếm hàng hóa giả tạo để thu lợi bất chính.

Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng nhấn mạnh việc thúc đẩy các động lực tăng trưởng mới. Theo ông Phương, hiện Việt Nam đã có vị thế rất tốt trong bản đồ công nghệ trên thế giới. "Đây là lợi thế, là cú hích, động lực mang tính dài hạn và cơ hội để chúng ta có thể bứt phá", ông Phương nói thêm.

Link nội dung: https://doanhnghiepcuocsong.vn/se-trinh-quoc-hoi-dieu-chinh-chi-tieu-gdp-nam-2025-tai-ky-hop-bat-thuong-a184063.html